Cầu nối giữa người bệnh với y bác sĩ
Mục tiêu của Nghề công tác xã hội trong ngành Y tế là hỗ trợ các nhóm đối tượng là người bệnh, khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân. Theo đó, những người làm nghề CTXH phải bảo vệ được quyền chăm sóc sức khỏe cho người bệnh thông qua việc xác định mức độ tổn thương về tâm lý và xã hội, tìm hiểu hoàn cảnh để tư vấn các vấn đề liên quan cho người bệnh trong quá trình điều trị.
Đồng thời, họ sẽ tạo sự kết nối người bệnh, người nhà bệnh nhân và thầy thuốc. Trong quá trình tư vấn, các nhân viên CTXH còn tìm kiếm những dịch vụ hỗ trợ cho quá trình điều trị của người bệnh về vật chất, tinh thần và pháp lý, cũng như kết nối các dịch vụ chuyển gửi người bệnh đến các địa chỉ thích hợp sau khi xuất viện.
Trên thực tế, hiện nay, già hóa dân số đang là vấn đề cấp bách của toàn cầu. Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Chính vì vậy, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (NCT) cần có sự chung tay, góp sức không chỉ ở bệnh viện mà còn ở cả gia đình và cộng đồng. Trong khi đó, tại các bệnh viện, ngành CTXH chỉ thực sự phát huy được tác dụng khi đóng vai trò là cầu nối, hỗ trợ tích cực cho NCT với xã hội về cả vật chất và tinh thần.
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết: “Hiện nay, các bệnh viện thiếu nhân lực chăm sóc NCT. Điều dưỡng phải kiêm cả công việc của người chăm sóc. Người nhà bệnh nhân phải thuê người chăm sóc bên ngoài, vừa không yên tâm lại tốn kém. Bởi vậy, việc triển khai phát triển ngành CTXH trong chăm sóc người cao tuổi nói riêng và chăm sóc bệnh nhân nói chung tại các bệnh viện là vô cùng cần thiết”.
Khó khăn cả về đội ngũ và năng lực
Chia sẻ về trách nhiệm đảm đương của nhân viên CTXH, thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng CTXH Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bên cạnh việc thăm hỏi, động viên, chia sẻ để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh khó khăn của từng bệnh nhân, những người làm CTXH còn thường xuyên phải trao đổi với các bác sĩ về tình trạng sức khỏe bệnh nhân; Lượng giá các vấn đề mà gia đình bệnh nhân sẽ gặp phải, sắp xếp theo các thứ tự ưu tiên. Những người làm CTXH còn có thể lên kế hoạch trợ giúp về tâm lý, chi phí chữa bệnh, hoặc chi phí sinh hoạt cho người bệnh; Thông báo với lãnh đạo khoa, phòng về những khoản kinh phí mà bệnh nhân được hỗ trợ…
Song song với đó, người làm CTXH còn có vai trò trợ giúp các nhân viên y tế trong quá trình làm việc. Với những áp lực mà nhân viên y tế gặp phải, thì sự chia sẻ, động viên để họ có thể làm tốt công việc của mình cũng như ngăn ngừa xung đột có thể xảy ra đối với gia đình người bệnh là rất cần thiết. Ngoài ra, những người làm CTXH còn tham gia các phong trào và nhiều hoạt động xã hội khác để giúp đỡ cộng đồng.
Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020, trong đó xác định rõ mục tiêu, nội dung hoạt động nhằm phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành và phát triển nghề CTXH trong các lĩnh vực y tế ở nước ta.
Tuy nhiên, theo thống kê, cả nước hiện mới có khoảng 40 trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành CTXH. Mỗi năm tuyển sinh chỉ khoảng 2.000 sinh viên. Đội ngũ giảng viên CTXH có bằng tiến sĩ và thạc sĩ rất ít, chỉ khoảng 30 - 40 người. Thậm chí có trường chưa có giảng viên nào. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề CTXH còn một số bất cập như: Chương trình nặng về lý thuyết, thiếu đội ngũ giảng viên thực hành, thiếu cơ sở thực hành chuyên nghiệp…
Theo Phó Vụ trưởng, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Nguyễn Hồng Sơn, hiện nay ngành CTXH còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Với nhiều quốc gia trên thế giới, CTXH đã phát triển và trở thành một nghề chuyên nghiệp.
Song tại Việt Nam nghề này mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa phát triển đúng ý nghĩa và tầm vóc của nó trên tất cả các khía cạnh, từ nhận thức, thể chế, mạng lưới tổ chức hoạt động cho tới hệ thống cơ sở dịch vụ. Trong khi đó, nhận thức, sự quan tâm của một số giám đốc bệnh viện về nghề CTXH còn chưa tương xứng. Đặc biệt, tại các bệnh viện còn thiếu nhân lực được đào tạo bài bản, thiếu tài liệu hướng dẫn chuyên môn về dịch vụ này.