Cha mẹ 'tiết chế' chi tiêu để con vững bước vào đời

GD&TĐ - Tiết chế chi tiêu, giảm đáp ứng yêu cầu không cần thiết của trẻ, lên kế hoạch quản lý tài chính… là những bài học nếu muốn con tiết kiệm.

Cha mẹ không nên tiếp tay cho trẻ tiêu xài hoang phí. Ảnh minh họa INT.
Cha mẹ không nên tiếp tay cho trẻ tiêu xài hoang phí. Ảnh minh họa INT.

>>> Cách giúp trẻ phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn khi tiêu tiền

>>> Trao quyền lựa chọn để dạy con tiết kiệm

“Tiếp tay” cho thói quen xấu

Chị Nguyễn Phương Nhung (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) ủng hộ con yêu thích sách vở, vẽ vời nên ngay từ khi con 4 tuổi, chị đã mua rất nhiều loại giấy vẽ, bút màu các loại. Con chỉ cần nói đã dùng hết hoặc không thích, chị sẽ chuyển sang loại khác hoặc mua mới.

Tuy nhiên, chị nhận thấy, việc đáp ứng thái quá vô tình khiến con không biết quý trọng mà sử dụng rất hoang phí. Chỉ cần vẽ sai một nét, con sẽ bỏ cả tờ giấy thay vì tẩy đi hoặc vẽ ở những khoảng trống khác.

“Có những ngày, con chỉ vẽ một giờ đồng hồ thôi mà mất cả tập giấy. Chưa kể đến các loại màu, chỉ cần hơi lỗi nhẹ là con đòi ngay cả hộp bút khác vì không có ai bán lẻ 1 chiếc cả. Lâu dần, con còn hoang phí ở nhiều việc khác như trong ăn uống, chọn quần áo, đồ dùng học tập,…” – chị Nhung cho biết.

Vậy nên, theo chị Nhung, cha mẹ cung cấp và đáp ứng vô điều kiện cho con đã tạo cho trẻ thói quen xấu, không biết tiết kiệm dẫn đến không quý trọng sức lao động của người lớn.

Đối với anh Lê Thành Trung (Cầu Giấy, Hà Nội), một số hành động chiều chuộng của cha mẹ không chỉ khiến con không biết tiết kiệm mà còn không có mục tiêu, ước mơ.

Anh chia sẻ, hiện hầu hết các gia đình đều sinh ít con. Một số gia đình có điều kiện thì chiều con hết mực, đưa con đi du lịch nhiều nơi, ăn nhiều món ngon, được mặc quần áo hàng hiệu. Con quá đầy đủ, thậm chí nhiều thứ ngoài cả với mong muốn của trẻ nên lâu dần, trẻ không “thèm muốn” điều gì.

Những phần thưởng như “nếu con đạt điểm cao, mẹ sẽ thưởng một chuyến du lịch” đã không còn là mục tiêu để trẻ phấn đấu nữa. Bởi con hiểu rằng, nếu không đạt được mục đích thì bố mẹ vẫn cho đi du lịch. Thậm chí, đi nhiều đến mức trẻ còn không muốn đi thêm nữa. Có nhiều trẻ, cha mẹ phải năn nỉ để cả gia đình được đi chơi cùng nhau.

Đôi khi, trong sinh hoạt hàng ngày, trẻ rất đơn giản là ăn món mình thích và mặc đồ mình thấy thoải mái. Thế nhưng, chính người lớn lại muốn con trở lên “cao cấp” hơn, đẹp, sang hơn nên thường xuyên tự chọn lựa và cung cấp cho con theo ý mình. Do đó, con không có mục tiêu gì, nhiều trẻ không có ước muốn gì và hời hợt với mọi thứ trong cuộc sống.

Ngoài những trường hợp trên, nhiều trẻ ở độ tuổi THPT có thói quen tiêu xài hoang phí hoặc theo đuổi những xa xỉ phẩm. Có những trẻ dùng đồ hiệu, mua hàng online không suy tính…

Càng lớn, nhu cầu của trẻ càng tăng cao và sẽ dần nâng cấp hơn. Do đó, nếu không có sự chỉ bảo, làm gương, tiết chế của người lớn thì sự hoang phí sẽ ảnh hưởng lớn đến trẻ sau này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hệ lụy từ hoang phí

ThS Nguyễn Thu Hương – chuyên gia tâm lý, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, trong thời kỳ kinh tế thị trường, những áp lực công việc khiến cha mẹ không dành nhiều thời gian cho con nên có xu hướng lấy vật chất bù đắp cho tinh thần, thỏa mãn và chiều chuộng vô nguyên tắc những ham muốn của trẻ.

Mặt khác do suy nghĩ “mình đã từng khổ rồi, nay có điều kiện con phải được sung sướng, làm ra tiền tiếc gì mà chẳng cho con”. Từ đó dễ hình thành ở trẻ thói quen tiêu xài, muốn gì được nấy và chạy theo những giá trị vật chất, xem đó như tiêu chuẩn, thước đo giá trị con người.

Nói về lý do dẫn đến thói quen sống “vung tay quá trán” của thanh thiếu niên ngày nay, ThS Hương cho rằng, do sự tác động của mạng xã hội đến tâm lý, nhận thức và do thói quen tiêu dùng của gia đình, do sự giáo dục của người lớn… Do vậy, cha mẹ có vai trò hàng đầu trong định hình thói quen sống của trẻ.

Nhiều bậc phụ huynh, từ sớm đã có những kiến thức tư duy giáo dục con về giá trị đồng tiền, cách thức chi tiêu, lên kế hoạch tiêu dùng cá nhân, cho tương lai... Thế nên, có những bạn trẻ từ lúc ngồi trên ghế nhà trường đã bắt đầu làm thêm hay có những kế hoạch khởi nghiệp. Có không ít em nhỏ tiết kiệm tiêu vặt để mua quà tặng người thân, ủng hộ các hoạt động từ thiện hay thậm chí là chuẩn bị sẵn cho tương lai của mình sau này.

Ngược lại, nhiều phụ huynh, hoặc giàu, hoặc chỉ khá giả, thậm chí trung lưu, nhưng chính bản thân họ đã không có kế hoạch chi tiêu hiệu quả, cộng với việc nuông chiều con cái, đáp ứng mọi yêu cầu của con vô điều kiện, không có sự giáo dục về tiền bạc, cũng như thiếu để mắt đến con. Từ đó, sinh ra những cậu ấm, cô chiêu đầy hoang phí, ỉ lại, dùng đồng tiền để lấy những danh tiếng ảo với bạn bè. Và thói quen xấu từ lúc nhỏ lại dẫn đến những bước đi sai lầm trong tương lai.

Cũng theo chuyên gia này, tiêu xài hoang phí và không lập danh sách mua sắm cũng là mầm mống của thói quen xấu. Do đó, muốn làm gương thì chính cha mẹ cần lên danh sách các vận dụng cần mua trước khi vào siêu thị.

Thông thường, ai cũng sẽ rất dễ bị “quyến rũ” bởi những chương trình khuyến mãi, có xu hướng mua sắm nhiều hơn mức cần thiết. Nguy hiểm hơn, bằng việc theo dõi hành vi, quan sát tiêu dùng của người lớn, trẻ con sẽ dễ dàng học được và cũng có thói quen tương tự khi bước vào độ tuổi trưởng thành.

ThS Nguyễn Thu Hương chia sẻ: “Không tiết kiệm, hoặc tiêu xài quá mức cho phép sẽ để lại nhiều hệ lụy khôn lường cho người trẻ. Trước hết, tiêu nhiều từ những đồng tiền không do mồ hôi công sức của mình bỏ ra khiến trẻ dễ sống ích kỷ, không biết tôn trọng giá trị lao động của người khác, dễ nảy sinh lối sống hưởng thụ, đua đòi. Về sau khi điều kiện sống không phù hợp, không đáp ứng đủ các nhu cầu, trẻ dễ nảy sinh những tật xấu như tham lam, vụ lợi, thậm chí trộm cắp, vi phạm pháp luật”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.