>>> Trao quyền lựa chọn để dạy con tiết kiệm
Thế nào là “muốn” và “cần”?
Thật khó để nói về tiền bạc, ngay cả khi cuộc thảo luận diễn ra với một người trưởng thành và có lý trí. Khi nói đến việc dạy con về tài chính, đặc biệt thế nào là “muốn” và “cần”, điều đó thậm chí còn khó khăn hơn. Không dễ dàng để giải thích cho trẻ rằng, chiếc xe tải đồ chơi mà con muốn không quan trọng bằng lượng điện mà gia đình thực sự cần để duy trì hoạt động của ngôi nhà.
Nói “không” là một phần quan trọng trong việc dạy trẻ rằng, con không thể có mọi thứ mình muốn (ngay cả khi món đồ đó có giá cả phải chăng). Trẻ em cần biết rằng, cha mẹ sẽ cung cấp mọi thứ chúng cần. Song, cha mẹ cần dạy cho chúng sự khác biệt giữa nhu cầu và mong muốn. Điều đó sẽ giúp trẻ thiết lập các ưu tiên tài chính phù hợp. Từ đó, mang lại lợi ích cho trẻ trong cuộc sống sau này.
Trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện với trẻ về nhu cầu và mong muốn của con, điều quan trọng là cha mẹ phải bảo đảm rằng mình hiểu rõ vấn đề đó. Thực tế, việc phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn có thể hơi phức tạp trong thế giới ngày nay. Các nghiên cứu cho thấy, công nghệ đã thay đổi định nghĩa của chúng ta về nhu cầu so với mong muốn.
Ví dụ, chúng ta có cần điện thoại thông minh không? Có lẽ, điện thoại là cần thiết vì nó cho phép người dùng tìm trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp. Hoặc, có thể, phụ huynh là người điều hành một doanh nghiệp. Điều đó yêu cầu phải có điện thoại để có thể kiếm tiền đáp ứng nhu cầu cơ bản của mình. Tuy nhiên, mặt khác, rất nhiều người vẫn sống tốt mà không cần điện thoại thông minh.
Để rõ ràng, phụ huynh có thể đặt tất cả “nhu cầu” vào danh mục thức ăn, chỗ ở và quần áo. Trong khi đó, “mong muốn” là một thứ gì đó khác hơn thế. Tất nhiên, có một vùng màu xám.
Ví dụ, bánh Oreo là thực phẩm, nhưng chúng chắc chắn không cần thiết. Quần áo thiết kế cung cấp sự ấm áp và bảo vệ, nhưng không phải ai cũng cần một chiếc quần bò với giá 200 USD. Sự phân biệt này là một điểm rất khó hiểu đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Do đó, cha mẹ có thể giúp trẻ bằng cách đưa ra lời giải thích phù hợp với lứa tuổi của con.
Khi trẻ còn nhỏ, một cuốn sách ảnh về chủ đề này có thể là “bước đệm” để cha mẹ bắt đầu cuộc thảo luận. Cha mẹ có thể tham khảo một vài cuốn sách có thể giúp trẻ học cách phân biệt giữa mong muốn và nhu cầu.
Để trẻ đi siêu thị cũng là một cách dạy con về chi tiêu. Ảnh minh họa: ITN. |
Thảo luận về giỏ hàng tạp hóa
Khi đến trường mẫu giáo, trẻ có thể đã sẵn sàng để bắt đầu tìm hiểu thêm một vài chi tiết về “mong muốn” so với “nhu cầu”. Nếu trẻ thường xuyên đi siêu thị với cha mẹ, đây là một bài tập có thể được thực hiện một cách vô cùng thuận tiện.
Nếu trẻ đã biết đọc, cha mẹ hãy để con giữ danh sách thực phẩm và xác định những mặt hàng đó khi cần. Khi đi qua các khu vực bày sản phẩm và nhặt đồ, phụ huynh hãy hỏi con mình xem đó là nhu cầu hay mong muốn.
Nếu món đồ đó có trong danh sách, thì đó là một nhu cầu. Nếu không, đó là một mong muốn. Chẳng hạn, bột giặt có trong danh sách. Vì vậy, đó là một nhu cầu. Kem không có trong danh sách. Do đó, sản phẩm này là một mong muốn.
Ví dụ, món kem vani tại siêu thị đang được giảm giá. Tuy nhiên, món kem đường đá dù không được giảm giá nhưng trông ngon hơn. Khi đó, trẻ cần cân nhắc xem mình sẽ phải bỏ sản phẩm nào khỏi danh sách để có được kem đường đá thay vì vani. Cách làm này dạy cho trẻ về sự hy sinh (hoặc tiết kiệm tiền) để mua những thứ bản thân muốn.
Sử dụng biểu đồ
Nếu tin tưởng con mình, phụ huynh có thể thực hiện bài tập kích thích thảo luận để trẻ hình dung mong muốn so với nhu cầu. Trước tiên, hãy lấy một chồng tạp chí hoặc tờ rơi quảng cáo trên báo, cũng như một tờ giấy. Sau đó, kẻ một đường thẳng xuống giữa tờ giấy và dán nhãn một bên là “muốn”, bên còn lại là “cần”.
Phụ huynh hãy yêu cầu con mình cắt ra những món đồ phù hợp với từng loại. Sau đó, trẻ cần nói về những món đồ mà chúng đã chọn. Cha mẹ có thể thực hiện hoạt động này để cho con thấy rằng, người lớn cũng có nhu cầu mà không phải đều có thể mua được.
Thiết lập ngân sách
Khi trẻ đủ lớn để hiểu những kiến thức cơ bản về cộng và trừ, cha mẹ có thể cùng con lập ngân sách giả của hộ gia đình. Phụ huynh hãy đưa cho trẻ một lượng tiền giả nhất định và một danh sách các chi phí, bao gồm cả nhu cầu cũng như mong muốn.
Danh sách này có thể bao gồm các nhu cầu như tiền thuê nhà, cửa hàng tạp hóa, xăng, tiền mua xe hơi. Ngoài ra, còn có nhu cầu như trò chơi điện tử, truyền hình cáp, điện thoại thông minh và quần áo thời trang. Điều này sẽ dạy trẻ rằng, không phải tất cả các nhu cầu đều có thể được đáp ứng, ngay cả khi ngân sách vẫn còn.
Cha mẹ có thể cùng con lập ngân sách giả của hộ gia đình. Ảnh minh họa: ITN. |
Trả tiền cho mong muốn của bản thân
Trẻ lớn hơn và thanh thiếu niên có thể trực tiếp tìm hiểu những điều cơ bản về nhu cầu so với mong muốn, khi phụ huynh cho phép chúng trả tiền cho những gì bản thân muốn. Phụ huynh có thể trả tiền trợ cấp hằng tuần cho các công việc mà trẻ đã hoàn thành. Sau đó, hãy để con mình mua mọi thứ chúng muốn ngoài nhu cầu. Một bộ trang phục mới dễ thương, vé xem phim và pizza với bạn bè… đều phải được chi trả từ chính ngân sách của trẻ.
Tất nhiên, trẻ sẽ cần cha mẹ hướng dẫn cách tiết kiệm tiền. Vì vậy, trước khi bắt đầu dự án này, cha mẹ hãy ngồi lại với trẻ và xác định những thứ mà con sẽ muốn trong suốt cả năm, chẳng hạn như một chiếc váy dạ hội, ngân sách cho một kỳ nghỉ gia đình hoặc một đôi giày thể thao bóng rổ mới. Ngoài ra, các thành viên trong gia đình hãy thảo luận về số tiền trẻ sẽ cần tiết kiệm mỗi tuần để đảm bảo có đủ tiền để trang trải những mong muốn đó.
Sau đó, hãy để trẻ quyết định cách tiêu tiền của chính mình vào những mong muốn khác. Nếu trẻ mắc sai lầm và tiêu hết số tiền trong ngày đầu tiên tự kiếm được, cha mẹ không nên cho trẻ thêm. Bỏ lỡ một chuyến đi chơi với bạn bè hoặc không thể mua quần áo sẽ là một lời nhắc nhở để trẻ thực hiện tốt hơn vào lần sau.
Phụ huynh hãy để trẻ đối mặt với những hậu quả tự nhiên. Đồng thời, hãy giải thích rằng, đó là một mong muốn và trẻ có thể sống mà không cần nó. Như vậy, trẻ sẽ học được những kỹ năng kiếm tiền có giá trị để phục vụ tốt cho bản thân trong suốt quãng đời còn lại.
Sẵn sàng nói “không”
Thật khó để từ chối mọi thứ mà trẻ muốn. Song, việc cha mẹ nhượng bộ mọi thứ được yêu cầu sẽ không mang lại lợi ích gì cho trẻ. Trên thực tế, nuông chiều con quá mức có thể dẫn đến chủ nghĩa duy vật. Đây là điều mà các nghiên cứu cho thấy có liên quan đến việc giảm sự hài lòng trong cuộc sống và tỷ lệ trầm cảm cao hơn ở trẻ.
Cho dù trẻ muốn mua một món đồ chơi hay vòng cổ mới, việc nói “không” đôi khi sẽ nhắc nhở chúng rằng, con không cần những thứ đó. Khi cha mẹ dạy con mình sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu, trẻ sẽ hài lòng hơn với những gì chúng có. Nhờ vậy, cha mẹ sẽ có nhiều khả năng nuôi dạy một đứa trẻ trở thành người biết chịu trách nhiệm về tài chính trong tương lai.
Theo các chuyên gia, dạy trẻ về tiền bạc là một phần quan trọng trong việc nuôi dạy con. Tuy nhiên, phụ huynh sẽ mất một chút thời gian và công sức, đặc biệt là nếu gia đình đang có một số vấn đề về tiền bạc cần giải quyết. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, cha mẹ có thể sử dụng sai lầm của mình như một cơ hội để dạy con. Hãy cho phép trẻ học hỏi từ những sai lầm của cha mẹ.
Ngoài ra, hãy cung cấp cho con những hướng dẫn về cách quản lý tiền một cách hiệu quả và có trách nhiệm. Làm như vậy sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng sống quan trọng liên quan đến tiết kiệm và chi tiêu một cách khôn ngoan. Cha mẹ sẽ nhận được thành quả khi kiên trì dành thời gian để dạy con mình cách sử dụng tiền một cách khôn ngoan.
Sau một thời gian giúp trẻ thực hành phán đoán để phân biệt điều “cần” và “muốn”, rất có thể, cha mẹ sẽ thực sự ngạc nhiên khi nhìn thấy sự trưởng thành trong suy nghĩ và việc làm của con. Đó cũng chính là thành quả mà các phụ huynh luôn mong đợi từ những nỗ lực và sự kiên nhẫn của bản thân.