Theo bà Kerry Flatley - nhà sáng lập tổ chức giáo dục trẻ em Self Sufficient Kids (Mỹ), việc dạy trẻ em nấu ăn là vô cùng quan trọng. Bà Flatley chia sẻ, một người bạn của bà không hề được dạy về các kỹ năng nấu ăn cơ bản. Tất cả kỹ năng mà người bạn này biết là... đánh trứng. Và, điều đó trở thành một trong những rào cản của cuộc sống.
“Câu chuyện đó đã gắn bó với tôi trong nhiều năm. Đó là một trong những lý do tại sao tôi phải dạy con mình nấu ăn trước khi trưởng thành”, bà Flatley bày tỏ.
Nhà sáng lập Self Sufficient Kids chia sẻ, nấu ăn luôn là hoạt động thú vị. Bản thân bà thường xuyên thử các công thức nấu ăn mới, cũng như nếm món mới. Sau một ngày dài, nấu ăn có thể là một cách sáng tạo và mang lại cảm giác hài lòng về thành quả của mình. Ngoài ra, đây là một cách tuyệt vời để bạn bè và gia đình gần nhau hơn.
“Nhưng ngay cả khi thích nấu ăn, phụ huynh vẫn có thể sẽ tự hỏi làm thế nào để truyền kiến thức cho con. Đây là một số gợi ý về cách giúp trẻ thoải mái trong bếp và dạy chúng những kỹ năng cơ bản cần thiết để trở thành những đầu bếp tự tin”, bà Flatley cho biết.
Giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi vào bếp
Trẻ dưới 18 tháng tuổi có thể bắt đầu vào bếp giúp đỡ cha mẹ. Ngay cả khi trẻ chưa sẵn sàng, phụ huynh có thể để con tham gia một số trò chơi. Nhờ đó, giúp con có cảm giác với việc nhào bột. Hoặc thậm chí, trẻ có thể lắc muối. Đó cũng là một cách để phụ huynh giới thiệu với con về những gì diễn ra trong nhà bếp.
Khi lớn hơn, trẻ ở độ tuổi mẫu giáo có thể thực sự góp phần vào việc chuẩn bị bữa ăn. Một số nhiệm vụ trẻ có thể đảm nhận bao gồm: Khuấy bột trong bát; Rửa trái cây và rau; Cắt trái cây và rau; Trộn và nhào bột; Sử dụng máy cắt bánh quy; Phết bơ lên bánh mì; Nghiền khoai tây...
Việc cung cấp cho trẻ những dụng cụ phù hợp cũng là điều vô cùng hữu ích. Bởi, dụng cụ nhỏ, không quá sắc sẽ phù hợp với bàn tay của trẻ. Nhờ đó, giúp trẻ thực hành nhiều hơn trong nhà bếp.
Xây dựng sự tự tin trong nhà bếp
Khi trẻ lớn hơn một chút, khoảng 6 - 8 tuổi, chúng có thể chịu trách nhiệm nhiều hơn. Thậm chí, trẻ có thể tự nấu một vài món cơ bản và làm theo các công thức đơn giản.
“Một trong những bữa ăn đầu tiên mà các cô gái của tôi làm là “trứng trong rổ”. Sau khi khoét một hình tròn trên miếng bánh mì bằng khuôn cắt bánh quy, trẻ làm nóng bơ trong chảo, nướng bánh mì bơ. Sau đó, chiên một quả trứng và đặt vào lỗ của bánh mì. Đây là bữa sáng yêu thích của các con gái tôi. Và, điều quan trọng là dạy trẻ một số điều cơ bản như cách đập trứng và sử dụng bếp lò một cách an toàn”, bà Flatley chia sẻ.
Một số nhiệm vụ khác mà trẻ ở độ tuổi này có thể đảm nhận bao gồm: Làm bánh mì nướng; Nướng phô mai; Tráng, chiên và luộc trứng; Sử dụng lò vi sóng để hâm nóng thức ăn; Làm một món salad đơn giản; Pha sinh tố kết hợp nhiều loại quả...
Những kỹ năng cần thiết để nấu ăn độc lập
“Giúp trẻ rèn luyện khả năng làm bếp là một khởi đầu tuyệt vời để nuôi dạy những đứa trẻ biết nấu ăn. Tuy nhiên, những gì chúng cần là kỹ năng nấu ăn thực sự”, bà Flatley nhận định.
Nếu đã nấu ăn trong nhiều năm, chắc hẳn mọi người có thể coi kỹ năng của mình là điều hiển nhiên như: Cách sử dụng dao an toàn, cách nếm gia vị và sử dụng bếp để không bị bỏng. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn khác với việc dạy con gái của mình vào bếp. Bởi, theo bà Flatley, dạy con nội trợ không phải là điều phụ huynh biết làm theo bản năng.
Đó là lý do các phụ huynh được khuyến khích dành thời gian nghiên cứu những gì cần để dạy con. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ lên ngôi, cha mẹ có thể để trẻ tham gia khóa học nấu ăn trực tuyến. Bà Flatley chia sẻ đã cho phép con gái mình tham gia 8 khoá học trực tuyến mang tên “Kids Cook Real Food”. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng có thể để con tiếp cận với những công thức nấu ăn cơ bản.
Đầu bếp nhí độc lập
“Khi nói chuyện với bạn tôi, rõ ràng, nấu ăn là điều đáng sợ đối với cô ấy. Cô ấy chưa bao giờ được dạy các kỹ thuật nấu ăn cơ bản. Chế độ ăn uống của cô ấy khá nhàm chán. Và, cô ấy đã chi tiêu nhiều hơn mức cần thiết cho thực phẩm”, bà Flatley chia sẻ.
Nhà sáng lập của Self Sufficient Kids nhấn mạnh, dạy trẻ nấu ăn sẽ giúp bé có chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Đồng thời, trẻ cũng sẽ có được những kỹ năng cần thiết giúp tiết kiệm chi phí khi trưởng thành.
“Các cô gái của tôi đã học nấu ăn được vài tháng. Cuối tuần trước, các con đã làm cho chúng tôi một bữa tối trọn vẹn. Sử dụng những kỹ năng đã học được trong khóa học trực tuyến, cô con gái con út của tôi đã làm bánh mỳ Tortilla. Trong khi đó, con gái lớn của tôi nấu món đậu gà. Khi các con chạy quanh bếp để chuẩn bị bữa ăn, tôi ngồi sang một bên và trả lời các câu hỏi về nơi tìm nguyên liệu và cách tốt nhất để cán bột thành hình tròn”, bà Flatley kể.
Cũng theo nhà sáng lập Self Sufficient Kids, khoảng một tiếng sau thời gian ăn tối, các cô con gái của bà tràn đầy niềm tự hào khi chứng kiến mọi người trong gia đình thưởng thức ngon miệng.
“Và, tôi thở phào nhẹ nhõm khi biết rằng, các cô con gái của mình sẽ có ít nhất một lựa chọn khác ngoài ngũ cốc cho bữa tối nếu ở xa gia đình”, bà Flatley chia sẻ.