Cha mẹ nên biết dấu hiệu điển hình sức khỏe tinh thần của trẻ trước và sau thi cử

GD&TĐ - Sau những kỳ thi quan trọng không ít sự việc đáng tiếc xảy ra với học sinh bởi tâm lý rơi vào lo âu, trầm cảm. Để bình yên đến với các em thời điểm này cần sự quan tâm, “tháo gỡ” kịp thời từ gia đình, cha mẹ.

Học sinh cần được chuẩn bị sẵn sàng tâm lý thi cử.
Học sinh cần được chuẩn bị sẵn sàng tâm lý thi cử.

Cảnh giác với áp lực tâm lý

Những ngày qua, cộng đồng mạng không khỏi xót thương khi đọc dòng tin nhắn tìm con: “Chỉ cần con về, mọi khó khăn bố mẹ sẽ đồng hành…” của người mẹ có con gái “sốc” vì kết quả thi không tốt viết thư chào tạm biệt gia đình và đi khỏi nhà. Em không mang theo điện thoại liên lạc và xoá toàn bộ tài khoản Facebook, Zalo nên gia đình không có cách nào liên hệ.

Đây không phải là trường hợp duy nhất phản ứng tiêu cực sau kỳ thi, xã hội từng chứng kiến nhiều sự việc đau xót, có em tự hủy hoại bản thân khi đã quá áp lực với thi cử, hoặc đạt kết quả không như mong đợi.

Có thể thấy, khi áp lực thi cử không được kịp thời giải tỏa thì không chỉ tác động mạnh lên học trò mà còn đè nặng lên tâm lý của phụ huynh có con tham gia các kỳ thi quan trọng. Thực tế này cần cảnh báo để cha mẹ quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần, luôn đồng hành hỗ trợ và có giải pháp phù hợp để giải tỏa… Có như vậy mới hạn chế những sự việc đáng tiếc, mỗi mùa thi đi qua yên bình với học trò.

Tiến sĩ chuyên ngành tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) lưu ý cha mẹ một số dấu hiệu điển hình khi sức khỏe tinh thần của trẻ có vấn đề trước và sau thi cử. Điều này giúp cha mẹ hiểu hơn và sớm ngăn chặn những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Trước hết, trẻ ngại đi học, ngại đến trường, lơ là chuyện học tập, sợ đi học, mở sách ra cảm thấy có áp lực hoặc bị đau đầu. Áp lực thi cử cũng khiến các em ngại giao tiếp, sống khép kín, khép nép khi thấy mọi người nói chuyện về thi cử, học tập.

Hiện tượng khác cũng dễ nhận thấy đó là các em thường xuyên cáu giận không rõ nguyên nhân. Hoặc lo lắng, căng thẳng khiến ăn uống không ngon miệng, ăn không đúng bữa, thậm chí bỏ ăn.

Trẻ cũng có thể rơi vào rối loạn giấc ngủ với hàng loạt triệu chứng như thường xuyên ngủ không ngon giấc, hay giật mình, khó ngủ. Có em lại rối loạn cảm xúc dẫn tới hành vi bất thường như la hét, dễ khóc...

Bố mẹ cần biết, những rối loạn cảm xúc, ảnh hưởng tâm lý, sợ học cũng khiến cho việc học của các em bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kết quả sa sút. Hay hiện tượng thường xuyên mệt mỏi, kém tập trung, thường ngủ gật trong lớp cần được quan tâm. Đặc biệt, khi trẻ từng đề cập hoặc hành động tự sát càng chứng tỏ đã bị áp lực và tổn thương tâm lý nặng nề.

Sau mỗi kỳ thi quan trọng sức khỏe, tinh thần của học sinh là điều gia đình, cha mẹ quan tâm (Ảnh minh họa)

Sau mỗi kỳ thi quan trọng sức khỏe, tinh thần của học sinh là điều gia đình, cha mẹ quan tâm

(Ảnh minh họa)

Để sau mỗi kỳ thi là bình yên

Kỳ vọng vào kết quả thi cử là tâm lý chung của học sinh và phụ huynh sau các kỳ thi. Tuy nhiên sự bình yên về tinh thần, thể chất mới đáng quý mà gia đình, cha mẹ nào cũng cần ở các em.

Chính vì vậy, vượt qua áp lực thi cử, bình yên sau mỗi kỳ thi bên cạnh sự đồng hành quan tâm của cha mẹ thì bản thân học sinh cũng cần được giáo dục, để hiểu và xác định rằng cho dù kết quả thi hế nào thì đó không phản ảnh đúng giá trị của bản thân. Điểm thi chỉ phản ánh kết quả của một quá trình học tập.

Và theo TS Vũ Việt Anh, nếu không thành công ở kỳ thi nào đó, điều các em cần nghĩ tới là rút ra bài học kinh nghiệm, thay đổi chiến lược học tập, tìm hiểu những phương pháp học tập mới, lên kế hoạch hành động để có kết quả tốt đẹp hơn trong trương lai…

Còn theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng, Khoa Tâm lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), về phía phụ huynh sau mỗi kỳ thi, cần quan tâm, gần gũi và động viên các con nhiều hơn thay vì chì chiết, mắng mỏ, coi con như tội đồ nếu thất bại. Cần dùng những từ ngữ nhẹ nhàng, yêu thương để con tự tin bước tiếp chứ không vì kết quả thi hỏng, trượt mà nhụt chí, tự ti với năng lực của bản thân.

Cô Nguyễn Thị Khánh, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Thất bại sau kỳ thi cha mẹ buồn một thì các con buồn rầu hụt hẫng mười. Lúc này các con cần một vòng tay yêu thương hơn quát mắng.

Không vào được trường con yêu thích không có nghĩa tương lai đã đóng chặt cửa, mà cha mẹ cần hiểu rằng môi trường học tập chỉ là một trong các yếu tố giúp con đến thành công. Thi được vào trường nào đó không phải là đích đến, nó chỉ là một trạm trên hành trình đến thành công. Để đi hết hành trình thành công này không chỉ cần kiến thức mà còn kỹ năng, thái độ sống tích cực, đúng đắn.

"Sau kỳ thi chưa thành công cha mẹ hãy cùng con rút ra bài học, trang bị cho con những kỹ năng học tập mới, cùng con rèn luyện các thói quen và nhân cách tốt để con tự tin bước tiếp trên hành trình đi đến thành công. Hãy biến đây như một dịp để gắn kết yêu thương, gần gũi con hơn, cùng con tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện, cùng chơi thể thao... để chuyển năng lượng, suy nghĩ của con sang một hướng tốt đẹp hơn và sẵn sàng tâm thế tốt nhất để làm lại từ đầu...", TS Vũ Việt Anh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ