Sa sút sức khoẻ và tinh thần
Đồng hành cùng học sinh lớp 12 qua nhiều kỳ thi quan trọng, cô Nguyễn Thị Ngọc Hà, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Hoàng Quốc Việt, tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Sự kỳ vọng của gia đình là một trong những nguyên nhân khiến học sinh cảm thấy áp lực trước mỗi kỳ thi. Nhiều phụ huynh chọn cách khích lệ chưa phù hợp như so sánh với bạn bè khiến các con thêm phần căng thẳng.
Theo chuyên gia tâm lý Trần Thị Mạnh Linh, Công ty tham vấn tâm lý Mạnh Linh School Psychology, có nhiều nguyên nhân dẫn đến áp lực thi cử cho học sinh và một trong số đó là gánh nặng học tập.
“Ngoài chương trình chính khóa, học sinh, đặc biệt là các em cuối cấp còn có lịch học thêm dày đặc. Có em kể với tôi rằng chỉ đi ngủ lúc 12 giờ đêm, thậm chí là 1 - 2 giờ sáng, sau khi hoàn thành bài tập. Với em khác, tâm lý căng thẳng đến từ việc gặp phải đề thi khó”, bà Linh cho hay.
Từng làm chuyên viên tâm lý trong nhà trường, chuyên gia Mạnh Linh nhận thấy nhiều học sinh hiện nay có suy nghĩ “phải thi đỗ mới khẳng định được giá trị của bản thân”. Điều này xuất phát từ những lời động viên của người lớn như “thi tốt bố mẹ cho đi du lịch”, “cứ học đi, việc nhà để mẹ làm cho”... khiến các em định hình giá trị của mình qua thành tích học tập. Khi giá trị chỉ được thể hiện qua kết quả thì áp lực thi cử càng đặt nặng trên đôi vai các em.
Bên cạnh đó, học sinh thường lơ là tìm hiểu về tâm lý lứa tuổi, vấn đề thường gặp trong học đường hoặc các nhu cầu cá nhân. Do thiếu sự chuẩn bị khiến sức đề kháng và sức khoẻ tâm thần nhiều học sinh yếu.
“Dù bất kể nguyên nhân nào, áp lực thi cử sẽ để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của học sinh. Càng gần kỳ thi, sĩ tử căng thẳng đến mất ăn mất ngủ. Nhiều em chia sẻ thường bị đau đầu, đau nhức cơ bắp, đau lưng, tâm trạng lờ đờ, mệt mỏi.
Về mặt tinh thần, học sinh ở trạng thái căng thẳng cực độ, dễ cáu gắt, mất kiên nhẫn. Vượt qua một kỳ thi, các em như chiếc xe đã chạy đến giọt xăng cuối cùng, mệt nhoài và đau khổ”, chuyên gia Mạnh Linh chia sẻ.
Áp lực khiến học sinh khó có thể giữ phong độ học tập, trạng thái học tập tích cực nên dễ dẫn đến sai sót trong quá trình làm bài thi. Nhiều em bị rơi rụng kiến thức, mất động lực phấn đấu, mất tập trung trong quá trình học. Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Thị Thanh Vân, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Khánh Hòa đồng thời nhìn nhận: Ngược lại, nếu tinh thần lạc quan, đầu óc thoải mái, học sinh có thể tiếp thu kiến thức nhanh chóng, linh hoạt. Giữ tâm thế bình tĩnh bước vào phòng thi, các em có khả năng phán đoán và phân tích bài thi tốt hơn và có thể đạt thành tích cao.
Giải phóng cảm xúc tiêu cực
Như bạn bè đồng trang lứa, Nguyễn Thị Thanh Mai, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội thường gặp vấn đề áp lực trước mỗi kỳ thi. Mai chia sẻ: Sức học của em có thể đỗ các trường đại học tốp giữa trong khi bạn bè em đặt mục tiêu du học hay vào trường tốp đầu. Các bạn đã có chứng chỉ IELTS, điểm SAT, điểm trên lớp thì toàn 8, 9. Học hành vốn căng thẳng, nhìn các bạn như vậy em càng cảm thấy áp lực.
“Mỗi lần so sánh bản thân với bạn bè, em chẳng còn tập trung vào bài vở được nữa. Em chỉ muốn thu mình lại, không muốn nói chuyện với ai. Nếu trong phòng thi nghĩ về chuyện đủ khiến em phạm những lỗi lặt vặt, điểm số giảm”, Mai nói.
Giúp học sinh vượt qua áp lực, cô Thanh Vân thường cho học sinh vẽ tranh hoặc viết về chủ đề “Tôi của 5 năm sau”. Có thể coi đó như bản thiết kế ngắn hạn về cuộc đời mà mỗi em là kiến trúc sư của chính mình. Giáo viên chủ nhiệm sẽ cất giữ và gửi lại học sinh vào ngày họp lớp.
“Hoạt động này giúp khơi dậy sức mạnh nội tại ở học sinh, đồng thời là kênh tham khảo để giáo viên hiểu và định hướng, chia sẻ với trò hiệu quả hơn. Bên cạnh đó là khuyến khích các em lập nhóm cùng đam mê, năng lực, nguyện vọng để hỗ trợ nhau ôn tập”, cô Vân chia sẻ.
Chuyên gia Mạnh Linh cho rằng: Trước mỗi kỳ thi quan trọng, bình ổn tâm lý và giải tỏa cảm xúc có thể giúp học sinh dịu bớt căng thẳng. Bố mẹ và thầy cô cần lắng nghe và chia sẻ với những khó khăn, áp lực mà học sinh đã và đang gặp phải. Trước hết, người lớn cần giúp trẻ “giải phóng” những cảm xúc tiêu cực tích tụ trong lòng, sau đó mới có thể khuyên giải hoặc tìm kiếm biện pháp gỡ rối.
Về phía gia đình, vai trò của phụ huynh là người hỗ trợ và không thể sống thay hay quyết định thay con. Thay vì can thiệp vào lựa chọn và việc học tập của con, phụ huynh nên thực hành bốn hoạt động gồm quan sát, giúp đỡ, lắng nghe và thấu hiểu.
“Bố mẹ lo cho con nên thường hay nhắc nhở nhưng đôi khi việc làm này khiến trẻ thấy khó chịu, mất phương hướng. Ngược lại, nếu được hiểu, các con sẽ có thêm nội lực để cố gắng và phát huy hết khả năng của mình. Vì vậy, cha mẹ cần ghi nhớ vai trò của mình trong việc trợ giúp con”, chuyên gia Mạnh Linh khuyến cáo.