Vượt qua áp lực thi cử: Sẻ chia thay kỳ vọng

GD&TĐ - Để trò không gánh thêm áp lực mùa thi, rất cần sự sẻ chia của thầy cô, gia đình. Điều đó giúp các em biến áp lực thành động lực, đạt được phong độ cao nhất cho kỳ thi quan trọng.

Để trò không gánh áp lực mùa thi, rất cần sự sẻ chia của thầy cô, gia đình.
Để trò không gánh áp lực mùa thi, rất cần sự sẻ chia của thầy cô, gia đình.

Không dồn nỗi lo cho trẻ

Năm học 2021 - 2022, học sinh chuẩn bị thi vào lớp 10 hay thi tốt nghiệp THPT đều chịu tác động không nhỏ bởi dịch bệnh. Sức khỏe, kinh tế gia đình, hiệu quả học tập… và tỷ lệ chọi vào các trường công lập là những áp lực đang đè nặng lên các em.

Theo chia sẻ của thầy cô giáo và phụ huynh, trước áp lực thi cử, sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô là động lực nhưng nhiều lúc trở thành áp lực với trò. Sợ cha mẹ buồn lòng; không thể chia sẻ khó khăn trong học tập; gặp vấn đề tâm lý với người thân; mặc cảm về điểm yếu… là thực trạng nhiều trẻ phải đối mặt, thậm chí tìm cách giải quyết tiêu cực. Trong bối cảnh này, cha mẹ cần sát sao, đồng thời, tránh tạo thêm áp lực cho con.

Chị Đặng Bích Ngọc có con học lớp 9 ở quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) bày tỏ lo lắng khi con gái chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển vào 10. Để có thể đỗ vào các trường THPT theo nguyện vọng, con gái chị gặp nhiều áp lực trong học tập. Theo chị Ngọc, mùa thi thường được ví von là “mùa lo” của cha mẹ. Chăm sóc sức khỏe, tinh thần cho sĩ tử như thế nào thật khoa học, hiệu quả là vấn đề mà hầu hết bậc phụ huynh quan tâm.

Đang vào giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp THPT, em Ngô Mỹ Hạnh, học sinh lớp 12 Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh) vừa học trên lớp, vừa ôn tập tại nhà. Thời gian nghỉ ngơi không nhiều nhưng em luôn được sự động viên của gia đình, thầy cô. “Thi đậu vào trường đại học là ước mơ không chỉ của bản thân mà cả gia đình. Em nỗ lực hết mình và lượng sức để chọn ngành, trường phù hợp chứ không quá áp đặt theo mong muốn của gia đình”, Mỹ Hạnh chia sẻ.

Theo thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A, cùng với việc chăm sóc thể chất, phụ huynh cũng nên chú trọng đến sức khỏe tinh thần của trẻ trong mùa thi. Việc thúc ép các em ôn tập nhiều giờ liền thường gây mệt mỏi và giảm khả năng ghi nhớ. Cùng với đó, một số phụ huynh đặt quá nhiều mục tiêu, kỳ vọng lên con cũng là áp lực không hề nhỏ. Để tạo tinh thần thoải mái, ngoài việc giúp con sắp xếp kế hoạch học tập, thời gian nghỉ ngơi, vận động điều độ. Cha mẹ cũng nên thấu hiểu mong muốn, động viên, chia sẻ tâm tư với con giai đoạn này.

HS Trường THPT Trung An (Cần Thơ) trong hoạt động ngoại khóa.
HS Trường THPT Trung An (Cần Thơ) trong hoạt động ngoại khóa.  

Cùng con vượt qua khó khăn

Thực tế, xu thế “chọn chỗ đẹp” cho con em là điều chính đáng nhưng phải xem xét năng lực và nguyện vọng của con. Sức khỏe và đam mê của con mới là yếu tố quan trọng hàng đầu mà các bậc phụ huynh nên quan tâm. Hãy tập cho con thói quen tự chủ phát triển bản thân; không nên đặt vào chỗ mà con không mong muốn. Theo chia sẻ của chị Đặng Bích Ngọc: “Tôi thấy thương con vô cùng, cả tuần không có một ngày để nghỉ ngơi. Gia đình thường động viên con chọn nguyện vọng theo năng lực, chứ không ép con phải đỗ trường này, trường kia. Với tôi, đam mê của con mới là tất cả, nên luôn tôn trọng quyết định từ con”.

Chia sẻ trăn trở khi vẫn còn nhiều người lớn không tin vào những áp lực mà con em mình có thể gặp phải, TS tâm lý Đào Lê Hòa An thông tin: Nhiều cha mẹ buông lời đắng cay “Có mỗi chuyện học thôi mà cũng không xong”, “Chịu áp lực kém thế này thì ra đời làm sao?”... để rồi trẻ phải đối mặt với những hậu quả thương tâm... Đây đều là lý do dẫn đến sự thay đổi cảm xúc của giới trẻ. Đôi khi, những triệu chứng nhen nhóm của trầm cảm xuất hiện mà người lớn không hay biết!

Dẫn chứng áp lực giới trẻ đang phải đối mặt, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh: Việt Nam vừa trải qua đợt dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất, tất cả hoạt động học tập đều chuyển sang hình thức online. Chính vì thế, các kết nối vật lý đều bị hạn chế đến mức tối đa cũng là yếu tố khách quan kích thích căng thẳng tâm lý… Điểm số, học tập không phải là yếu tố duy nhất gây ra trầm cảm, mà ở đó còn là những kỳ vọng từ gia đình. Đó là lần la mắng, thậm chí đòn roi, với mong muốn con mình sẽ “học giỏi hơn, đỗ vào trường uy tín” từ cha mẹ dành cho sĩ tử.

Dành lời khuyên cho phụ huynh, TS Đào Lê Hòa An cho biết, vẫn còn nhiều thứ để lo toan trong cuộc sống, nhưng gia đình vẫn nên dành ra một khoảng thời gian nhất định để lắng nghe, tìm hiểu về đời sống tinh thần của con. Đôi khi trẻ không bày tỏ bất ổn trực tiếp, mà thông qua mạng xã hội, tâm sự với bạn bè, viết nhật ký... Trong tiết sinh hoạt, giáo viên có thể tìm hiểu và bổ sung cho học sinh những kiến thức để nhận biết lo âu, trầm cảm. Bên cạnh đó là việc thể hiện, bày tỏ, kêu gọi sự giúp đỡ của người xung quanh khi nhận ra bản thân có dấu hiệu bất thường.

Đặc biệt, trong thời gian dài ngồi trước màn hình thiết bị điện tử để học trực tuyến vì dịch Covid-19, các em có cảm giác bị cô lập, xa cách, căng thẳng và lo âu. Từ những thay đổi tiêu cực về cảm giác, trẻ dễ gia tăng cảm xúc tiêu cực, hay cáu gắt, cãi lại người lớn, luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi vì khó tập trung chú ý. Giai đoạn “hậu Covid-19”, phụ huynh cần quan tâm đến tâm lý con em nhiều hơn. Thay vì tạo áp lực, hãy trở thành những người bạn giúp trẻ vượt qua được thời khắc khó khăn. Tâm lý tốt, trẻ mới học tập và sinh hoạt hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.