Những “cơn gió chướng”, sự ẩm ương và phản kháng của con trẻ thì muôn hình vạn trạng, trong khi cha mẹ không phải lúc nào cũng biết giữ bình tĩnh để lắng nghe con, dễ dẫn đến tình trạng quát, la, nếu nặng hơn là mắng hoặc tét đít con.
Ai cũng biết mắng con là không tốt, nhưng làm thế nào để không mắng mà con vẫn chịu nghe lời và hợp tác với bố mẹ, không chỉ trong những bài học, công việc bố mẹ “giao” cho con để dạy con tự lập .
Vì sao tiếp nhận mong muốn của con lại quan trọng đến vậy. Vì khi nhận được sự đồng cảm của cha mẹ nói đúng “tâm ý” của mình thì sự phản kháng trong trẻ sẽ dịu xuống ngay và dễ nghe lời hơn.
Trẻ tiếp nhận rằng: “À, bố mẹ cũng hiểu mình muốn gì đấy”. Không tin bạn thử đặt mình vào vị trí này mà xem, bạn vừa nói hay muốn làm cái gì mà người đối diện đã đánh đòn phủ đầu bằng câu phủ định thì đương nhiên bạn sẽ cảm thấy bực tức rồi đúng không. Nếu bị bố mẹ cấm hay quát chắc chắn trẻ sẽ càng bất hợp tác là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Ví dụ như con nhảy nhót trên cái đệm, hãy nói với con: “Mẹ biết là con thích nhảy trên cái đệm rồi.Thú vị quá mà, nhưng con nhảy như thế lại làm hỏng cái đệm đẹp mất…”chẳng hạn.
Hoặc khi bạn cầm điện thoại mà trẻ cứ đòi sờ nghịch thì: “Mẹ biết là con muốn cầm điện thoại, điện thoại đẹp thế này mà nhỉ, nhưng mẹ đang nói chuyện…”, thì tức khắc thái độ của trẻ sẽ hợp tác hơn.
Giả sử trẻ muốn giằng điện thoại trên tay mẹ thì mẹ hãy xử lí “Mẹ biết con muốn cầm điện thoại nghịch vì nó thú vị mà. Nhưng tự ý giằng lấy như thế mà không hỏi ý kiến là không tốt đâu. Con để mẹ nói chuyện xong đã nhé”.
Hoặc là nếu muốn con để điện thoại về chỗ cũ thì “Con hãy để điện thoại vào chỗ cũ đi” chẳng hạn, câu nói cuối này là câu mang ý khẳng định nhưng cũng chỉ ra cho trẻ thấy hành động mà trẻ nên làm và cha mẹ muốn trẻ làm. Như thế cha mẹ vừa không dùng từ phủ định là “xấu, hư”, lại vừa chỉ ra hành động mà trẻ cần làm.
Bạn Bon nhà mình dù chưa biết phản kháng nhiều nhưng mình đã luôn tập nói những câu đồng cảm với mong muốn của bé. Khi mẹ cầm điện thoại trên tay bé muốn vồ lấy nhưng mình đã giơ cao hơn và nói “Con muốn lấy điện thoại đúng không. Điện thoại thật là đẹp. Nhưng mà con chơi điện thoại không tốt đâu. Mẹ cất đi đây”.
Thế là mình để điện thoại sang chỗ khác, không để trong tầm mắt bé nữa. Bé chưa biết nói nên việc mình nói thay cho bé nghe mong muốn của bé cũng là một việc dạy bé về ngôn ngữ và từ ngữ biểu hiện mong muốn của bản thân nữa. Đồng thời vừa là tập dượt cho tư thế sẽ luôn sẵn sàng đồng cảm khi bé bước vào thời kỳ phản kháng và khẳng định cái tôi.
Ngay cả với việc cảnh cáo với ổ điện hay dây điện. Từ 6 tháng bé rất thích choài đến với nghịch ổ cắm, mình đều chỉ vào đấy và giơ chéo tay “Con thích nghịch ổ cắm chứ gì. Nhưng, nguy hiểm, không được sờ vào”.
Dù bé chưa nhận thức được như trẻ 1 tuổi nhưng mà mình nghĩ nếu lặp đi lặp lại nhiều lần thì bé sẽ nhận biết được cái gì nên và không nên làm.