Cậu học trò nhịn đói triền miên và ước mơ trở thành nhà toán học

Sáng đi học, chiều về chạy xe ôm đến tối, nhiều lúc không có tiền phải nhịn đói đến trường là chuyện của cậu học trò Nguyễn Ngọc Trầm.

Để tới được nơi Trầm ở, phải đi đò qua rạch Bà Lớn, xã Phong Phú, H.Bình Chánh
Để tới được nơi Trầm ở, phải đi đò qua rạch Bà Lớn, xã Phong Phú, H.Bình Chánh

Chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, giảng đường đại học gần ngay trước mắt, thế nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền vẫn đang bủa vây Trầm mỗi ngày.

Phụ việc quán cơm, ngủ ngoài sạp chợ

Không thể đếm xuể những công việc mà Nguyễn Ngọc Trầm (học sinh lớp 12 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.6, TP Hồ Chí Minh) đã làm để kiếm sống và theo đuổi việc học. Cũng không thể đếm xuể số ngày cậu học trò ấy phải nhịn đói đến trường vì phải dành tiền đóng học phí, hay hôm ấy không chạy được cuốc xe ôm nào…

Năm Trầm học lớp 2, ba mẹ ly hôn và mỗi người đều có gia đình mới không lâu sau đó. Cậu về ở với ngoại, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, bên ngoại không có điều kiện để lo cho Trầm tiếp tục ăn học nên học hết lớp 6 thì cậu phải dừng đến trường.

Nghỉ học, Trầm ra đời đi làm để tự kiếm tiền nuôi sống bản thân ở cái tuổi mà bạn bè đồng trang lứa chỉ biết lo ăn, ngủ và học. Hành trang của em là chiếc cặp chéo trước đây mang đến trường, nhưng bên trong không phải là tập sách mà là 2 bộ đồ cộc. Trầm xin phụ việc ở quán cơm, tối về ngủ nhờ các sạp ở chợ đầu mối Bình Điền.

“Lúc đó không ai nghĩ một đứa trẻ như em đã phải tự mưu sinh lo bữa ăn hằng ngày, chủ quán cơm nơi em làm cũng không biết tối em phải ngủ ngoài chợ. Nhưng rồi ông trời thương, một ngày vô tình bạn của bà nội đi chợ thấy em như thế mới về kể. Xót cho thằng cháu trai, bà nội đã đến dẫn em về sống cùng trong cái miếu lụp xụp bên rạch Bà Lớn, H.Bình Chánh”, Trầm kể.

Hằng ngày, Trầm quét dọn, thắp hương ở miếu rồi ngồi ôn bài cho kỳ thi sắp đến
Hằng ngày, Trầm quét dọn, thắp hương ở miếu rồi ngồi ôn bài cho kỳ thi sắp đến

Không nhớ xuể từng làm bao nhiêu nghề…

Về sống với nội, mặc dù bà đã già yếu, Trầm vẫn phải đi làm để kiếm sống, nhưng có tình thương và sự che chở của nội, cậu học trò nghị lực hơn rất nhiều.

Những ngày mới nghỉ học đi làm rồi tối về ngủ ngoài chợ, đêm nào Trầm cũng mơ được đi học trở lại. “Có những khi đang làm ở quán cơm, thấy học sinh ở trường gần đó đi học về mà em ứa nước mắt. Từ đó, em mới thấy mình khát khao được đi học đến nhường nào, và có thể đói vài ngày không chết nhưng nếu phải nghỉ học thì sẽ rất khổ. Nên khi về ở với nội em bắt đầu tính đến chuyện vừa đi làm vừa đi học lại sau gần 6 năm phải nghỉ”, Trầm kể.

Cậu học trò nhớ lại: “Do nội lớn tuổi rồi nên em vừa làm vừa lo cho nội. Hồi đó em làm rất nhiều việc như phụ hồ, sơn nước, làm cửa sắt, làm mộc… nhiều đến nỗi giờ em không thể nhớ hết được. Lúc quyết định đi học trở lại, em đang phải làm cả ngày nên em chỉ có thể chọn theo học hệ bổ túc để được học ban đêm”.

“Đói cũng cố mà học”

Khi học lên THPT, việc học nhiều hơn, không thể đi làm công ty được nữa, Trầm đã cố tích góp từng đồng để mua xe chạy xe ôm công nghệ. Đến đầu năm Trầm học lớp 11, bà nội già yếu phải về ở với chú, Trầm không sống trong miếu được nữa nên phải đi ở trọ. Khó khăn lại càng chồng chất khi chi phí học mỗi lúc một nhiều, cộng thêm tiền phòng trọ, khiến nhiều lúc Trầm tưởng như phải phải bỏ cuộc.

Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Trầm, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP Hồ Chí Minh. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Ngọc Trầm; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Trầm trong thời gian sớm nhất

Trầm kể: “Nhưng nghĩ lại những ngày nghỉ học trước đây, nhớ lại cột mốc mà em nhận ra nhịn đói vài ngày có thể không chết nhưng nếu nghỉ học thì sẽ rất khổ, nên em tự dặn lòng phải cố gắng nhiều hơn. Để có thể ráng được đến bây giờ phải đổi lại là những chuỗi ngày nhịn đói liên miên”.

“Năm lớp 11 là thời điểm cực kỳ khó khăn của em, lúc đó dịch bệnh nữa, nên xe ôm cũng ít người đi. Nhiều hôm không chạy được cuốc nào, ngồi vất vưởng ngoài đường, đói đến lả người vì không có tiền để ăn”, Trầm chia sẻ.

Ngay khi đợt dịch bùng phát lại ở TP Hồ Chí Minh từ hơn 1 tháng nay, cũng đúng lúc chủ phòng trọ bán hết dãy trọ nên Trầm quay về xin chú cho tá túc trong cái miếu bà nội ở lúc trước. “Do dịch bệnh, em không dám chạy xe ôm vì muốn giữ an toàn cho kỳ thi sắp đến và cũng để có nơi ôn thi, em xin chú út cho về ở tạm trong miếu, thi xong là em dọn đi liền”, cậu cho biết.

Ước mơ nghiên cứu toán học

Mặc dù vất vả vừa học vừa lo bữa ăn mỗi ngày, nhưng ước mơ được làm nhà toán học luôn cháy bỏng trong Trầm, thôi thúc em phải luôn cố gắng: “Thầy bảo em có khả năng với môn toán, hơn nữa em cũng rất thích nên em ước mơ sau này sẽ trở thành nhà khoa học nghiên cứu sâu về toán học”.

Thầy Nguyễn Đức Tuân, giáo viên dạy môn toán tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.6, cho biết: “Mặc dù hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng khả năng học của Trầm rất tốt, đặc biệt môn toán, luôn đứng nhất, nhì trong khối. Nếu em được đầu tư và có điều kiện để học thì khả năng của em còn phát triển hơn nhiều nữa”.

Đầy ước mơ và nghị lực, nhưng nói như Trầm, thì “chỉ sợ cuộc đời này từ bỏ em”, chỉ sợ một lần nữa em lại “đứt gánh giữa đường” khi cánh cổng đại học đang ở ngay trước mắt.

Theo thanhnien.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ