Thành tích đáng nể của cô học trò giàu nghị lực

GD&TĐ - Nguyễn Thị Quỳnh (lớp 12A6) là 1 trong số 16 học sinh đạt điểm xét tuyển Đại học trên 27,0 điểm của trường THPT Hà Huy Tập (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) trong năm học vừa qua.  

Nguyễn Thị Quỳnh và cha.
Nguyễn Thị Quỳnh và cha.

Ít ai biết rằng, để có kết quả học tập như hôm nay, bản thân Quỳnh đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Quỳnh xứng đáng là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó để các bạn học sinh noi theo.

Đi làm thêm kiếm tiền ăn học

Quỳnh sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông. Kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn 4 sào ruộng tại xã Cẩm Lạc (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Gia đình khó khăn, bố mẹ đã lớn tuổi lại thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Vì vậy, việc học của em đã có lúc tưởng chừng phải bỏ dở, nhất là những năm em học THPT.

Khi Quỳnh nhận tin trúng tuyển vào vào lớp 10, cũng là lúc bố em đổ bệnh. Ông Nguyễn Tiến Sơn – bố Quỳnh do lao động quá sức, bị viêm khớp mãn tính. Bố là trụ cột gia đình, nếu không chữa trị sẽ rất khó khăn khi đi lại, mưu sinh, kiếm sống. Gia đình em đã phải vay tiền ngân hàng vừa chạy chữa cho bố, vừa trang trải thêm tiền nuôi con ăn học.

Căn bệnh khớp mãn tính chưa khỏi thì cuối năm 2019, bố Quỳnh  phải ra Hà Nội mổ thận tại bệnh viện Bạch Mai với chi phí gần trăm triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, khi em bước vào lớp 12 thì phát hiện mẹ bị ung thư tử cung giai đoạn 3. Đây thực sự là một cú sốc lớn với gia đình và bản thân Quỳnh.

Trong suốt thời gian bố và mẹ điều trị ở bệnh viện,  Quỳnh vừa ôn thi vừa phải gánh vác việc gia đình, đồng áng. Nhiều hôm làm xong việc, Quỳnh chỉ kịp ăn vội gói mì tôm rồi ngồi vào bàn học.

Nhà nghèo, bố mẹ thường xuyên đau ốm, nên cứ dịp hè Quỳnh lại tìm việc làm thêm để trang trải việc học.
Nhà nghèo, bố mẹ thường xuyên đau ốm, nên cứ dịp hè Quỳnh lại tìm việc làm thêm để trang trải việc học.

Nhiều lúc, nghĩ đến bệnh tình của mẹ và hoàn cảnh gia đình, Quỳnh thấy nản lòng, muốn từ bỏ việc học để đi kiếm tiền. Nhưng rồi, mỗi lần ra viện thăm bố mẹ, được động viên,  Quỳnh tự nhủ bản thân phải cố gắng để tạo động lực cho bố mẹ vượt qua bệnh tật…

Cứ đến dịp nghỉ hè, Quỳnh lại khăn gói vào Bình Dương xin đi làm thời vụ.

Quỳnh tâm sự: “Dù rất vất vả, nhất là khi Công ty tăng ca, nhưng bù lại thu nhập khá hơn. Trừ tất cả chi phí ăn ở, đi lại, em cũng dành dụm được khoảng 5-6 triệu đồng. Số tiền này đủ để  mua sách vở, áo quần và chi phí học tập”.

Mới đây, trong thời gian chờ kết quả tuyển sinh Đại học, Quỳnh lại tranh thủ ra Bắc Ninh xin đi làm thêm tại một công ty điện tử. Số tiền có được từ công việc thời vụ này cũng giúp em mua một chiếc máy tính cũ với giá 4 triệu đồng phục vụ việc học online.

Nỗi lo trước giảng đường Đại học

Ngôi nhà cấp 4 của Quỳnh (ở thôn Đình Phùng, xã Cẩm Lạc) được xây dựng từ rất lâu đã trở nên xiêu vẹo, xập xệ.  Trong ngôi nhà nhỏ ấy, mỗi bức tường đều được dán đầy nhưng giấy khen với bảng thành tích đáng ngưỡng mộ của Quỳnh.

Tâm sự với chúng tôi trong nước mắt, chị Nguyễn Thị Bình, mẹ Quỳnh nói: “Tôi có 4 người con, 2 cháu đầu phải bỏ học giữa chừng, một đứa mất do đuối nước. Nhiều năm qua, bao nhiêu tai ương dồn dập đổ xuống. Nhưng vợ chồng tôi vẫn luôn động viên để Quỳnh cố gắng vươn lên, hi vọng sau này thoát cảnh nghèo khó”.

Thấu hiểu được lo toan của bố mẹ, suốt 12 năm học Quỳnh luôn  là học sinh giỏi của trường. Những năm học cấp 3, gia đình khó khăn, không có điều kiện để đi học thêm, Quỳnh tự ôn tập tại nhà.

“Ở trường thầy cô giảng bài cho chúng em rất nhiệt tình nên những kiến thức cơ bản chúng em đều nắm được. Em thường học thêm bằng cách, tìm đọc các tài liệu, tham khảo các bộ đề, các chương trình luyện thi Đại học trên YouTube…”, Quỳnh chia sẻ.

Với những nỗ lực của mình, tại kỳ thi THPT vừa qua, em đã giành được 27,5 điểm ở khối D78 (trong đó Văn 9,0; Sử 9,0; Địa 9,5). Quỳnh cũng là một trong những học sinh có điểm tốt nghiệp nằm top đầu của trường.

Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, suốt 12 năm học Quỳnh đều giành được kết quả xuất sắc trong học tập.
Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, suốt 12 năm học Quỳnh đều giành được kết quả xuất sắc trong học tập.

Với số điểm này Quỳnh đã nộp hồ sơ vào học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc tại Đại học Thủ Dầu Một  (Bình Dương). Hiện tại, Quỳnh đã nhập học và tham gia học trực tuyến. Ngoài những giờ học online, Quỳnh tranh thủ phụ giúp cha mẹ việc nhà, chợ búa, việc đồng áng.

Nhưng băn khoăn nhất đối với em lúc này là học phí. “Vì năm đầu em sẽ học khá nhiều và thời gian nghỉ hè rất hạn hẹp nên không có cơ hội đi làm thêm. Trong khi đó điều kiện gia đình em không thể lo được hết vì bệnh tình mẹ em vẫn đang cần khoản tiền lớn chạy chữa. Em chỉ mong chặng đường đến giảng đường của em sẽ được suôn sẻ, không gập ghềnh như các chị của em…”, Quỳnh trăn trở.

Nhận xét về cô học trò, cô Đặng Thị Lan Anh, giáo viên chủ nhiệm 12A6, cho biết: "Em Trần Thị Quỳnh là một học sinh chăm ngoan học giỏi dù hoàn cảnh rất éo le. Trong suốt 3 năm học, Quỳnh luôn là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó cho các bạn cùng trang lứa. Phía nhà trường luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ về mọi mặt cho em trong quá trình học ".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.