Vượt khó đến trường
Nói về cao nguyên đá, đôi mắt Kỵ sáng lên đầy tự hào: “Quê em đấy, em ở Sủng Là, Đồng Văn, Hà Giang”. Sủng Là kỳ vĩ với cao nguyên đá nhưng cuộc sống người dân cũng lắm mồ hôi và nước mắt bởi quanh năm gắn với nương rẫy, ngoài ra họ không biết làm gì để thêm thu nhập.
Gia đình Vừ Mí Kỵ cũng không ngoại lệ. Cuộc sống càng khó khăn hơn khi mẹ em mất, để lại cho bố 4 con nheo nhóc, chị lớn nhất 10 tuổi, em nhỏ nhất mới một tuổi. Vừ Mí Kỵ khi đó mới lên ba. Ba năm sau, bố em đi thêm bước nữa và có thêm 4 người con.
Nhà nghèo, đông con nên trong số 8 anh chị em, chỉ có Vừ Mí Kỵ là được đi học đầy đủ. “Hiện em có một em đang học lớp 1, một em đang học lớp 2, còn lại các anh chị em khác không được đến trường, phải ở nhà phụ giúp gia đình” - Mí Kỵ trầm buồn nói.
Lớp một và lớp hai, Kỵ học ngay trong thôn nhưng lên đến lớp ba, cậu phải đi bộ 5 cây số mới đến trường đặt ở trung tâm xã Sủng Là. Do nhà xa nên lên lớp ba cũng là lúc Kỵ bắt đầu cuộc sống tự lập khi ở nội trú tại trường cả tuần mới về nhà.
“Đi bộ 5 cây số mất khoảng một tiếng. Suốt 12 năm đi bộ, em đi nhiều cũng thành quen. Đến tận bây giờ dù đã có đường nhựa vào bản nhưng vì nhà em không có xe nên không ai đi đón được, muốn về nhà em vẫn phải đi bộ quãng đường đó, rồi lúc đi lại cuốc bộ chừng ấy cây mới bắt được xe” - Kỵ chia sẻ.
Kỵ bảo, cũng có lúc em đã muốn bỏ học, nhưng không phải vì khó khăn, mà vì thấy mình thua kém bạn bè nhiều quá, không xứng với những vất vả hy sinh của bố mẹ và các anh chị em. Đấy là khi bắt đầu vào lớp 6, em chỉ đạt học lực trung bình.
Nhưng được sự động viên của gia đình, thầy cô nên Kỵ đã trở lại trường và cậu phải nỗ lực gấp đôi các bạn. Lớp 7, Kỵ vươn lên là học sinh tiên tiến và lớp 9, cậu đoạt giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Hà Giang môn Lịch sử.
Với thành tích đó, Kỵ được tuyển thẳng xuống trường Trung học phổ thông Vùng cao Việt Bắc ở Thái Nguyên. Ở môi trường mới, cách nhà 350 cây số, cả năm chỉ được về hai lần vào dịp hè và Tết, nhớ nhà, cậu bé người Mông chỉ biết khóc thầm.
Ước mơ trên cao nguyên đá
Đến với môn sử một cách ngẫu nhiên nhưng Kỵ bảo, càng học em lại càng thấy yêu. “Lịch sử cho mình biết được về tổ tiên, về truyền thống cha ông, cũng cho mình những kinh nghiệm để vận dụng trong cuộc sống,” Kỵ chia sẻ.
Bí quyết học của Kỵ cũng khá độc đáo: viết và viết. “Em là người dân tộc nên tiếng Kinh như ngoại ngữ, chữ viết cũng xấu nên em phải viết nhiều, vừa để ôn kiến thức, vừa luyện chữ, vừa rèn cách diễn đạt cho rõ ràng, mạch lạc” - Kỵ “bật mí”.
Rồi vừa tủm tỉm cười, Kỵ vừa vui vẻ cho biết, em học tiếng Kinh từ lớp một nhưng ở nhà toàn nói tiếng Mông, bố mẹ, anh chị em không biết tiếng Kinh.
Đến trường, từ lớp một đến lớp 9, em cũng chỉ nói tiếng Kinh khi trên lớp và với thầy cô, còn bạn bè nói chuyện với nhau vẫn nói tiếng Mông.
Vì thế, đến lớp 10, khi xuống thành phố Thái Nguyên học, em bị các bạn cười vì nói tiếng Kinh không sõi. Cậu phải luyện phát âm và nhờ các bạn chỉnh cho rất nhiều.
Kỵ bảo, quê em vẫn chưa nhiều người học lên cao. Trẻ em đều đi học nhưng học hết lớp 9 là nghỉ. Cả bản chỉ có hai người học hết lớp 12 và Kỵ là người đầu tiên thi đỗ đại học.
Vì thế, Kỵ từng có ước mơ trở thành thầy giáo dạy lịch sử cho những học sinh nghèo nơi cao nguyên đá Hà Giang. Khi đạt giải nhì quốc gia môn lịch sử, cậu học trò vùng cao đã rất hoan hỷ vì sẽ được tuyển thẳng vào khoa Sư phạm Lịch sử của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nhưng sự hoan hỷ đó nhanh chóng trở thành nỗi lo lắng vì nếu thực hiện theo đúng ước mơ, gia đình sẽ không thể đủ tiền để em theo học nơi thành phố lớn, cho dù ngành sư phạm được miễn học phí.
“Suốt 12 năm học phổ thông, em được Nhà nước lo nên đi học không tốn nhiều tiền của gia đình, chỉ thỉnh thoảng mới xin bố mẹ vài trăm. Lên đại học thì khác… Vì thế, em quyết định thi tuyển vào Đại học An ninh, đỗ thì học, không đỗ thì đành nghỉ” - Kỵ tâm sự.
Đầu tư nhiều thời gian vào môn sử nên Kỵ bảo, em chỉ có 6 tháng để ôn văn và địa. Tuy nhiên, cậu vẫn đạt thành tích rất đáng nể với 23,5 điểm khối C vào Đại học An ninh.
“Kết quả này với em là niềm vui rất lớn. Dù phía trước vẫn có nhiều thử thách, nhưng em sẽ luôn cố gắng để vượt qua” - Vừ Mí Kỵ nói.