Cậu học trò “đông tuổi” và phút đăng quang ước mơ

Sinh năm 1996, đáng lẽ giờ này Trần Nhân Lộc (Trung tâm giáo dục thường xuyên quận 6) đang chuẩn bị thi đại học. Nhưng cậu bạn chỉ mới học lớp 8, và đang từng bước chinh phục ước mơ của mình…

Cậu học trò “đông tuổi” và phút đăng quang ước mơ

Biến cố đầu tiên

Ba bị bệnh nặng, và mất sau đó không lâu, một mình mẹ Lộc gánh gồng nuôi con. Lộc dần trở nên lặng lẽ, không nói chuyện với ai, cũng không đi đâu chơi, lúc nào cũng chỉ muốn ở một mình ngồi suy nghĩ vu vơ, nghe nhạc buồn. 

Đến hết năm lớp 7, Lộc nghỉ học và đi học sửa chữa ô tô theo lời mẹ để đi làm. “Học được hơn 1 năm, mình mới phát hiện ra mình không thể nào tiếp thu nổi, và cũng không có động lực nào để mày mò tìm hiểu, học hỏi. Lúc đó mình đã kịp nhận ra rằng mình không thích nghề này” - Lộc chia sẻ.

Năm 2010, Lộc tình cờ gặp huấn luyện viên cờ tướng Tô Vinh. Người thầy nhận ra khả năng của Lộc, nên thuyết phục Lộc theo đuổi bộ môn này, vừa có thêm kinh phí để trang trải cuộc sống, vừa có thể trở thành vận động viên chuyên nghiệp. 

Không phụ lòng thầy, trong vòng 4 tháng vào học trong đội tuyển, Lộc đã vượt mặt các bạn học nhiều năm. Kết quả là năm 2012, Lộc đoạt huy chương Đồng giải Vô địch Cờ Tướng trẻ toàn quốc.

Khi chỗ dựa không còn nữa

Đang trên đà phát triển, năm 2013, thầy Tô Vinh đột nhiên bệnh mất. Người bạn, người thầy, người cha thứ 2 không còn nữa, Lộc cảm thấy như hụt chân, hoàn toàn mất đi chỗ dựa vững chắc của mình. 

Năm này, Lộc cũng được chọn thi đấu giải Vô địch Cờ Tướng trẻ toàn quốc tại Hà Nội, nhưng không đạt được thành tích. “Chính trong giây phút thất bại, mình mới nhận ra rằng mình không thể dựa dẫm ai cả, mà phải tự đi lên bằng chính đôi chân của mình.”

Quyết định như vậy, Lộc quay trở về nhà và đi học lại. Ước muốn trở thành nhà tâm lý học để giúp đỡ, chia sẻ những người đã có hoàn cảnh bất hạnh bắt đầu nhen nhóm. 

Lộc tìm đọc sách tâm lý như “Lối mòn của tư duy cảm tính”, “Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời”… và ứng dụng vào đời sống, bằng cách tập giao tiếp với mọi người, tập cởi mở hơn. Học trên lớp, Lộc chịu khó trao đổi với thầy cô, bạn bè. Về nhà thì bạn cố gắng trò chuyện với mẹ. Kết quả là cuối năm nay, Lộc đạt danh hiệu học sinh giỏi với số điểm trung bình trên 9,0.

Chinh phục mẹ

Chưa kịp vui mừng, Lộc lại vấp phải một trở ngại lớn. “Hôm đó, mình đang đi ngoài đường thì mẹ gọi mình về nói chuyện, rằng có người quen muốn giúp đỡ và hỗ trợ mình học nghề thợ bạc”.

Lúc đó, Lộc đã nói thẳng với mẹ: “Con không yêu thích nghề này, nếu nghe lời mẹ thì con vẫn học được thôi, nhưng cũng sẽ bỏ ngang, mà nếu có theo được thì cũng không thể trở thành một người thợ giỏi đâu mẹ.”

Mẹ mình rất giận, hỏi: “Vì sao con cứ cãi lời mẹ hoài vậy?”. Lúc này, Lộc áp dụng ngay những biện pháp tâm lý đã học được trong sách, nhìn thẳng vào mắt mẹ, nhẹ nhàng hỏi: “Mẹ hãy thư giãn, nhắm mắt lại đi, và tưởng tượng xem điều gì làm mẹ thấy hạnh phúc nhất?” Sau một lúc làm theo lời Lộc, mẹ bạn nói: “Điều làm mẹ thấy hạnh phúc nhất là được nhìn con đạt được những gì con mơ ước”.

Lộc tung chiêu tâm lý: “Giống như lúc con học nghề sửa ô tô vậy, vì không phải ngành yêu thích, nên con chật vật mãi cũng học không xong, còn làm tốn tiền mẹ nữa. Chỉ có ngành tâm lý học mà con yêu thích mới có thể làm con hạnh phúc thôi mẹ à”. Sau một lúc im lặng, mẹ bạn đồng ý.

Trong vòng chung kết cuộc thi Chắp cánh ước mơ, nhà tâm lý học Võ Văn Nam đã hỏi Lộc: “Em có sợ làm nhà tâm lý học sẽ dễ dàng bị ảnh hưởng về tâm lý không, khi mỗi ngày phải nghe quá nhiều chuyện buồn, chuyện khổ của người khác?”. 

Bạn đã trả lời xuất sắc và giành giải Nhất cuộc thi: “Em tin rằng nhà tâm lý học phải là người áp đảo tâm lý bệnh nhân, chứ không để bệnh nhân áp đảo mình. 

Trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, em tin rằng mình có đủ sự vững vàng về tâm lý để giúp bệnh nhân vượt qua những khó khăn, trở thành người lạc quan trong cuộc sống.”

Câu trả lời cùng khát vọng chinh phục ước mơ cháy bỏng của Lộc đã giúp anh chàng giành giải Nhất trong cuộc thi lần này.

Theo Mực tím

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ