Cất đỡ gánh lo cho học sinh trường bán trú

GD&TĐ- Để cho học trò an tâm học tập không bị đứt gãy việc học, nhiều trường PTDTBT bằng nhiều hình thức để hỗ trợ học sinh đặc biệt là học sinh nghèo.

Một tiết học của thầy trò Trường PTDTBT THCS Hồng Phong (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh NT.
Một tiết học của thầy trò Trường PTDTBT THCS Hồng Phong (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn). Ảnh NT.

Tạo cảm giác an tâm cho học trò

Năm học 2023 – 2024, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Hồng Phong (huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) có 231 học sinh, các em chủ yếu là người dân tộc Nùng, Tày, Kinh (5 học sinh). Trong đó 128 học sinh (chiếm tỉ lệ 55,4%) được hưởng chế độ học sinh bán trú; 2 học sinh được hưởng chế độ học sinh khuyết tật (học hòa nhập).

Toàn trường có 48 học sinh thuộc gia đình hộ cận nghèo (chiếm tỉ lệ 20,8%); 77 học sinh thuộc gia đình hộ nghèo 77 (chiếm tỉ lệ 33,3%).

Thầy Lê Minh Châu – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hồng Phong chia sẻ: “Nhà trường có 128 học sinh được hỗ trợ ăn bán trú, còn lại là những học sinh không được hỗ trợ bán trú (xét theo điều kiện để được hỗ trợ) tuy nhiên các em có hoàn cảnh rất khó khăn (bố mẹ mất ở với ông bà; có em bố nghiện rượu mẹ đi lấy chồng…).

Vì vậy, để học trò an tâm học tập, chúng tôi đã vận động giáo viên, các tổ chức xã hội, mạnh thường quân cùng chung tay với trường để hỗ trợ chăm sóc bán trú cho những học sinh này, nhằm ngăn chặn tình trạng học trò bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, những học sinh này sẽ được ăn bán trú để các em yên tâm học tập”.

Thầy Châu cũng cho biết thêm, học sinh là người dân tộc thiểu số rất rụt rè, ngại chia sẻ những khó khăn với thầy cô. Riêng những học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt các em rất tự ti, nhút nhát, khép mình. Mặc dù nhà trường cùng các tổ chức đã tìm cách để hỗ trợ ăn bán trú nhưng vẫn em cũng ngại, không chịu ăn vì thế thầy cô phải dỗ dành, động viên đến giờ ăn bán trú các em mới tự giác đi lên phòng ăn.

“Nắm bắt được đặc tính như vậy, tôi và các đồng nghiệp luôn có những quan tâm đến các em, sát sao với tình hình học tập để các em không cảm thấy bị lạc lõng khi đến trường”, thầy Châu bày tỏ.

Đa dạng hình thức hỗ trợ học trò

Nhiều năm qua, Trường PTDTBT THCS Hồng Phong đều tổ chức các cuộc vận động như hũ gạo tình thương, xã hội hoá tặng các nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập, đồng phục. Vận động những phụ huynh phối hợp với nhà trường kêu gọi các tổ chức, xã hội để tổ chức khen thưởng, tặng quà động viên cho học sinh đầu năm học, cuối năm học để các em có thêm động lực đến trường.

Những phần quà thiết thực được nhà trường, phụ huynh trao tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh NT.

Những phần quà thiết thực được nhà trường, phụ huynh trao tặng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh NT.

“Nhờ vậy mà nhiều năm qua, học sinh trong trường không có tình trạng bỏ học”, thầy Châu cho hay.

Bên cạnh đó, khi triển khai mô hình trường học học bán trú, học sinh được ăn nghỉ trưa tại trường, không phải đi lại vì vậy giúp các em có thể tập trung học tập, hạn chế những sự cố do mất an toàn giao thông, đặc biệt những học sinh có khoảng cách nhà xa.

“Đối với những học sinh bị hổng kiến thức, nhà trường sẽ phân công giáo viên kèm cặp, gia cố lại kiến thức cho học sinh để các em không bị tụt lại phía sau”, thầy Châu nói.

Mặc dù vậy nhưng Trường PTDTBT THCS Hồng Phong cũng phải đối mặt với một số khó khăn như, hệ thống cơ sở vật chất chưa đáp ứng hết cho học sinh nghỉ trưa. Đối với những học sinh ở nội trú, nhà trường chưa có hệ thống nước nóng, nhà vệ sinh đang xa với khu phòng học vì vậy chưa thuận lợi cho học sinh.

Thầy Châu cho biết thêm, hiện nay đang triển khai chương trình GDPT 2018, chúng tôi đề nghị UBND huyện, Phòng GD&ĐT tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, trang bị hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập hiệu quả hơn nữa trong những năm học tiếp theo.

Năm học 2022-2023, thông qua chương trình Hũ gạo tình thương, thầy và trò Trường PTDTBT THCS Hồng Phong đã quyên góp 79 kg và 1.592.000 đồng. Từ đây, 16 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.