Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đến nay vẫn là tiếp tục hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ, đồng thời kiểm soát chặt việc đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết.
Rầm rộ quảng cáo đổi tiền
Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam. Theo phong tục tập quán, người dân thường sử dụng tiền mới, tiền lẻ để mừng tuổi, lì xì, cúng lễ… Do đó, thời gian gần đây, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết luôn sôi động.
Với tâm lý ưa thích sử dụng tiền mới dịp đầu năm, nhiều người sẵn sàng chấp nhận đổi tiền mới với mức chênh lệch nhiều phần trăm. Mức chênh lệch này dao động từ 5 - 15%, thậm chí có thể lên đến 20 - 30% tùy theo loại mệnh giá và thời điểm đổi.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều trang web online, tài khoản trên các trang mạng xã hội đã sớm quảng cáo dịch vụ đổi tiền “ăn” chênh lệch. Các chủ tài khoản Facebook cũng cam kết tiền đổi là tiền thật, tiền mới, nguyên seri, có thể giao hàng tận nơi và yêu cầu chuyển khoản đặt cọc trước nếu đổi số lượng lớn.
Theo đó, phí đổi tiền lẻ, tiền mới phụ thuộc vào mệnh giá và số lượng tiền cần đổi. Với tiền mệnh giá nhỏ, phí đổi càng cao, còn nếu đổi với số lượng lớn thì phí đổi sẽ thấp hơn.
Cụ thể, trên nhóm ở các trang mạng xã hội thì bảng giá đổi tiền ở các mệnh giá như: Tiền mệnh giá 20.000 đồng có phí đổi 80.000 đồng/triệu đồng; tiền mệnh giá 50.000 đồng có phí đổi 45.000 đồng/triệu đồng; tiền mệnh giá 100.000 đồng có phí đổi 35.000 đồng/triệu đồng.
Ngoài ra, nếu đổi từ 5 cọc trở lên, tiền mệnh giá 50.000 đồng có phí đổi 35.000 đồng/triệu đồng; tiền mệnh giá 100.000 đồng có phí đổi 15.000 đồng/triệu đồng.
Nhìn chung, mức phí dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới rất hỗn loạn và bát nháo. Người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi lựa chọn đổi tiền tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ này.
Anh Lê Hoàng Minh, nhân viên tại một phòng giao dịch ngân hàng trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, cách thức đổi tiền này khiến người đổi tiền có nguy cơ bị lừa rất cao. Bởi phần lớn các tài khoản quảng cáo đổi tiền qua mạng không có thông tin, địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, người đổi lại phải chuyển trước một khoản tiền đặt cọc. Điều này khiến người đổi tiền rơi vào thế bị động, dễ bị lừa đảo.
Thực tế rủi ro trong việc đổi tiền đã xảy ra với trường hợp người đổi tiền bị lừa. Chị Phạm Kim Nga (quận Đống Đa, Hà Nôị) kể lại: “Tôi cũng có tính cẩn thận. Từ trước đến nay cứ mỗi dịp Tết đến, tôi lại nhờ người quen đổi hộ tiền mới để lì xì cho con cháu.
Nhưng năm nay, do công việc kinh doanh bận rộn, tôi đành lên mạng tìm chỗ đổi tiền. Sau khi tham khảo nhiều nơi, tôi quyết định chọn một cửa hàng đổi tiền có lượt đánh giá cao trên mạng xã hội.
Để đổi 20 triệu đồng tiền mới tờ 500.000 đồng, tôi chấp nhận trả phí gần 2 triệu đồng. Tuy vậy, khi đếm lại, tôi phát hiện số tiền mình nhận được thiếu 2 tờ 500.000 đồng và bên trong lõi có nhiều tờ tiền cũ.
Tôi lập tức gọi điện cho người đổi tiền để phản ánh, nhưng người này thẳng thừng: “Nhận tiền thì phải kiểm ngay, nếu đã mang về nhà thì tự chịu trách nhiệm”. Tôi vô cùng thất vọng, tôi đã cố gắng tìm kiếm một cửa hàng đổi tiền uy tín nhưng cuối cùng lại bị lừa”.
Vi phạm pháp luật
Theo các chuyên gia pháp lý, quy định pháp luật hiện hành chỉ có các tổ chức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được hoạt động đổi tiền. Các tổ chức này gồm: Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Kho bạc Nhà nước. Ngoài ra, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp.
Vì vậy, việc đổi tiền lẻ, tiền mới với mức chênh lệch lớn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP, cá nhân cho đổi tiền mới, tiền lẻ để hưởng phần trăm chênh lệch hoặc đổi tiền để thu phí... có thể bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng. Còn với hành vi thu, đổi ngoại tệ thì mức xử phạt hành chính có thể lên đến 100 triệu đồng.
Người dân có nhu cầu đổi tiền cần đến các cơ sở được phép đổi tiền để tránh tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TPHCM, việc đổi tiền lẻ, tiền mới hiện đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người dân có thể gặp phải tình trạng tiền giả, tiền bị rách, tiền bị mất số seri...
“Người dân cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết. Tốt nhất là nên đến trực tiếp ngân hàng để đổi tiền. Tại ngân hàng, người dân sẽ được đổi tiền mới với mức chênh lệch hợp lý, đồng thời đảm bảo an toàn cho tiền bạc”, luật sư Bình nhấn mạnh.
Để đảm bảo cho người dân đón Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg. Chỉ thị yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng tại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức, tiệm vàng, cơ sở kinh doanh ngoại tệ không được phép hoạt động. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động ngoại hối, vàng để người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Có thể nói, việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người dân, tránh tình trạng bị ép giá, mua phải vàng giả, tiền giả. Đồng thời, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, vàng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các tổ chức, cá nhân.