Dịch vụ đổi tiền hốt bạc dịp cuối năm

GD&TĐ - Thủ tướng đã có chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động mua bán ngoại tệ, vàng và các dịch vụ đổi tiền mặt mệnh giá nhỏ không đúng quy định của pháp luật… Tuy nhiên, tại một số tuyến phố của Hà Nội, cũng như các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook … dịch vụ đổi tiền mệnh giá nhỏ đang diễn ra rất nhộn nhịp và công khai… người đổi cần bao nhiêu cũng được đáp ứng.

Trên thị trường “chợ đen”, hoạt động đổi tiền lẻ tuy không còn tấp nập nhưng cũng khó để tìm ra nếu có nhu cầu
Trên thị trường “chợ đen”, hoạt động đổi tiền lẻ tuy không còn tấp nập nhưng cũng khó để tìm ra nếu có nhu cầu

Sôi động thị trường đổi online

Hiện nay, dịch vụ đổi tiền lẻ trực tiếp trên địa bàn Hà Nội không còn nhiều. Một vài địa điểm nổi tiếng từ trước đến nay như phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) có thể đổi tất cả mệnh giá, kể cả ngoại tệ. Còn ở quanh các ngôi chùa lớn như: Chùa Hà (quận Cầu Giấy), Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ)… người dân có thể đổi các loại mệnh giá nhỏ hơn từ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng hoặc lớn hơn.

Do NHNN đã ngưng không phát hành loại tiền mệnh giá 500 đồng nên năm nay hầu hết các trang mạng, hoặc các địa điểm kinh doanh đổi tiền đều không niêm yết loại mệnh giá này. Tham khảo của chúng tôi tại một vài địa điểm như Chùa Hà, Phủ Tây Hồ hay Đinh Lễ… tuy người đổi nói có, nhưng phí rất cao. Cụ thể, ở phố Đinh Lễ đổi một cọc 100 tờ 500 đồng (trị giá 50.000 đồng) mức phí phải trả là 200.000 – 280.000 đồng (nguyên sê-ri), ở Phủ Tây Hồ hay Chùa Hà… tuy mức giá thấp hơn (từ 140.000 – 170.000 đồng), nhưng là tiền cũ được người đổi thu gom ở các đền chùa về. 

Tuy nhiên, sôi động hơn cả vẫn là dịch vụ đổi tiền online, người có nhu cầu chỉ cần gõ cụm từ khóa “đổi tiền lẻ” hay “đổi tiền mới” trên Google hoặc các công cụ tìm kiếm khác… ngay lập tức sẽ hiện ra hàng nghìn kết quả. Người đổi tiền chỉ việc ngồi nhà, gọi điện thoại hoặc nhắn tin, sẽ có người mang tiền đến tận nhà. Nhưng phí đổi tiền mới cho các mệnh giá thấp năm nay khá cao. Cụ thể trên một số trang web đổi dưới 10 triệu đồng cho các mệnh giá từ 1.000 đến 10.000 đồng mức phí là 15 – 20%; 20.000 đồng trở lên phí khoảng 10%... và đổi bao nhiêu cũng có. Riêng mệnh giá 500 đồng mức phí đổi lên tới 500%, 1.000 đồng khoảng 30 - 40%. Ngoài ra, các trang web còn rao đổi cả tiền ngoại tệ mệnh giá 2 USD, mới 100%, nguyên sê-ri, tiền xu và một số tiền của các quốc gia khác...

Chị Nguyễn Ánh Tính – Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đổi tiền qua mạng rất tiện lợi, không khác gì mua hàng

online và đổi bao nhiêu cũng có. Chỉ cần ngồi nhà bấm điện thoại, 30 phút sau có người mang tiền đến tận nơi, mất 10 - 30% phí đổi và ship (tùy theo mệnh giá – mệnh giá càng nhỏ phần trăm càng cao). “Tôi đổi 1 triệu mệnh giá 1.000 đồng có phí đổi là 30%, loại 5.000 đồng phí đổi 17%, 10.000 đồng phí đổi là 13%. Đặc biệt, năm nay tiền mệnh giá 500đ rất hiếm và giá đổi rất cao lên tới vài trăm phần trăm…” - chị Tính nói.

Hình ảnh được rao trên một trang mạng giới thiệu về dịch vụ đổi tiền lẻ phục vụ nhu cầu Tết
  • Hình ảnh được rao trên một trang mạng giới thiệu về dịch vụ đổi tiền lẻ phục vụ nhu cầu Tết

Tiền mới ở đâu ra?

Thời điểm này, khách muốn đổi tiền ngoài thị trường “chợ đen” mệnh giá nhỏ bao nhiêu cũng có, ngược lại các ngân hàng “cháy” tiền nguyên sê-ri, tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ. Anh Nguyễn Văn Quyết - Giám đốc một doanh nghiệp có văn phòng tại phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) cho biết: Mấy ngày nay đi đến một vài ngân hàng thân thiết để đổi một, hai chục triệu tiền mệnh giá nhỏ để cuối năm phát cho nhân viên công ty. Nhưng đến đâu nhân viên ngân hàng cũng lắc đầu, nói không có hoặc bảo phải chờ vì chưa có kế hoạch đổi. “Trong khi trên các trang mạng xã hội, hay một số địa điểm chuyên đổi tiền muốn đổi bao nhiêu cũng có, ấy vậy mà ngân hàng lại bảo không. Thế thì tiền mới ngoài chợ đen ở đâu ra?” - anh Quyết phàn nàn.

Tìm hiểu tại một số chi nhánh ngân hàng được biết, hiện hầu hết họ vẫn chưa có sẵn tiền mệnh giá nhỏ, do NHNN đã ngưng phát hành loại tiền mệnh giá 10.000 đồng trở xuống từ tháng 11/2018, và đến nay vẫn chưa cung ứng tiền mệnh giá này cho các chi nhánh. Nói về chuyện ngân hàng khan hiếm tiền lẻ, trong khi ngoài “chợ đen” lại rất nhiều, chị Nguyễn Ngọc Huyền – cán bộ ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chi nhánh Thăng Long cho biết: Có thể nguồn tiền mới mệnh giá nhỏ mà các dịch vụ đổi tiền có là do họ tích trữ từ năm trước, hoặc từ đầu năm. Khi cuối năm nhiều người muốn đổi tiền mới, tiền lẻ đi lễ hoặc lì xì họ mang ra kinh doanh kiếm lời…

Tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng mới đây, ông Phạm Bảo Lâm - Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ cho biết, NHNN sẽ tiếp tục không phát hành tiển lẻ mới mệnh giá dưới 10.000 đồng trong dịp Tết Nguyên đán. Đây là năm thứ 6 liên tiếp NHNN đưa ra chủ trương này. Ông Lâm cũng khẳng định, tiền mệnh giá 10.000 đồng vẫn được cung ứng đầy đủ, nhưng là tiền đã qua lưu thông. Theo ông Lâm, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán 2018 vừa qua đã tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng. Nâng tổng số tiền tiết kiệm được sau 6 năm thực hiện chủ trương này (từ năm 2013) lên con số 2.590 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ