Đến nay, đây là hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế hằng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 8 - 12); thu hút hơn 1.500 học sinh từ trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia mỗi năm.
Hội thi là cơ hội kết nối các nhà khoa học trẻ tương lai trên toàn cầu và được tiếp cận với những nhà khoa học đã đoạt giải Nobel. Các thí sinh cũng được giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ đề tài nghiên cứu; kết nối với học sinh cùng lứa tuổi trên khắp năm châu. Để tham gia, thí sinh được lựa chọn từ hội thi khoa học ở các quốc gia. Hội thi quốc gia này phải tuân thủ quy định cơ bản của ISEF.
Từ năm 2006, Bộ GD&ĐT đã có những bước chuẩn bị đầu tiên để nghiên cứu, triển khai Hội thi Khoa học và Kỹ thuật quốc tế tại Việt Nam. Năm 2009, lần đầu tiên tỉnh Lâm Đồng đại diện cho Việt Nam cử 3 học sinh tham dự Hội thi này tại Hoa Kỳ. Bắt đầu từ đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học dần được mở rộng ra nhiều tỉnh/thành phố trong phạm vi cả nước.
Năm 2012, Bộ GD&ĐT có Thông tư số 38/2012/TT–BGDĐT ban hành Quy chế nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia cho học sinh THCS và THPT. Tiếp đó, năm 2017, Quy chế này được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 32/2017/TT–BGDĐT. Kể từ khi Thông tư số 38, sau đó là Thông tư 32, được ban hành, hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học trong phạm vi cả nước liên tục phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học được tổ chức hằng năm với số lượng đề tài ngày càng tăng, không bị “đứt gẫy” kể cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Những dự án xuất sắc nhất từ cuộc thi cấp quốc gia được lựa chọn để tham gia Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế, và năm nào Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia có học sinh đoạt giải.
Có thể nói, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học 10 năm qua đã khích lệ học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức môn học vào giải quyết vấn đề thực tiễn.
Cuộc thi cũng góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức, phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục. Học sinh Việt Nam có cơ hội giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Mặc dù vậy, một số hạn chế, khó khăn của cuộc thi này còn hiện hữu. Điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường hầu như chưa đáp ứng được việc triển khai các đề án nghiên cứu khoa học kỹ thuật; đặc biệt là đề án nghiên cứu thực nghiệm cần dụng cụ, thiết bị hiện đại, có độ chính xác cao. Ngân sách cho công tác này còn nhiều hạn chế. Giáo viên, học sinh chủ yếu tự túc về kinh phí. Một số dự án dự thi chất lượng chưa cao, thể hiện sự đầu tư công sức chưa nhiều; thiếu tính mới, tính sáng tạo…
Để nâng cao chất lượng cuộc thi này, ngoài nỗ lực của học sinh, nhà trường, rất cần chính sách hỗ trợ kinh phí, động viên, khen thưởng kịp thời để cổ vũ tinh thần cho thầy, trò có đam mê nghiên cứu khoa học. Cùng với đó là sự vào cuộc, hỗ trợ của các trường đại học, doanh nghiệp, khuyến khích học sinh nuôi dưỡng, hiện thực hóa ý tưởng…
Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học nói riêng, hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh nói chung cần tiếp tục được khích lệ, thúc đẩy vì đây là một trong những con đường thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, tăng cường giáo dục toàn diện phẩm chất, năng lực của học sinh.