Báo cáo cho biết, từ 1/10/2021 đến 30/9/2022, cả nước xảy ra 1.748 vụ cháy (gồm 1.714 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 34 vụ cháy rừng). Các vụ cháy đã làm chết 105 người, bị thương 95 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 1.033 tỷ đồng và 125ha rừng; ngoài ra còn xảy ra 3.276 sự cố nhỏ liên quan đến cháy.
So với cùng kỳ năm 2021, số vụ cháy giảm tới 586 vụ. Tuy nhiên, số người chết lại tăng (19 người) và tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính cũng tăng 537 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cháy, nổ tại các khu công nghiệp, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở tập trung đông người (quán karaoke, quán bar...) còn diễn biến phức tạp, một số vụ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.
Đặc biệt, các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện (sau công tơ), do bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Trong số các nguyên nhân khiến diễn biến cháy nổ ngày càng phức tạp và gây thiệt hại nhiều hơn, Ủy ban An ninh Quốc phòng cho rằng, ý thức phòng, chống cháy, nổ, phòng ngừa, ứng phó sự cố, tai nạn của một bộ phận không nhỏ người dân chưa tốt, chưa hình thành “văn hóa phòng cháy, chữa cháy” trong xã hội.
Nhiều hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép. Một số chủ đầu tư chấp hành chưa tốt, thậm chí không chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
Số công trình chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đưa vào sử dụng vẫn còn nhiều. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy còn khiêm tốn.
Từ thực tế này, cần sửa đổi và quy định chặt chẽ điều kiện sử dụng, lắp đặt thiết bị điện trong các cơ sở dịch vụ. Trong đó, quan tâm đến việc hoàn thành quy chuẩn an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, quán bar…, cơ sở chuyển đổi công năng sử dụng như từ nhà ở riêng lẻ sang hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Đặc biệt, ngành giáo dục cần sớm hoàn thành xây dựng giáo trình, bài giảng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy nổ và cứu hộ cứu nạn để đưa vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa của các trường trong năm 2023.
Giải pháp này giúp tạo nền tảng kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho mọi công dân Việt Nam từ khi còn nhỏ, từ đó tạo chuyển biến lâu dài cho xã hội trong tương lai.