Ngày 12/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, đặc biệt phối hợp với Bộ Công an trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Từ năm 2010 đến năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo, trong đó rất quan tâm đến các đơn vị trực thuộc phải kiện toàn ban chỉ đạo về phòng chống cháy nổ và cứu hộ cứu nạn. Sau năm 2017, Bộ GD&ĐT cũng đã nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong ngành GD-ĐT.
Bộ GD&ĐT đã tập trung xây dựng ban hành thông tư, quy định về việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy vào các chương trình giảng dạy, các hoạt động của các nhà trường, các cơ sở giáo dục.
Quang cảnh hội nghị. |
Ngày 11/5/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Đến nay, đã có 30 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch để triển khai.
Cùng với đó, ngành GD-ĐT đã biên soạn tài liệu lồng ghép kiến thức phòng cháy chữa cháy vào chương trình giảng dạy. Năm 2014, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Thông tư số 04 quy định các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về các nội dung giáo dục, chất lượng giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa, quy định sự phối hợp với các địa phương để rèn luyện kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho học sinh, tập trung triển khai nâng cao nhận thức cho phụ huynh, học sinh.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh tại hội nghị. |
Để hoàn thiện các giáo trình phòng cháy chữa cháy trong trường học, Bộ GD&ĐT đang tập trung biên soạn để đưa xuống các địa phương, xuống hệ thống các trường học và sẽ đưa vào giảng dạy trong năm học 2022-2023. Bộ GD&ĐT đang đẩy mạnh việc thẩm định giáo trình, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành khác để triển khai vào năm học này.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, hiện mới chỉ có khoảng 15.000 cán bộ, giáo viên được tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy mỗi năm. Do đó, Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường phối hợp với công an địa phương để tập huấn cho đội ngũ làm công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trong các nhà trường. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị có sự chỉ đạo sâu sắc hơn.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương, đơn vị đã phát biểu làm rõ các nguyên nhân, giải pháp trong công tác phòng cháy chữa cháy và đánh giá kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP, báo cáo Chính phủ các biện pháp cũng như công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất để công tác này được triển khai hiệu quả thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào Toàn dân phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Các ngành, địa phương cần kiện toàn, củng cố các lực lượng tại chỗ làm công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, cơ sở; tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Thủ tướng cũng giao Bộ GD&ĐT tăng cường phổ biến, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa.