Cần phiên âm đúng tên người ân nhân của Bác

Cần phiên âm đúng tên người ân nhân của Bác

(GD&TĐ) - Mọi người dân Việt hầu như ai cũng biết đến tên tuổi cũng như biết ơn vị Luật sư người Anh: Francis Henry Loseby - là người đã bào chữa và bảo vệ thành công cho Tống Văn Sơ (tức Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh) thoát án tử hình của tòa án thực dân tại Hồng Kông năm 1931. Có điều, chắc hẳn không phải ai cũng biết rằng phiên âm tiếng Việt danh tính người bạn đặc biệt của Việt Nam chúng ta lại rất không chính xác trong hàng chục năm qua, cả trong nhà trường lẫn trên các phương tiện truyền thông. 

Cách đây ít lâu, cá nhân người viết cũng có nghe thông tin Bảo tàng Hồ Chí Minh đã chính thức có văn bản kiến nghị gửi đến lãnh đạo Bộ GD&ĐT về việc điều chỉnh lại cách phiên âm ra tiếng Việt tên của luật sư Loseby là “Lôdơbi” thay vì “Lôdơbai” như trên các bộ sách giáo khoa hiện hành.

Đã định dịp nào đó thuận tiện sẽ trao đổi cụ thể với TS. Chu Đức Tính – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - để làm rõ hơn vấn đề này; tính cờ trong buổi gặp, chính TS. Chu Đức Tính lại là người đề xuất trực tiếp việc hỗ trợ thông tin cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh để trả lại tên phiên âm tiếng Việt chính xác cho vị luật sư ân nhân của Bác, bởi lẽ đơn giản theo TS Chu Đức Tính: “Truyền thông có thể sử dụng phiên âm không đúng, nhưng sách dạy học sinh thì phải đúng. Để quảng bá thông tin này một cách rộng rãi, không gì bằng tờ báo của chính ngành GD”. 

Luật sư Loseby thăm Việt Nam năm 1960 theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Luật sư Loseby thăm Việt Nam năm 1960 theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đưa cho chúng tôi xem văn bản kiến nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc cách phiên âm tên gọi luật sư Francis Henry Loseby của Bảo tàng Hồ Chí Minh do chính TS. Tính đứng tên đề nghị, ông chia sẻ thực tế cách phiên âm sai từ “Lôdơbi” sang “Lôdơbai”  đã xuất hiện cách đây hơn nửa thế kỷ chứ không phải bây giờ mới sai.

TS. Chu Đức Tính kể lại câu chuyện tâm sự của nguyên Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Trịnh Ngọc Thái cho biết năm 1960 khi đang là cán bộ Ban đối ngoại Trung ương Đảng, ông được cử tháp tùng và phiên dịch cho luật sư Loseby sang thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đón gia đình luật sư tại sân bay Gia Lâm, ông chào: Kính chào ông luật sư Lôdơbai. Luật sư Loseby lập tức chỉnh lại ngay rằng, tên tôi đọc là Loseby, phiên âm là Lôdơbi chứ không phải là Lôdơbai. Sau đó ít lâu ông lại được biết trong bản thảo bút tích tác phẩm “Vừa đi đường vừa kể chuyện” với bút danh T.Lam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng nguyên tác tiếng Anh là Loseby để gọi tên người bạn – ân nhân của mình, và trong bản in của NXB Sự thật (Hà Nội, 1963) in phiên âm tiếng Việt là Lôdơbi. 

Để chứng minh thêm, TS. Chu Đức Tính kể lại kỷ niệm năm1994, Bảo tàng Hồ Chí Minh được đón bà Patricia (con gái duy nhất của ông bà luật sư Loseby). Khi tham quan tủ trưng bày bộ quần áo do bố mẹ mình tặng Nguyễn Ái Quốc để cải trang năm 1933, lúc hướng dẫn viên giới thiệu: “Đây là bộ quần áo của gia đình luật sư Lôdơbai...”. Bà Patricia nói: “Xin lỗi chị và nhờ chị chuyển lời đến các bạn Việt Nam, cha tôi tên gọi phiên âm tiếng Việt là Lôdơbi chứ không phải là Lôdơbai”. Hay gần hơn nữa là vào năm 2002, ông Paul Tagg, cháu ngoại của gia đình luật sư Loseby sang thăm Việt Nam, đến bảo tàng Hồ Chí Minh để trao một số kỷ vật theo di chúc của gia đình và một lần nữa khẳng định tên gọi của luật sư Loseby phiên âm theo tiếng Việt là Lôdơbi.

Ông Chu Đức Tính cho biết thêm, thời gian trước đây, ông đã đề nghị một số tờ báo, đài truyền hình điều chỉnh sai sót này nhưng không có kết quả. Với người dân Việt Nam chúng ta, cái tên phiên âm “Lôdơbai” đã trở thành quen thuộc và thấy bình thường, nhất là ở trên các phương tiện truyền thông. TS. Chu Đức Tính phân tích có lẽ nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là tất cả mọi người đều học từ sách phổ thông và trong chương trình dạy có trích tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của tác giả Trần Dân Tiên đã dùng tên Lôdơbai để gọi tên vị luật sư này.

TS. Chu Đức Tính: “Chỉ có sửa từ SGK (phiên âm tên luật sư Loseby) thì sự đính chính mới thực sự có hiệu quả”
TS. Chu Đức Tính: “Chỉ có sửa từ SGK (phiên âm tên luật sư Loseby) thì sự đính chính mới thực sự có hiệu quả”

Chia sẻ thêm về việc kiến nghị của mình, ông Tính cho rằng, cách phiên âm như vậy không sai trong phiên dịch thông thường từ tiếng Anh sang tiếng Việt, tuy nhiên, vào năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình luật sư Loseby đã thống nhất gọi tên phiên âm tiếng Việt của luật sư này là Lôdơbi. Vì vậy, chúng ta cần phải tôn trọng lịch sử và nguyện vọng của gia đình luật sư Loseby để gọi đúng tên phiên âm tiếng Việt là Lôdơbi. 

Lý giải về việc vì sao gửi kiến nghị tới Bộ GD&ĐT thay vì các cơ quan truyền thông như cách làm thông thường để đính chính một thông tin gì đó tới toàn xã hội, TS. Chu Đức Tính cho biết một phần lý do quan trọng của việc nhầm lẫn kéo dài này là do phần lớn chúng ta được dạy trong nhà trường, đã đinh ninh tên gọi như vậy, sau này khó sửa hoặc thậm chí khó chấp nhận rằng kiến thức được cung cấp là sai. “Do vậy, chúng tôi cho rằng chỉ có sửa từ sách giáo khoa thì sự đính chính mới thực sự có hiệu quả”.

Được biết sau đề nghị của Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT đã chuyển văn bản tới Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nghiên cứu và làm rõ. Hồi đáp của Nhà xuất bản cho thấy thực tế không có cuốn sách giáo khoa nào hiện hành có nội dung như đề xuất, nhưng có một vài cuốn sách tham khảo, sách đọc thêm có ghi phiên âm là luật sư Lôdơbai. Nhận thấy đây là việc làm cần thiết, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo chỉnh sửa các trang trong sách tham khảo có tên phiên âm “Lôdơbai” thành “Lôdơbi” như đề nghị của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Việc chỉnh sửa sẽ được thực hiện ngay trong lần tái bản sách tham khảo vào đầu năm 2012.

Nhất Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ