Theo Dự thảo Nghị định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đang được Bộ Giao thông Vận tải xây dựng, lấy ý kiến, có 12 đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác sẽ thực hiện thu phí.
Về mức phí, với cao tốc 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục (mức 1) thấp nhất sẽ từ 1.300 đồng/km (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn), cao nhất là 5.200 đồng/km (xe tải trên 18 tấn, container 40 feet).
Đối với cao tốc 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp chạy liên tục (mức 2), mức phí từ 900 - 3.600 đồng/km tùy từng nhóm xe. Dự kiến Nhà nước thu được 3.210 tỷ đồng mỗi năm, nộp ngân sách khoảng 2.850 tỷ.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc thu phí sẽ không xảy ra hiện tượng “phí trùng phí”. Cao tốc đem lại lợi ích cho người tham gia giao thông cao hơn so với quốc lộ song hành. Người dân có quyền lựa chọn đi trên quốc lộ hoặc trả tiền sử dụng cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ cao hơn.
Bên cạnh đó, việc thu phí nhằm quản lý phương tiện lưu thông, cân bằng giữa các tuyến cao tốc và quốc lộ, kiểm soát xe quá tải, giúp tăng khả năng khai thác của cao tốc. Nhà nước thu phí cao tốc không phải vì lợi nhuận mà nhằm bảo trì và đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới. Mức thu được nghiên cứu thận trọng, tránh tác động quá lớn đến chỉ số CPI và chi phí logistics.
Việc có nên thu phí đối với cao tốc do Nhà nước đầu tư hay không đã được đặt ra từ lâu và có ý kiến ủng hộ, phản đối. Các ý kiến không ủng hộ cho rằng, việc thu phí sẽ dẫn đến tình trạng “thuế chồng thuế” vì đã có thuế và phí bảo trì đường bộ.
Ý kiến ủng hộ thì lập luận rằng, phí bảo trì đường bộ được trả cho việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường bộ nói chung. Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ tạo nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng các cao tốc khác, đồng thời tạo nguồn kinh phí để bảo trì, duy tu tuyến đường thu phí.
Cần nhắc lại rằng, từ năm 2017, Nghị quyết 52 của Quốc hội khóa XIV đã đồng ý với chủ trương thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Thời điểm đó, quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là những tuyến cao tốc nào có chất lượng dịch vụ tương ứng với mức thu mới triển khai thu phí.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất, với các tuyến cao tốc do nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức hợp đồng BOT khi hết thời hạn thu phí và bàn giao lại, Nhà nước sẽ thực hiện duy tu, bảo dưỡng và cũng tiến hành thu phí. Mới đây nhất, điều này một lần nữa được quy định trong Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua.
Như vậy, cơ sở pháp lý cho việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư đã có. Hơn nữa, trong bối cảnh nguồn lực của ngân sách còn hạn hẹp như hiện nay, việc thu phí là cần thiết. Vấn đề còn lại, trước tiên là phải làm rõ sự “khác biệt” giữa phí đường bộ và phí cao tốc.
Phí đường bộ là khoản phí mà các chủ phương tiện phải trả để bảo trì hệ thống đường bộ quốc gia. Phí cao tốc được áp dụng khi người tham gia giao thông sử dụng các tuyến đường cao tốc do Nhà nước hoặc doanh nghiệp đầu tư, được xây dựng với tiêu chuẩn cao hơn, cho phép phương tiện di chuyển nhanh hơn và an toàn hơn.
Ngoài ra khi thực hiện thu phí, phải tuân thủ triệt để nguyên tắc người dân phải được lựa chọn. Đó là có thể lựa chọn các cao tốc, chấp nhận trả phí để được hưởng chất lượng dịch vụ cao hơn. Nếu không, có quyền lựa chọn tuyến đường không thu phí.