Thu phí đi cao tốc để làm cao tốc nhằm giảm áp lực cho ngân sách

GD&TĐ - Các chuyên gia cho rằng nên thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư để giảm áp lực lên ngân sách và có tiền tái đầu tư, nhưng mức phí cần cân nhắc.

Cao tốc Mai Sơn - QL45 nằm trong danh sách 9 tuyến cao tốc được đề xuất thí điểm thu phí.
Cao tốc Mai Sơn - QL45 nằm trong danh sách 9 tuyến cao tốc được đề xuất thí điểm thu phí.

Thu phí tạo đột phá đầu tư công

Trong Dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km phương tiện chạy trên đường.

Việc thí điểm thu phí sẽ được thực hiện trên 9 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác trước năm 2025, gồm các tuyến cao tốc: TPHCM - Trung Lương; Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành GTVT vừa diễn ra, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng giao các đơn vị liên quan của bộ này trong nửa cuối năm phải sớm hoàn thiện phương án thu phí cao tốc đầu tư công để trình cấp thẩm quyền xem xét, thông qua.

Ông Thắng cho rằng, đây là nhiệm vụ cấp bách, bức thiết, do thời gian tới sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc đầu tư công đưa vào khai thác. Nhiệm vụ này sẽ được Bộ GTVT đưa vào để đánh giá kết quả công việc của lãnh đạo các đơn vị hằng tháng.

Theo Bộ GTVT, nếu không thu phí, việc phát triển hạ tầng giao thông sẽ khó tạo ra đột phá. Nhà nước không thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân, khó đảm bảo mục tiêu trong 7 năm nữa có 5.000km cao tốc. Ước tính 10 năm tới, ngân sách cần đầu tư 239.000 tỉ đồng xây mới cao tốc.

Đánh giá về đề xuất thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông cho rằng, việc thu phí là cần thiết bởi tiềm lực kinh tế đất nước còn đang hạn chế, trong khi đó, hạ tầng giao thông vẫn cần phải tiếp tục đầu tư.

“Ngân sách Nhà nước hiện còn eo hẹp, phải chi cho rất nhiều hoạt động và thường xuyên thiếu hụt. Trong khi đó đầu tư đường cao tốc đòi hỏi nguồn ngân sách lớn. Việc thu phí từ các tuyến cao tốc sẽ góp phần giảm áp lực cho ngân sách”, TS Nguyễn Xuân Thuỷ nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, người dân phải trả tiền khi sử dụng loại dịch vụ chất lượng tốt (đường cao tốc mới) và Nhà nước vẫn đảm bảo có tuyến quốc lộ song hành không phải trả phí. Chính vì vậy, việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết nhằm có nguồn bảo trì đường.

“Ví dụ từ Hà Nội đến Hải Phòng, người không muốn trả phí sẽ đi quốc lộ 5 tốn thời gian nhiều hơn và đi trong luồng xe hỗn hợp chịu rủi ro về tai nạn cao hơn. Ngược lại, người sẵn sàng trả phí sẽ sử dụng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để tiết kiệm thời gian, giảm rủi ro tai nạn. Những khách hàng coi thời gian là tiền bạc sẽ sẵn sàng chấp nhận trả phí để sử dụng cao tốc”, TS Khương Kim Tạo phân tích.

Cần có mức thu phí phù hợp

Việc phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý, sở hữu vẫn chưa từng thực hiện trong nước.

Vì vậy, xoay quanh vấn đề này có không ít ý kiến bày tỏ quan ngại những hệ lụy sẽ phát sinh khi thực hiện thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ cao tốc được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước.

TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng người dân đã và đang chịu quá nhiều loại phí. Một ô tô, một xe máy cũng phải chịu nhiều phí riêng.

Theo TS Nguyễn Xuân Thuỷ, mức thu phí đường cao tốc mà Nhà nước đầu tư phải thấp hơn mức bình thường khoảng 20 - 30%. Phí đường bộ phải giảm đi, còn giảm bao nhiêu cần phải bàn bạc, tính toán.

“Nên lưu ý rằng chúng ta làm đường để phục vụ Nhân dân, nâng cao đời sống cho Nhân dân. Nếu chúng ta làm đường mà móc túi tiền của dân nhiều hơn thì việc đó không đem lại nhiều ý nghĩa nữa”, luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội nêu quan điểm.

Ông Lê Hoàng Đại, giám đốc một công ty vận tải hàng hoá tại Hà Nội chia sẻ, để cao tốc khai thác an toàn và bền vững, công tác bảo trì cần được tiến hành thường xuyên và cần kiểm soát xe quá khổ, quá tải.

Hiện nguồn quỹ bảo trì đường bộ mới đáp ứng 30 - 40% nhu cầu bảo trì các tuyến quốc lộ, đường địa phương nên không thể bảo trì, vận hành cao tốc. Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là cần thiết nhằm có nguồn bảo trì đường.

TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông cho rằng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn như hiện nay, việc thu phí từ các tuyến cao tốc đầu tư công sẽ góp phần giảm áp lực cho ngân sách.

Bởi nguồn ngân sách dùng để đầu tư làm đường cao tốc luôn rất lớn. Khi thực hiện thu phí cao tốc đầu tư công, người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn đi cao tốc trả phí hoặc đi đường khác không mất tiền. Điều này tùy thuộc vào nhu cầu của từng người.

Tuy nhiên, chuyên gia giao thông này nhấn mạnh rằng mức phí phải được xem xét cân đối với lưu lượng giao thông, khả năng chi trả, mong muốn chi trả của người dân tại từng thời điểm cũng như cân nhắc về mức phí giữa tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư với trạm BOT đầu tư chạy song hành, có khả năng chia khách.

“Năm nay có thể thấp, những năm sau có thể điều chỉnh cao lên, tùy theo tình hình phát triển kinh tế, nhưng phải có những hạn mức nhất định, không thể tùy ý thay đổi với biên độ quá lớn”, TS Phan Lê Bình nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.