Tăng phí cao tốc, chất lượng dịch vụ cũng phải tăng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuyên gia cho rằng tăng phí sử dụng đường cao tốc là cần thiết, nhưng song song đó cần tăng chất lượng dịch vụ để người dân đồng thuận.

Tăng phí cao tốc cần đảm bảo chất lượng dịch vụ để người dân đồng thuận.
Tăng phí cao tốc cần đảm bảo chất lượng dịch vụ để người dân đồng thuận.

Minh bạch doanh thu, lộ trình phù hợp

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa chấp thuận điều chỉnh giá vé tại 44 dự án BOT với tổng số 47 trạm thu phí, thời gian điều chỉnh giá vé dự kiến từ 0h ngày 29/12, với mức tăng tùy theo từng dự án.

Để chuẩn bị cho việc tăng giá vé, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, rà soát, giám sát, thống nhất với doanh nghiệp dự án về mức giá, thời điểm điều chỉnh giá vé của từng dự án, trạm thu phí, bảo đảm không vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư 28/2021 của Bộ GTVT và hoàn tất thủ tục điều chỉnh giá vé các dự án, trạm thu phí theo đúng quy định.

Theo Cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị đã tổ chức họp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và đã thống nhất kế hoạch triển khai công tác điều chỉnh giá vé tại các trạm thu phí thuộc danh sách điều chỉnh giá vé.

Tại cuộc họp có 3 nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án kiến nghị không điều chỉnh giá vé gồm: Trạm Cù Mông thuộc Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả; trạm Km1747 thuộc dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14), đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đắk Lắk; trạm Km11+625 thuộc Dự án Đầu tư, cải tạo nâng cấp QL38 đoạn nối QL1 với QL5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương theo hình thức hợp đồng BOT.

Sau rà soát, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổng hợp số dự án điều chỉnh giá vé của 41 dự án BOT (do 3 dự án không điều chỉnh phí).

Lý giải về tăng giá vé các dự án BOT, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, theo quy định của hợp đồng dự án BOT, một chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần (với mức tăng 6%/năm).

Mặc dù các dự án, trạm thu phí đã đến kỳ tăng giá vé từ năm 2019 - 2022, cá biệt có những dự án đã đến chu kỳ tăng vé lần 2 nhưng vẫn chưa được tăng giá làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.

Cục Đường bộ đã yêu cầu các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thông báo công khai và niêm yết mức giá, thời điểm áp dụng mức giá mới theo quy định tại Thông tư số 45/2021 của Bộ GTVT. Niêm yết mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công được điều chỉnh tại địa điểm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công theo quy định của pháp luật về giá, phí.

Sau khi hoàn thiện thủ tục điều chỉnh giá vé, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ đúng mức giá, đúng thời điểm, thực hiện công tác thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ đúng quy định.

Đảm bảo chất lượng tương xứng

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia giao thông, việc tăng giá vé qua trạm BOT là cần thiết bởi theo lộ trình cứ 3 năm cần điều chỉnh giá một lần. Tuy nhiên, thu phí làm sao cho hài hòa lợi ích đôi bên vừa để phát triển vừa để tái đầu tư và việc thu đúng thu đủ, không lạm thu, không để cá nhân, doanh nghiệp trục lợi từ việc thu này.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận, việc tăng giá tại các dự án BOT nằm trong lộ trình điều chỉnh giá được quy định trong hợp đồng BOT. Vì vậy, trong quá trình Bộ GTVT lấy ý kiến, hiệp hội đã xem xét và đồng tình việc điều chỉnh giá vé theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư.

Theo ông Quyền, việc Nhà nước phải xem xét để điều chỉnh mức thu theo hợp đồng BOT và phương án tài chính của nhà đầu tư là cần thiết. Nếu không các nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến chủ trương chung của Chính phủ về thu hút các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông.

Ở góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng, việc tăng giá vé BOT cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng và xây dựng lộ trình cụ thể cho phù hợp với từng dự án. Tăng giá vé phải đi đôi với tăng chất lượng dịch vụ để người dân cảm thấy số tiền bỏ ra để mua vé qua trạm BOT là xứng đáng.

Ông Trần Minh Thắng - kỹ sư cầu đường chia sẻ, việc tăng giá vé cần đi đôi với tăng chất lượng dịch vụ. Những dự án BOT được tăng giá thì chất lượng đường phải được đảm bảo, làm sao để người dân cảm thấy tuyến đường mình đi phải có chất lượng tương xứng với số tiền mình bỏ ra để mua vé qua trạm BOT.

“Việc tăng giá vé cần phải được cân nhắc thật kỹ đối với những tuyến cao tốc vẫn chưa thực sự đạt được chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn như tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, sau một thời gian đưa vào khai thác hiện tuyến đường này đã xuống cấp nhiều. Một số đoạn mặt đường đã lún nứt, nổi nhiều sống trâu rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, hệ thống trạm dừng nghỉ nhếch nhác thiếu sự đầu tư, quản lý…”, ông Thắng cho biết.

Đại diện Cục Đường bộ cho biết, đa số dự án BOT khai thác từ trước năm 2016, nhiều dự án có doanh thu không đạt theo phương án tài chính do lưu lượng ô tô thấp, trong khi doanh nghiệp BOT được chỉ đạo giảm giá vé cho phương tiện gần trạm thu phí và giảm giá cho xe tải từ 10 tấn trở lên, xe container, theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết năm 2016. 7 năm qua, các doanh nghiệp chưa được tăng phí dù theo hợp đồng sau ba năm sẽ điều chỉnh một lần.

Ước tính, lũy kế doanh thu từ đầu dự án đến hết năm 2025 chỉ có 16 dự án đạt trên 75% theo phương án tài chính nếu không điều chỉnh giá; nếu điều chỉnh giá thì có 26 dự án có mức đạt trên 75% mức doanh thu theo phương án tài chính tại hợp đồng dự án PPP.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ