Sản phẩm Cao vị nhân là gì?
Theo giới thiệu trên mạng xã hội và trên website caovinhan.vn thì sản phẩm Cao vị nhân là thuốc Nam. Nó được bào chế từ các thành phần là cây xạ đen, cây sói rừng, gai bồ kết, trinh nữ hoàng cung, nga truật, chế biến dạng cao. Sản phẩm có tác dụng chữa trị u xơ tử cung, u nang buồng trứng, phì đại tiền liệt tuyến, u tuyến giáp, u vú. Khi dùng chỉ cần pha vào nước để uống.
Cao vị nhân được phân phối bởi Công ty TNHH Dược phẩm Nhân Tín, có địa chỉ tại số 27, lô 4A, Trung Yên 10, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Sản phẩm này được bán với giá lên đến 650.000 đồng và được phân phối online trong toàn quốc.
Dù phân phối khắp cả nước, nhưng theo tìm hiểu của Báo Giáo dục và Thời đại, sản phẩm này chưa công bố Giấy phép lưu hành đối với thuốc và Giấy phép quảng cáo do cơ quan chức năng cấp.
PV gọi điện đến số 0357200234 hỏi thông tin sản phẩm, phía người bán hàng cho biết, Cao vị nhân là thuốc Nam dùng chữa trị u xơ, u nang, u vú và thậm chí ung thư. PV đề nghị cung cấp giấy phép lưu hành và giấy phép quảng cáo, nhưng người bán hàng không phản hồi.
Theo tìm hiểu của Báo Giáo dục và Thời đại, trên website caovinhan.vn ghi đơn vị chịu trách nhiệm là Công ty TNHH Dược phẩm Nhân Tín. Chủ thể đăng ký trang web là ông Hoàng Tuấn Anh.
Tiếp thị thuốc trái quy định
Trên các nền tảng từ Facebook, Google đến YouTube, xuất hiện nhiều ý kiến của bệnh nhân, kết quả khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế, bác sĩ khẳng định sản phẩm Cao vị nhân chữa bệnh.
Theo thông tin mà nhân viên bán sản phẩm Cao vị nhân cung cấp thì người bệnh phải dùng sản phẩm 2 tháng, sau đó đi khám lại để biết tác dụng của thuốc.
Trên page Facebook sản phẩm Cao vị nhân cũng xuất hiện nhiều phiếu khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc - Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ... Các phiếu này cho rằng khối u xơ, u nang giảm kích thước sau 2 tháng sử dụng. Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ cũng thực hiện quảng cáo cho sản phẩm này và khẳng định, sản phẩm đem lại tác dụng sau vài tháng sử dụng.
Theo Quy định tại Điều 3, Nghị định 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quảng cáo thuốc phải có Giấy phép lưu hành tại Việt Nam.
“Các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc bao gồm: a) Chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong; b) Chỉ định điều trị bệnh lây qua đường tình dục; c) Chỉ định điều trị chứng mất ngủ kinh niên; d) Các chỉ định mang tính kích dục; đ) Chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u; e) Chỉ định điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự khác”.
Điều 3, Nghị định 181/2013 cũng quy định: “Thông tin, hình ảnh cấm sử dụng trong quảng cáo thuốc bao gồm: a) Hình ảnh người bệnh; b) Sơ đồ tác dụng của thuốc mà chưa được nghiên cứu, đánh giá; c) Hình ảnh, tên của thầy thuốc để giới thiệu thuốc”.
Ngoài ra, Khoản 10, Điều 6, Luật Dược 2016 của Quốc hội cũng “Cấm quảng cáo trong trường hợp sau đây:
a) Quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung hoặc không đúng với nội dung đã được xác nhận;
b) Sử dụng chứng nhận chưa được Bộ Y tế công nhận, sử dụng lợi ích vật chất, lợi dụng danh nghĩa của tổ chức, cá nhân, các loại biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn để quảng cáo thuốc;
c) Sử dụng kết quả nghiên cứu lâm sàng, kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng, kết quả kiểm nghiệm, kết quả thử tương đương sinh học chưa được Bộ Y tế công nhận để quảng cáo thuốc”.
Việc phát triển sản phẩm tốt là điều đáng mừng, nên khuyến khích. Nhưng những hành vi coi thường y đức, bất chấp pháp luật để bán hàng cần được xử lý thích đáng.