Theo thống kê, từ khoảng cuối 2018 đến nay, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) đã điều trị cấp cứu thành công hơn 10 trường hợp nhiễm acid lactic do sử dụng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) không rõ nguồn gốc trong đó có chứa phenformin (một loại thuốc đã bị cấm lưu hành từ lâu do khả năng gây toan máu bởi acid lactic với tỷ lệ tử vong lên đến 50%).
Trong những trường hợp trên, nguy kịch nhất là Cô Đ.T.M., 65 tuổi, ( ở Thủ Đức,TPHCM)
Hiện cô M. đang theo dõi và điều trị đái tháo đường tại bệnh viện địa phương. Tuy nhiên, hai tháng gần đây, nghe người quen mạch bảo về loại thuốc gia truyền kiểm soát đường huyết cấp tốc, nên Cô quyết định ngưng theo dõi bệnh và chuyển sang dùng loại thuốc không rõ nguồn gốc có dạng viên với nhiều màu sắc.
Viên thuốc không có nguồn gốc. (Ảnh BVCC). |
Sau một thời gian dùng thuốc, cô M. thường xuyên bị mệt mỏi, ăn uống kém, sức khỏe ngày càng suy giảm dần. Đến khi rơi vào tình trạng nguy kịch, người nhà đã đưa cô đến bệnh viện ĐH Y Dược để cấp cứu và được chẩn đoán suy hô hấp, tụt huyết áp, toan máu nặng, chỉ số acid lactic trong máu tăng rất cao.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và phối hợp liên chuyên khoa khẩn để cấp cứu, hồi sức tích cực, lọc máu để loại bỏ bớt acid lactic ra khỏi cơ thể, giành lại sự sống cho cô M.
Sau hơn 10 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, cô dần hồi phục và được xuất viện. Sau 03 lần tái khám, cô đã khỏe lại và tiếp tục duy trì theo dõi, kiểm soát tốt tình trạng ĐTĐ.
BSCKI. Trần Minh Triết – Khoa Nội tổng hợp BV ĐH Y Dược, người trực tiếp điều trị cho cô M chia sẻ: “Các y bác sĩ của khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực và khoa Nội tổng hợp BV ĐH Y Dược đã cùng phối hợp, nỗ lực tối đa để giành lại sự sống cho cô M".
Tuy nhiên theo BS. Triết, không phải lúc nào cũng có thể thành công như vậy, đối với những trường hợp dung thuốc quá lâu, đến bệnh viện quá muộn không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Điều đáng nói là sau khi tìm hiểu quá trình khám bệnh tại địa phương, bác sĩ ghi nhận C=cô M. đang được điều trị và kiểm soát ĐTĐ rất tốt, nhưng cô lại bỏ việc điều trị, sử dụng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ, làm cho mình rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang chỉ vì nghe theo lời quảng cáo về thuốc gia truyền có thể chữa hết bệnh ĐTĐ".
Với những nỗ lực rất tích cực của ngành y tế trong việc cảnh báo, tư vấn những tác hại khi sử dụng thuốc cặp, việc sản xuất các lọ thuốc này đã lắng xuống trong thời gian qua.
Tuy nhiên vấn đề sử dụng phenformin để sản xuất thuốc điều trị ĐTĐ lại ngày càng trở nên phức tạp, đa dạng và khó kiểm soát hơn. Các loại thuốc điều trị ĐTĐ có chứa phenformin được bào chế dưới nhiều dạng trình bày khác nhau: Dạng viên thuốc gia truyền, thuốc tễ, tiểu đường hoàn, viên tiểu đường….
Chính vì vậy trong khoảng thời gian gần đây BV ĐH Y Dược TP.HCM tiếp nhận ngày càng nhiều hơn các trường hợp nhiễm acid lactid do thuốc điều trị ĐTĐ không rõ nguồn gốc (thường là có chứa phenformin).
TS BS. Trần Quang Nam – Trưởng khoa Nội tổng hợp BV ĐHYD đang khám cho người bệnh. ( Ảnh: BVCC). |
Theo TS BS. Trần Quang Nam – Trưởng khoa Nội tổng hợp BV ĐH Y Dược cho biết: “ĐTĐ là một bệnh lý mạn tính ngày một gia tăng, gây ra nhiều biến chứng. Và loại bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát và ngăn ngừa được biến chứng nếu người bệnh tuân thủ điều trị đúng cách, theo dõi định kỳ.
Người bệnh tuyệt đối không nên nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn, hay tin những lời quảng cáo trên internet, sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, bỏ điều trị, làm cho các biến chứng ngày càng nặng nề và có thể nhiễm lactic nguy hiểm chết người".
"Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực hợp lý kết hợp với việc dùng thuốc và theo dõi định kỳ tại các cơ sở y tế sẽ giúp người bệnh ĐTĐ kiểm soát tốt đường huyết, ngăn ngừa biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh sống vui khỏe, lạc quan cùng bệnh ĐTĐ", TS Nam khuyên.
Theo chia sẻ của các chuyên gia, phenformin được phát hiện vào năm 1957 dùng để điều trị ĐTĐ. Tuy nhiên trong quá trình theo dõi, người ta nhận thấy phenformin mặc dù giúp kiểm soát đường huyết nhưng lại gây ra tác dụng phụ cực kỳ nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng, dẫn đến tử vong, đó chính là nhiễm acid lactic.
Chính vì vậy, vào những năm 1970, phenformin dần bị hạn chế sử dụng, và bị cấm lưu hành ở Mỹ cũng như các nước khác vào tháng 11/1978. Mặc dù vậy, tại Việt Nam cũng như một vài nước châu Á khác, phenformin vẫn lén lút được sản xuất và lưu hành dưới dạng thuốc cặp điều trị ĐTĐ.