Góc khuất trong trại cai nghiện Internet ở Trung Quốc

GD&TĐ - Cái chết của một thiếu niên Trung Quốc đã bộc lộ góc khuất đáng sợ tại các trại cai nghiện Internet. Các cơ sở cai nghiện đua nhau mọc lên đáp ứng nhu cầu của phụ huynh trong khi thiếu sự giám sát dẫn tới nhiều trại hoạt động chui và áp dụng những liệu pháp điều trị có thể coi là tàn bạo và không có cơ sở khoa học.

Góc khuất trong trại cai nghiện Internet ở Trung Quốc

Tử vong khi vừa nhập trại

Khi cảm thấy bất lực trong việc tách con khỏi màn hình máy tính, nhiều phụ huynh Trung Quốc giận dữ gửi con vào các trại huấn luyện kiểu quân sự để giúp đứa trẻ cai nghiện Internet - “bệnh” nhiều người coi là chứng rối loạn tâm thần. Tuy nhiên một cặp vợ chồng gửi con trai 18 tuổi Li Ao vào một cơ sở đã không thể nhận lại những gì họ được hứa hẹn. Chưa đầy 48 giờ sau khi nhập trại, cậu bé đã tử vong.

Vụ việc đã phơi bày sự kinh hoàng của những trại cai nghiện Internet gây tranh cãi và làm bùng phát sự phẫn nộ trên mạng xã hội Trung Quốc. Một báo cáo năm 2010 của Hiệp hội Phát triển mạng lưới thanh niên Trung Quốc, nêu: Trung Quốc có 24 triệu người nghiện Internet từ 6 đến 29 tuổi.

Báo động về hiện tượng này dẫn tới nở rộ loại hình trại cai nghiện Internet. Hiện có hơn 300 trại điều trị kiểu quân sự tại Trung Quốc, trong đó có nhiều trại hoạt động chui như Hefei Zhengneng Education, nơi Li Ao được đưa vào điều trị.

Với mong muốn con trai có trí lực khoẻ mạnh, cha mẹ Li đã chi trả 22.800 tệ (3.408 USD) cho đợt điều trị 180 ngày bắt đầu từ ngày 3/8 tại trại điều trị ở tỉnh An Huy. Mẹ cậu, Liu Dongmei, cho biết giáo viên ở cơ sở này bảo đảm rằng nhân viên sẽ sử dụng biện pháp tư vấn và hoạt động thể chất và tránh các kiểu trị liệu cực đoan như sốc điện. Tuy nhiên khám nghiệm tử thi ngày 6/8 cho thấy có hơn 20 tổn thương bên ngoài cơ thể và một số tổn thương bên trong.

Quản lý đang bị buông lỏng

Sau cái chết của Li, chính quyền địa phương đã đóng cửa trại Hefei Zhengneng Education. Chính quyền địa phương cho biết đã nhiều lần cảnh cáo cơ sở này từ đầu tháng 6, một tháng sau khi khai trương, nhưng cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động. 5 nhân viên của cơ sở này đã bị tạm giam phục vụ điều tra.

Trên Weibo, mạng xã hội kiểu Twitter tại Trung Quốc, cư dân mạng bày tỏ sự giận dữ về hiện trạng tràn lan những trại điều trị “chui” như vậy tại nước này. Một số cư dân mạng cũng chỉ trích trách nhiệm của cha mẹ Li. “Phụ huynh cậu bé cũng phải chịu trách nhiệm vì đã đẩy con trai vào trung tâm này” - nội dung một bình luận.

Những liệu pháp “dã man” của các trung tâm điều trị cai nghiện Internet cũng đã được đưa ra ánh sáng trong thời gian gần đây. Nhiều bệnh nhân quá hoảng loạn đến nỗi tìm tới cái chết.

Cuối tháng 7, một cậu bé 16 tuổi tự sát bằng cách nhảy từ tầng 5 của một trại điều trị tại thành phố Tây An phía Bắc Trung Quốc sau vài tháng điều trị tại đây. Tháng 9 năm ngoái, một cô bé 16 tuổi tỉnh Hắc Long Giang phía Đông Bắc Trung Quốc giết hại mẹ đẻ và treo cổ tự sát sau khi bị đưa vào trại cai nghiện Internet 4 tháng.

Trong bối cảnh số thanh thiếu niên nghiện Internet tiếp tục gia tăng, các chuyên gia khuyến nghị chính quyền trung ương cần thanh sát toàn bộ các trại cai nghiện Internet và thống nhất liệu pháp điều trị có căn cứ khoa học.

Bộ Y tế Trung Quốc năm 2009 đã yêu cầu một bệnh viện tâm thần tại tỉnh Sơn Đông, Đông Bắc Trung Quốc, ngừng sử dụng liệu pháp sốc điện sau khi gần 3.000 thanh thiếu niên đã phải trải qua liệu pháp này - lí do là chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy liệu pháp này có hiệu quả chữa nghiện Internet. Đầu năm nay, Trung Quốc cam kết chấm dứt hoàn toàn liệu pháp này trên toàn quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ