Cần hành lang pháp lý chặt chẽ

GD&TĐ - Mới đây, Sở GD&ĐT Tiền Giang quyết định tạm dừng thí điểm chương trình giáo dục kỹ năng sống bậc tiểu học và THCS tại các cơ sở giáo dục.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Lý do là sở phát hiện các cơ sở giáo dục có dấu hiệu vi phạm quy định về sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê. Đồng thời, vi phạm quy định về các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn.

Cho đến nay, không riêng gì Tiền Giang, chương trình giáo dục kỹ năng sống theo mô hình xã hội hóa tương tự đã và đang triển khai ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là các đô thị lớn. Và không chỉ là kỹ năng sống, hiện hệ thống trường công nhiều nơi còn triển khai khá nhiều chương trình dịch vụ thí điểm theo mô hình hợp tác “công tư” khác như Tiếng Anh tích hợp, giáo dục STEM, Tin học chuẩn quốc tế, Tiếng Anh chuẩn quốc tế…

Bản chất trường công, hệ thống giáo dục công lập có nhiệm vụ bảo đảm phúc lợi, phổ cập, cung cấp dịch vụ cơ bản, miễn phí hoặc chi phí thấp cho người dân. Thế nhưng, ngành Giáo dục đang nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện, hướng đến hội nhập mà ngân sách Nhà nước còn nhiều eo hẹp. Suất chi cho các hoạt động chuyên môn thấp, nên đa số trường công lập gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai, nâng chất hoạt động giáo dục. Vì thế, sự xuất hiện của các dịch vụ giáo dục trong trường công như kỹ năng sống, tăng cường ngoại ngữ, tin học, STEM… không chỉ đáp ứng nhu cầu người học, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giúp các trường từng bước tiệm cận phương pháp, mô hình dạy học tiên tiến, hội nhập quốc tế.

Đến nay, đa số chương trình giáo dục dịch vụ được đưa vào nhà trường đều thực hiện dựa trên đề án đã được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Nhà trường tổ chức thu phí theo hình thức xã hội hóa bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, có sự đồng thuận với phụ huynh học sinh trên cơ sở tự nguyện. Nhà trường cũng được chủ động liên kết với cá nhân, đơn vị tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời, chấp hành đúng các quy định pháp luật; có trách nhiệm chủ động lựa chọn đối tác tổ chức dạy học phù hợp.

Nhờ đẩy mạnh hình thức hợp tác các chương trình dịch vụ giáo dục trong trường công mà chất lượng dạy học một số lĩnh vực, ở nhiều nơi thời gian qua có sự cải thiện. Như tại TPHCM, nhờ chủ trương tăng cường ngoại ngữ, với sự góp sức của phụ huynh, điểm số môn Tiếng Anh trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT của thành phố luôn đứng tốp đầu. Sau gần hai chục năm triển khai xã hội hóa tăng cường Tin học, đến nay TPHCM đã hướng đến mục tiêu học sinh hội nhập về kỹ năng tin học chuẩn quốc tế.

Mang lại những lợi ích thấy rõ, nhưng trên thực tế, việc triển khai các chương trình giáo dục hợp tác với sự góp sức xã hội hóa trong trường công thời gian qua diễn ra không ít vấn đề bất cập. Xung quanh các dịch vụ giáo dục có thu phí, vẫn còn nhiều lấn cấn liên quan đến nền tảng tài sản công, tính chuẩn mực của các chương trình, mức thu, cơ chế quản lý thu chi, sự tự nguyện của phụ huynh, thời gian tổ chức học tập, những biểu hiện về bất bình đẳng trong giáo dục... Trong đó, việc quản lý tài chính từ các dịch vụ giáo dục có thu phí diễn biến phức tạp. Như trường hợp ở Tiền Giang, phụ huynh không biết khoản học phí này sử dụng vào việc gì, cũng như không đồng tình về mức phí. Hay trước đó ở TPHCM, phụ huynh từng phản đối mức học phí tiếng Anh tích hợp mà tổ chức EMG đưa ra.

Tranh thủ nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các mô hình giáo dục mới, nâng cao chất lượng dạy học, hướng đến chuẩn mực quốc tế là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, để các dịch vụ giáo dục có thu phí triển khai trong trường công tạo sự đồng thuận, phát huy hiệu quả, rất cần hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, không chỉ về chuyên môn, mà cả tài chính, tổ chức vận hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ