Để làm rõ hơn vấn đề này, Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ.
- Hiện nay, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho HS đang được các trường chú trọng. Là thành phố lớn, trung tâm của vùng ĐBSCL, Cần Thơ có bị áp lực trong triển khai thực hiện công tác này không, thưa bà?
- Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho HS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của ngành GD-ĐT thành phố Cần Thơ. Các hoạt động giáo dục HS trong nhiều năm trở lại đây nhìn chung đạt được chất lượng và hiệu quả tốt, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất những sai phạm của các em.
Vài vụ việc mâu thuẫn giữa HS có xảy ra nhưng đều nằm trong tầm kiểm soát, quản lý của nhà trường, các em đã được giáo dục để sửa lỗi, tiếp tục học tập. Những áp lực nếu có cũng chính là yêu cầu mới đặt ra, tạo thêm động lực giúp cho ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho HS.
Bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ. Ảnh: QN |
- Ngành GD-ĐT TP Cần Thơ có những giải pháp căn cơ nào, thưa bà?
- Để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho HS, ngành GD-ĐT thành phố tập trung triển khai các giải pháp: Chú trọng công tác tuyên truyền cho các em thông qua các website, cổng thông tin điện tử của ngành; thông qua các hội nghị, hội thi, buổi sinh hoạt tập thể; tuyên dương, khen thưởng các gương điển hình...
Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục cho HS theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học, phát huy tính tích cực, chủ động của các em; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình học.
Nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch, tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, đồng thời thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho tất cả các lực lượng giáo dục trong nhà trường, nhất là cán bộ quản lý, giáo viên phụ trách công tác đoàn, hội, đội; giáo viên phụ trách công tác tư vấn học đường; giáo viên phụ trách công tác xã hội; nhân viên phụ trách công tác y tế trường học và đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp.
Tăng cường và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các hoạt động giáo dục HS.
Phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, các sở, ban, ngành, đoàn, hội, cộng đồng trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho HS.
Học sinh TP Cần Thơ trải nghiệm trò chơi dân gian tại bảo tàng thành phố. Ảnh: QN |
- Trong giáo đạo đức, lối sống, kỹ năng cho HS, vai trò của đội ngũ nhà giáo là rất quan trọng. Ngành GD-ĐT thành phố chuẩn bị nguồn lực con người như thế nào để đáp ứng yêu cầu giáo dục?
- Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong việc giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho HS, nhiều năm qua, ngành Giáo dục thành phố đã tích cực đầu tư, chuẩn bị cho nguồn lực này. Tập trung chủ yếu cho việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Để nâng cao năng lực chuyên môn cho GV, năm 2018, Sở GD&ĐT đã mở 7 lớp đào tạo với 546 học viên và 32 lớp bồi dưỡng với 2.989 học viên. Năm 2019, Sở GD&ĐT cử 56 công chức, viên chức tham gia dự tuyển sau đại học và mở 5 lớp đào tạo nâng chuẩn cho 340 học viên; đồng thời tổ chức 70 lớp bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho đội ngũ GV trẻ về chuyên đề nâng cao đạo đức nhà giáo và những quy định, chuẩn mực trong ứng xử với đồng nghiệp, HS và cha mẹ HS. Khi nhận thức, trình độ chuyên môn và kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục của đội ngũ nhà giáo được nâng cao sẽ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng cho HS.
- Thực tế hiện nay công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS mỗi nơi mỗi kiểu, giáo viên phụ trách đa số là kiêm nhiệm. Theo bà, để phát huy hiệu quả công tác này, cần có giải pháp nào?
- Các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố căn cứ các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho HS phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Các hoạt động giáo dục trên địa bàn mỗi quận, huyện có thể khác nhau nhưng cùng hướng đến mục tiêu giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho HS, hình thành và phát triển nhân cách học sinh theo mục tiêu giáo dục đã đề ra.
Cơ quan quản lý giáo dục các cấp của thành phố thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc tổ chức các hoạt động giáo dục của các đơn vị để phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, hiệu quả, đồng thời chấn chỉnh kịp thời những hoạt động không phù hợp, trái với các quy định của pháp luật, trái với chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc.
- Từ tình hình thực tế trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho HS, bà có đề xuất những kiến nghị?
- Chính quyền địa phương cần có hệ thống các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, không để các đối tượng xấu tụ tập nhằm lôi kéo HS tham gia các tệ nạn xã hội hay các vụ việc vi phạm về đạo đức, lối sống tại địa phương, đặc biệt là khu vực xung quanh trường học; vận động người dân cùng giữ gìn môi trường sạch, đẹp xung quanh nhà trường, không bỏ rác, tập kết rác khu vực trường học; định kỳ, gặp gỡ, đối thoại với thanh thiếu niên, nhi đồng, học sinh trên địa bàn.
Cần có thêm những điểm sinh hoạt cho thanh thiếu nhi tại địa phương. Những nơi có điểm vui chơi, du lịch cũng cần miễn phí hoặc giảm vé ít nhất 50% cho các em trong ngày thứ Bảy, Chủ nhật và trong dịp hè.
Gia đình cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ em; phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong hướng dẫn, quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho con em học tập và rèn luyện tại nhà trường.
Tăng cường công tác truyền thông, nêu gương người tốt, việc tốt, khắc phục tình trạng đưa quá nhiều tin ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách học sinh.
- Xin cảm ơn bà!