PV: Xin chào Lê Quốc Bảo, tại sao em lại chọn học ở khoa Quốc tế của Đại học Thái Nguyên? Những đóng góp của em khi đang là sinh viên tại trường?
Lê Quốc Bảo: Em là sinh viên khoa Quốc tế (KQT), lớp B4 khóa 3 của Đại học Thái Nguyên. Em sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Nẵng, trên mảnh đất quê hương, em đã rất may mắn khi đạt giải khuyến khích học sinh giỏi cấp thành phố. Em là con người khá hướng ngoại và yêu thích môi trường xã hội xung quanh mình, bởi vậy em lựa chọn học chuyên ngành Quản lý tài nguyên Môi trường và bền vững theo chương trình tiên tiến tại Khoa Quốc tế Đại học Thái Nguyên.
Sau khi hoàn thành xong kỳ thi ĐH, khó khăn lớn nhất của em là chọn trường vì một phần em phải sống xa nhà (800km), bản thân em từ nhỏ chưa từng đi đâu xa một mình nên ba mẹ em có phần lo lắng. Thật may mắn khi cả ba và mẹ đều ủng hộ sự lựa chọn của em.
Ngay khi mới vào trường, tuy còn chập chững, bỡ ngỡ với môi trường đại học, nhưng bản thân em đã vô cùng tò mò và thích thú với các công việc trên lớp, đoàn hội của nhà trường. Ở Khoa Quốc tế, em được giao các vị trí: Bí thư chi Đoàn quản lí tài nguyên môi trường và bền vững. (ISEMS1K3); Uỷ viên ban chấp hành LCĐ Khoa Quốc tế; Đội trưởng đội xung kích KQT. Đồng thời là Ủy viên BCH đoàn Khối Đại học Thái Nguyên. Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp. Em cũng tích cực tổ chức và tham gia các chương trình, cụ thể như : Ngày hội hiến máu nhân đạo với chủ đề “Giọt Hồng – Chào Hạ” năm 2015 và năm 2016.
Những chương trình em tham gia tổ chức đã mang về cho tập thể nhiều giải thưởng như: Giải nhất tiếng hát truyền hình HS-SV Tỉnh Thái Nguyên lần thứ nhất 2014 . Giải ba cuộc thi "Tìm hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam" 2014; Vô địch giải “Siêu cúp Khoa Quốc tế mở rộng lần thứ nhất năm 2015”
Trong quá trình học tập, bằng những nỗ lực không ngừng em đã đạt các danh hiệu: ‘‘Sinh viên tiên tiến năm học 2013- 2014’’. Chứng nhận: ‘‘Đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp Khoa năm học 2014- 2015’’ Bằng khen: ‘‘Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Sinh viên tỉnh Thái Nguyên, năm học 2014- 2015’’ và ‘‘Bí thư Chi đoàn tiêu biểu làm theo lời Bác tỉnh Thái Nguyên năm 2016’’
PV: Quá trình học tại khoa Quốc tế em gặp những khó khăn gì trong? Thầy cô quan tâm đến sinh viên ra sao? Môi trường học như thế nào? Các phương pháp dạy của thầy cô trong khoa có gì đổi mới? Bản thân em được trang bị kiến thức ra sao khi học tại khoa? Những khó khăn, thuận lợi gặp phải khi đang ngồi trên ghế nhà trường?
Lê Quốc Bảo: Thời gian đầu việc học tiếng anh luôn khó khăn đối với mỗi bạn sinh viên và cả em cũng vậy. Hầu hết đầu vào đều là khối A đó là điều bất lợi đối với em nhưng thật may mắn em được các thầy cô giáo dạy bảo tận tình, luôn tạo môi trường học một cách chủ động nhất cho chúng, em nhận thấy rằng nếu ai tận dụng được năm đầu tiên học tiếng anh theo chuẩn IETLS tại KQT sẽ hỗ trợ rất tốt trong việc học chuyên ngành trong những năm tiếp theo.
Thầy cô luôn tạo điều kiện để sinh viên có được môi trường để phát triển tư duy tiếp thu kiến thức như: Bắt đầu từ hướng dẫn phương pháp học tập, tìm các nguồn tài liệu khoa học, liên tục thay đổi thành viên trong các nhóm học tập, tư duy phản biện và đặt câu hỏi, thúc đẩy các đề tài nghiên cứu khoa học.
Việc chủ động và tích cực tiếp cận kiến thức trong việc học là vô cùng quan trọng, không chỉ người thầy mang kiến thức mà các học viên cần có sự cầu thị tìm kiếm kiến thức cho mình, có nhiều bạn sinh viên vẫn thường mạnh dạn trao đổi và tìm kiếm những lời khuyên từ các thầy cô giáo bộ môn.
Với kiến thức chuyên môn, đầu tiên là sự định hướng, giảng dạy của từng môn học trên lớp của thầy cô, tiếp theo là những nguồn tài liệu,bài tập được giao, cuối cùng là sự đúc kết kiến thức và trình bày chúng qua mỗi lần thuyết trình về đề tài mình thực hiện. Bên cạnh đó, kiến thức xã hội cũng là một chìa khóa quan trọng để em mở ra cánh cửa công việc trong xã hội ngày hôm nay.
Nhờ sự tham gia, cống hiến công sức, sự sáng tạo, tư duy làm việc trong môi trường Đoàn thanh niên, Hội sinh viên từ đó giúp em nhận được những bài học, kinh nghiệm sống bổ ích, và tự tin hòa nhập vào cuộc sống khi rời ghế nhà trường hơn.
PV: Sau khi ra trường em công tác tại đâu? Vị trí việc làm của em hiện tại?
Lê Quốc Bảo: Ngay trong thời gian đi học em may mắn được Viện tài chính vi mô mời làm việc, Viện là 1 trong các đơn vị đã phỏng vấn định hướng việc làm sau đại học tại KQT. Em được đi Mộc Châu, Hòa Bình để tìm hiểu kinh tế đời sống của người dân địa phương, tập huấn các nghiệp vụ về kinh tế vi mô cho chị em phụ nữ ở các dân tộc thiểu số. Sau 9 tháng làm việc, em đã được điều chuyển công tác với vị trí mới Giám Đốc Quỹ tài chính Xanh tại Huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam.
Sau khi kết thúc thời gian làm việc tại Quảng Nam, em ứng tuyển vào một công việc mới hoàn toàn làm giám sát An toàn lao động tại công trình xây dựng của tập đoàn xây dựng FeCon. Hiện tại em đã ký hợp đồng chính thức cùng tập đoàn.
PV: Tốt nghiệp ra trường là sinh viên khoa Quốc tế em đã có những thuận lợi và khó khăn gì khi tìm kiếm việc làm cũng như nộp hồ sơ xin việc? Em dã được các doanh nghiệp, đơn vị công tác đánh giá ra sao?
Lê Quốc Bảo: Là sinh viên KQT, em cũng có những khó khăn mà hầu như bạn sinh viên trên mọi trường ĐH đều gặp phải. Một là, kiến thức và thực tiễn khác xa nhau. Hai là mong muốn làm việc đúng với cái mình học là rất khó. Còn về thuận lợi thì trong quá trình học đại học em đã được học hỏi rất nhiều nên khả năng thuyết trình, khả năng hòa nhập, tích cực và trách nhiệm trong công việc, hội nhập của em đều rất khá. Em nghĩ đó là những yếu tố cũng rất quan trọng khi chúng ta làm việc ở tất cả các môi trường.
Đối với 2 đơn vị đã làm việc, em đều được các đơn vị đánh giá khá tốt, là người tích cực trong công việc và ham học hỏi, có khả năng hòa nhập với công việc tốt
PV: Cảm nhận của bản thân khi là sinh viên khoa Quốc tế?
Lê Quốc Bảo: Sẽ là một lợi thế khi chúng ta biết ngoại ngữ và được trau dồi ở khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) cùng với kiến thức chuyên môn tốt được đào tạo tại trường, điều đó sẽ giúp chúng ta tiến gần tới ước mơ của chính mình.
PV: Em có điều gì nhắn nhủ với các thế hệ sinh viên tương lai của khoa Quốc tế?
Lê Quốc Bảo: Tại một thời điểm hãy chọn một điều quan trọng nhất để cống hiến. Và luôn phải nuôi dưỡng ước mơ, đừng bỏ cuộc, vì đôi khi ước mơ chỉ cách chúng ta một cánh cửa.
Cám ơn Lê Quốc Bảo, chúc những ước mơ của em luôn bay cao, bay xa!