Theo một thống kê của SuperAwesome (Anh), trẻ em từ 6-14 tuổi ở khu vực Đông Nam Á đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ sử dụng smartphone, cao hơn tới 20% so với một cường quốc công nghệ như Mỹ.
Cuộc khảo sát được thực hiện với hơn 1.800 trẻ em trong khu vực, bao gồm các quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia. Có tới 87% trẻ em tại những đất nước này đang sử dụng hoặc biết và thường xuyên sử dụng smartphone.
Tác hại của smartphone lên trẻ
Trẻ em ngày nay dễ bị trầm cảm hoặc tâm lí căng thẳng một phần có liên quan đến việc tiếp xúc lâu và quá nhiều với điện thoại.
Không thể không thừa nhận smartphone là công cụ hữu ích để kết nối với thế giới giúp trẻ tìm hiểu được lượng kiến thức khổng lồ bên ngoài. Tuy nhiên, đi kèm với những kiến thức bổ ích luôn là những thông tin, video bạo lực ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ cũng như hành vi của trẻ.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, việc sử dụng điện thoại nhiều sẽ khiến cảm xúc của trẻ rối loạn, hình thành suy nghĩ có khuynh hướng bạo lực, dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, tạo nên tâm lí ức hiếp các bạn khác.
Trẻ lười vận động, chán học chỉ muốn ôm điện thoại
Hiện nay, dễ nhận thấy một điều trẻ em có hứng thú với việc giải trí trên điện thoại hơn là việc ra ngoài chơi và hòa nhập với các bạn cùng trăng lứa.
Những trẻ tiếp xúc thường xuyên với smartphone sẽ lười vận động thể chất, lười tham gia vào các hoạt động thể thao, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
Smartphone còn là nhân tố cản trở đến việc hòa nhập với cộng đồng vì nó luôn có sức hút khủng khiếp đối với trẻ em. Điều này khiến trẻ em ngày nay chỉ thích ở nhà và ôm lấy điện thoại, không muốn ra ngoài và tiếp xúc với mọi người.
Nhiều trẻ em hiện nay chỉ có các mối quan hệ bạn bè giới hạn qua màn hình điện thoại. Đây cũng là lý do nhiều thanh thiếu niên khó hòa nhập khi bước ra thế giới thực. Họ thường nhút nhát, khó mở lời và bắt chuyện với người lạ.
Trẻ em bị "nghiện" điện thoại thông minh sẽ chậm phát triển về ngôn ngữ hơn những trẻ bình thường, không thể tập trung vào việc học, giảm khả năng ghi nhớ, chán các bài tập ở lớp và lười làm bài tập về nhà.
Cha mẹ nên hình thành thói quen tốt cho con
Không thể đổ lỗi cho con vì chính cha mẹ là người hình thành thói quen cho trẻ. Phụ huynh nên là người quản lí, hướng dẫn cách dùng điện thoại một cách khoa học cho trẻ vì smartphone cũng có rất nhiều mặt có lợi giúp ích cho sự phát triển về tâm lí và bỏ sung nhiều kiến thức cho trẻ.
Nên kiểm soát những thông tin mà trẻ tìm hiểu để tránh những vấn đề bạo lực, không lành mạnh. Không nên đưa điện thoại rồi bỏ mặc trẻ.