Cận cảnh nguồn nhân lực Việt Nam

GD&TĐ - Khi đánh giá về nguồn nhân lực của một quốc gia, ba tiêu chí cơ bản thường được xem xét là số lượng, chất lượng và cơ cấu. Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Ngoại thương đã “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cơ chế thị trường” (đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình KHGD quốc gia), trong đó đưa ra đánh giá về số lượng, chất lượng và cơ cấu của nguồn nhân lực Việt Nam.  

Thay đổi về cơ cấu trong lao động đòi hỏi công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao
Thay đổi về cơ cấu trong lao động đòi hỏi công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao

Nguồn nhân lực dồi dào

Việt Nam có nguồn nhân lực tương đối dồi dào, có khả năng đáp ứng được những yêu cầu về số lượng nhân lực mà nền kinh tế đòi hỏi. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam tính đến thời điểm 1/1/2016 là hơn 54 triệu người, trong đó lao động nam chiếm 51,7%; lao động nữ chiếm 48,3%. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2017 đạt 53,4 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức thấp, cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm trong các năm 2013, 2014 và 2015 là 2,18%, 2,1% và 2,31%.

Số người trong độ tuổi lao động của Việt Nam tương đối cao và ổn định qua các năm. Đây có thể coi là một lợi thế trong việc ổn định sản xuất và quản lý lao động của quốc gia. Tỷ lệ lao động có việc làm chiếm tỷ trọng cũng khá cao so với lực lượng đến tuổi lao động. Tính đến quý II/2017, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên là 53,40 triệu người, trong đó, tỷ lệ người lao động có bằng cấp, chứng chỉ (tính từ 3 tháng trở lên) là 11,78 triệu.

Nếu xét về số lượng nguồn nhân lực có học hàm, học vị ở Việt Nam hiện nay (theo Niên giám thống kê năm 2014 có hơn 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ) thì chúng ta đang sở hữu một nguồn nhân lực khá dồi dào về số lượng, không thua kém các nước trong khu vực.

Hạn chế về thể lực

Chất lượng nguồn nhân lực được biểu hiện cụ thể ở một số tiêu chí trọng yếu như thể lực, trình độ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Về thể lực của người lao động, tuy có sự cải thiện trong thời gian gần đây, nhưng nhìn chung nguồn nhân lực Việt Nam có vóc dáng nhỏ bé.

Nhìn chung, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đang bị đánh giá là khá thấp, nhiều hạn chế so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực chưa được phát triển theo hướng toàn diện về thể lực, trí tuệ, đạo đức… để có khả năng thích ứng với môi trường lao động hiện đại. 

Tandon & cộng sự (2000) cung cấp số liệu so sánh 191 nước, cho thấy chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam năm 2000 thấp hơn 13cm, và của nữ thanh niên Việt Nam thấp hơn 10,7cm so với chuẩn của WHO, còn cân nặng trung bình của người Việt Nam thuộc tốp nhẹ nhất thế giới. Năm 2000, tổng điều tra dinh dưỡng của Việt Nam cho thấy chiều cao nam thanh niên là 162,3cm và nữ là 152,4cm. Sau 10 năm, đến năm 2010, chiều cao nam giới Việt Nam trong độ tuổi 20 - 24 đã tăng thêm 2,1cm, nữ tăng 1cm. Nếu tính riêng tại các thành phố thì nam giới cao 167,4cm, nữ cao 154,7cm; vùng nông thôn chiều cao thấp hơn với nam 164,1cm và nữ 153,2cm. Với chiều cao này, thanh niên Việt Nam cao ngang với Indonesia, Philippines nhưng thấp hơn Singapore, Nhật, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, và thấp hơn Hàn Quốc 9,4cm.

Với chỉ số này, ngay cả khi các doanh nghiệp, tập đoàn muốn đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật tiên tiến thì người lao động rất khó khăn trong sử dụng và vận hành máy móc, thiết bị hiện đại có kích cỡ lớn, làm việc trong môi trường không thuận lợi (trên cao, dưới sâu…) với cường độ lao động cao, điều kiện lao động nặng nhọc, gánh nặng thần kinh và tâm lý lớn…

Trình độ lao động chưa cao

Chất lượng nhân lực Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2016 chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10) trong khi một số nước trong khu vực như Malaysia là 5,59/10, Thái Lan là 4,94/10; Việt Nam đứng thứ 11/12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng. Ngoài ra, các chỉ số khác cũng rất thấp như năng lực cạnh tranh 4,3/10, xếp hạng 56/133 nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ trong năm 2015 chỉ đạt 20,3%. Nhân lực Việt Nam còn thiếu kỹ năng mềm như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp và tránh nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.

Điểm yếu cơ bản của lao động nước ta là tỷ lệ lao động qua đào tạo, nhất là đào tạo nghề dài hạn, có trình độ cao còn thấp, chỉ bằng 1/3 các nước và các nền công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… kỹ năng tay nghề yếu, đặc biệt là so với tiêu chuẩn nghề của khu vực và thế giới. Năng lực cạnh tranh và năng suất lao động còn hạn chế. Năng suất lao động trung bình của Việt Nam chỉ bằng một nửa các nước ASEAN, thấp hơn Indonesia 10 lần, Thái Lan 30 lần, Nhật Bản 135 lần, khiến chỉ số cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế liên tục giảm trong những năm qua.

Bên cạnh đó, sự phân bố không hợp lý, chương trình đào tạo còn nặng lý thuyết, chất lượng đào tạo, cơ cấu theo ngành nghề, lĩnh vực, sự phân bố theo vùng, miền, địa phương của nguồn nhân lực chưa thực sự phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội… đã dẫn đến tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kĩ thật trình độ cao, các nhà quản lý, chuyên gia giỏi và công nhân lành nghề. Nhiều lao động không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật có khuynh hướng hiểu biết lý thuyết khá, nhưng lại kém về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp, vẫn cần có thời gian bổ sung hoặc đào tạo bồi dưỡng để sử dụng hiệu quả. Nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là lao động bậc trung, chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu lao động trong giai đoạn 2011 - 2015.

Có thể thấy, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo các năm ngày càng tăng, mặc dù không cao. Hai năm gần đây tỷ lệ này đã có những thay đổi đáng kể, từ 22,2% năm 2016 tăng lên mức hơn 23% vào năm 2017. Sự thay đổi trong tỷ lệ lao động có việc làm đã qua đào tạo là một tín hiệu đáng mừng. Mặc dù chỉ tăng 0,5% - 1% nhưng có thể thấy nhân lực trong các nhóm ngành trọng điểm luôn được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài ra, khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ là công cụ giao tiếp và làm việc của nguồn nhân lực còn rất hạn chế. Trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài, ngoại ngữ, hiểu biết văn hoá thế giới luôn là điểm yếu của lao động Việt Nam.

Cần thời gian để xây dựng việc chấp hành luật pháp

Về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, các tiêu chí đánh giá thường thông qua tinh thần trách nhiệm trong công việc, đạo đức và phẩm chất nghề nghiệp, văn hoá sản xuất, ý thức tuân thủ kỷ luật lao động… Trên thực tế, mặc dù người lao động luôn có ý thức và lương tâm nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển sang nền sản xuất công nghiệp hiện đại, họ cũng bộc lộ những nhược điểm như vẫn còn giữ thói quen của nền sản xuất nhỏ lẻ, thiếu khả năng tính toán để tăng hiệu quả kinh tế, lãng phí, không có ý thức bảo vệ môi trường…

Tinh thần trách nhiệm trong công việc, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân, ý thức văn hoá công nghiệp, kỷ luật lao động của một bộ phận đáng kể người lao động chưa cao. Bên cạnh đó, việc chấp hành luật pháp, cách làm việc trong một nền công nghiệp hiện đại vẫn chưa chuyên nghiệp, do đó, cần phải mất nhiều thời gian và sự kiên trì mới có thể xây dựng được.

Cơ cấu lao động

Tỷ lệ cơ cấu lao động trong các ngành, lĩnh vực kinh tế có sự thay đổi đáng chú ý, mặc dù không quá lớn, nhất là giai đoạn trong hai năm trở lại đây. Năm 2016 có 41,87% lao động trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp; sang năm 2017, con số này giảm còn 40,02%. Trong khi đó, chuyển dịch cơ cấu ngành công nghệp - dịch vụ và ngành dịch vụ - tài chính - ngân hàng thì có phần tăng lên: Năm 2016, 24,74% lao động trong ngành công nghiệp dịch vụ, năm 2017 tăng xấp xỉ 26%; Năm 2016 có 33,39% lao động trong ngành dịch vụ - tài chính – ngân hàng, năm 2017 tăng hơn 34%.

Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế đã làm thay đổi cơ cấu lao động nước ta theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cơ cấu lao động đã dịch chuyển đáng kể từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.

Trích “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cơ chế thị trường” - Nhiệm vụ KHCN thuộc Chương trình KHGD quốc gia do Trường ĐH Ngoại thương chủ trì

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.