Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực qua đào tạo của ngành này còn đang rất thiếu và yếu, việc tăng cường nguồn lực cho ngành CNHT đang ngày càng trở nên bức thiết hơn.
Khan hiếm và khó tuyển dụng
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác chuyên gia công các sản phẩm cho khách hàng trong các khu công nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, ông Lê Huy Thức, Tổng Giám đốc PMTT Group cho biết, doanh nghiệp hiện rất khó tuyển dụng nhân công, dù đã trực tiếp “đặt hàng” từ nhiều trường đại học, cao đẳng. Các doanh nghiệp hiện nay đều muốn tiếp nhận sinh viên ra trường nhưng phải làm việc được ngay. Trong khi sinh viên được đào tạo ở cấp đại học vẫn thừa, thì nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp hiện nay lại vô cùng khan hiếm, khiến doanh nghiệp rất khó tuyển dụng.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh, đòi hỏi chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp hỗ trợ sẽ ngày càng khắt khe hơn. Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh việc đầu tư nhiều hơn cho dây chuyền công nghệ mới, hiện đại để đáp ứng yêu cầu sản xuất thì việc trang bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình này ngày càng trở nên bức thiết. Tuy thế, hiện trạng nguồn nhân lực ở Việt Nam thông qua các trường đại học, cao đẳng đang cho thấy sự bất cập, thực sự chưa đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp.
Đánh giá về nguồn nhân lực cho CNHT hiện nay, TS Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, chỉ là đào tạo sinh viên ngắn hạn nhưng khi ra trường để làm việc được ngay là một yêu cầu rất khó, trong bối cảnh người lao động chưa có tay nghề. Các khoá ngắn hạn chỉ dành cho những người đào tạo lại, bổ sung hoặc đào tạo nâng cao. Vì vậy, để có nhân sự tay nghề cao, doanh nghiệp cần theo sát quá trình đào tạo dài hạn. Nên có sự hỗ trợ thêm hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, hay cung cấp kinh phí cho các cơ sở đào tạo theo số lượng người đăng ký học.
Cơ chế hợp tác hai chiều
Hiện tại, các cơ sở đào tạo chủ yếu vẫn đang đào tạo theo năng lực và khả năng của mình, dẫn đến nguồn lực chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhà trường để yêu cầu đào tạo những gì doanh nghiệp cần, điều này đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp phụ trợ luôn bị thiếu hụt nguồn nhân lực.
Thúc đẩy phát triển ngành CNHT, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội cho rằng cần phải tạo đột phá trong triển khai bằng quyết tâm của các cấp, các ngành, cụ thể hoá các chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn lực về tài chính công nghệ, hướng tới sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho CNHT, ông Nguyễn Hoàng đề xuất cơ chế hợp tác hai chiều giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các trường đào tạo tiến hành khảo sát, trao đổi với các doanh nghiệp về nhu cầu nhân lực, từ đó xây dựng những phương pháp đào tạo mang tính trọng tâm. Các doanh nghiệp hỗ trợ hướng tới việc liên kết chặt chẽ với các nhà trường đưa ra yêu cầu cụ thể, hỗ trợ nhà trường đào tạo nhân lực, tạo việc làm cho sinh viên…