Quyết tâm đổi mới GD&ĐT qua 4 kỳ Đại hội Đảng
Nói về công cuộc đổi mới GD&ĐT, GS Võ Tòng Xuân tâm huyết: Sự nghiệp GD&ĐT luôn là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Theo tôi, mục tiêu xuyên suốt của công cuộc nâng cao chất lượng GD&ĐT đã được thực hiện suốt 4 kỳ Đại hội Đảng.
Cụ thể, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, về vấn đề GD&ĐT, Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “... Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục; thực hiện “chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá”. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X khẳng định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Đảng chủ trương: Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ quá độ đã nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có sức mạnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư phát triển”.
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Thực hiện tinh thần của Đại hội, ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đảng và Nhà nước xác định mục tiêu của đổi mới lần này là: Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân. Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả.
Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII là vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XII thể hiện sự kế thừa và phát triển trên cơ sở tinh thần tư tưởng Đại hội lần thứ XI.
Đến nay, chất lượng GD&ĐT nước nhà có những bước phát triển rõ rệt. Tuy nhiên, để đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT thành công thì rất cần quyết tâm, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Chúng ta đã thấy hướng đi và biết cách đi, chỉ còn cần có một quyết tâm chính trị để thực hiện.
Các bước đổi mới cơ bản cần làm
GS Võ Tòng Xuân (ảnh: Quốc Ngữ) |
Theo ý kiến của GS Võ Tòng Xuân, các bước đổi mới căn bản giáo dục của Việt Nam cần ưu tiên thực hiện ngay:
- Thứ nhất là Hiện đại hóa Bộ Chuẩn Kiến thức và Sách giáo khoa. Bộ Chuẩn Kiến thức và Kỹ năng các môn học trong hệ phổ thông từ mầm non mẫu giáo đến lớp 12 đã được bắt đầu thực hiện từ năm 2000 theo Nghị quyết 40/2000 của Quốc hội. Đến năm 2009, Bộ GD&ĐT đã công bố những phiên bản đầu tiên của Bộ Chuẩn để lấy ý kiến các trường phổ thông.
Chắc chắn những phiên bản này còn phải được thảo luận sâu rộng hơn bởi chuyên gia Việt Nam, có tham khảo các Bộ Chuẩn quốc tế. Khi có được Bộ Chuẩn Kiến thức và Kỹ năng quốc gia ngang tầm quốc tế, những thầy cô giáo dạy giỏi các môn học ở các vùng miền sẽ được các nhà xuất bản hợp đồng soạn sách giáo khoa viết đúng theo Bộ Chuẩn Kiến thức và Kỹ năng nhưng áp dụng theo điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội của từng vùng miền để giáo viên các trường ở vùng miền ấy tham khảo và chọn cho học sinh mua sử dụng.
- Thứ hai là Cải tiến Chương trình học các cấp, nhất là cấp phổ thông. Song song với việc xây dựng Bộ Chuẩn Kiến thức và Kỹ năng, việc xây dựng lại chương trình học hiện đại cho các lớp ở các cấp đào tạo hàn lâm - nghiên cứu và đào tạo nghề (1) Mầm non - Mẫu giáo, (2) Tiểu học, (3) THCS, (4) THPT, và (5) Trung học chuyên nghiệp, (6) Cao đẳng chuyên nghiệp, (7) Đại học cần được Bộ GD&ĐT gấp rút tổ chức trên bình diện quốc gia, có sự tham gia của chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước. Các trường không thể tự tổ chức cải tiến chương trình học. Không thể để tồn tại chương trình học hiện tại, quá nặng nề và dàn trải với quá nhiều môn học lý thuyết mà thiếu thời gian trải nghiệm thực tế.
- Thứ ba là Đào tạo mới giáo viên - Cải tiến trường sư phạm. Cội rễ của đổi mới giáo dục là người giáo viên. Có giáo viên đổi mới sẽ có giáo dục mới. Nhưng muốn có giáo viên đổi mới phải có chương trình đào tạo giáo viên hiện đại hơn. Do đó, Bộ GD&ĐT cần khẩn trương cải tiến các trường sư phạm cũ một cách toàn diện.
Chương trình đào tạo các thầy cô giáo của thế hệ kế tiếp phải có kiến thức chuyên môn sâu và có kỹ năng dạy hiệu quả cao, phải loại bỏ các môn học ít cần thiết hoặc kém hiệu quả để dành thời lượng học môn chuyên môn và thêm thời gian để các giáo sinh thực tập giảng dạy theo phương pháp mới hơn.
Điều rất cần thiết là các trường sư phạm phải có giải pháp đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu của Chương trình mới. Song song đó là công tác bồi dưỡng, đào tạo lại cho đội ngũ nhà giáo các cấp học. Để làm sao khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thì sẽ được thông suốt trong hệ thống, từ trường sư phạm cho đến các trường học.
Trường sư phạm cũng cần phải chú ý nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ nhà giáo. Khi thầy giỏi chuyên môn, giỏi ngoại ngữ thì trò tự khắc sẽ được nâng cao năng lực, đặc biệt là giao tiếp song ngữ. Nếu không thì người Việt luôn bị “lép vế” về trình độ ngoại ngữ với dân ASEAN, dân Nam Á, dân Trung Đông, dân châu Phi, châu Âu và châu Mỹ khi hội nhập quốc tế.
- Thứ tư là Đầu tư cơ sở vật chất cho trường học. Giáo viên đổi mới khi dạy theo chương trình học đổi mới cần được hỗ trợ bởi các phòng học khang trang, phòng thực tập đủ trang thiết bị, thư viện đủ sách báo và máy vi tính nối mạng Internet. Sang thời kỳ giáo dục đổi mới chúng ta phải chấm dứt nạn dạy “chay” học “chay”, thư viện nghèo nàn cả thầy cô và học sinh đều ít, hoặc không biết, không sử dụng.
Thứ năm là Đổi mới tư duy quản lý giáo dục. Cần cải tiến tổ chức, phương pháp quản lý, nhằm phát huy sáng kiến chủ động của các cấp, từng bước khắc phục bệnh tập trung quan liêu chỉ chú trọng đầu vào mà buông lỏng đầu ra của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Cần tăng cường bộ máy thanh tra, kiểm định chất lượng đào tạo, đi đôi với mở rộng quyền tự chủ, trong khuôn khổ quy định, cho các cơ sở giáo dục, về mọi vấn đề thuộc phạm vi tổ chức, chương trình, mở ngành đào tạo, kế hoạch giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác…