Ngày 13/9, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy Sơn La và Liên Minh HTX Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bà Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội cùng Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Phùng Xuân Nhạ dự hội thảo.
Trong khuôn khổ cuộc hội thảo, ông Lê Như Xuyên - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT) đã phân tích về thực trạng và giải pháp về bồi dưỡng dự bị Đại học và Đào tạo cử tuyển ở vùng DTTS&MN.
Theo ông Lê Như Xuyên, toàn quốc hiện có 4 trường dự bị đại học (DBĐH), 1 trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ GD&ĐT có đào tạo hệ dự bị đại học và 4 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường đại học. Hiện nay các trường dự bị áp dụng 2 phương thức tuyển sinh là xét kết quả học tập, rèn luyện của 3 năm học THPT theo học bạ và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp môn.
Giai đoạn 2010-2020, có khoảng 45.000 học sinh DTTS theo học dự bị đại học (trung bình 4500 học sinh/năm). Giai đoạn từ 2010 đến 2016, tỷ lệ tuyển sinh dự bị đại học luôn đạt vượt chỉ tiêu Bộ giao (105%). Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, số lượng học sinh đăng ký vào học dự bị đại học giảm, tỷ lệ tuyển sinh dự bị chỉ đạt khoảng 70% so với chỉ tiêu giao, có trường chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu giao. Năm học 2019-2020, số lượng học sinh dự bị tại 4 trường dự bị đại học và trường phổ thông vùng cao Việt Bắc là 2.135 em.
Hàng năm, tỷ lệ học sinh theo học và hoàn thành chương trình bồi dưỡng dự bị trên 90%; hơn 95% học sinh hoàn thành chương trình dự bị đại học được phân bổ vào học đại học, chỉ có số ít học hệ cao đẳng. Năm học 2019-2020, tổng số học sinh học tại 4 trường dự bị đại học và hệ dự bị đại học của trường phổ thông vùng cao Việt Bắc là 2.135 em. Trong đó, 2.027 học sinh (95%) hoàn thành chương trình bồi dưỡng dự bị, có 2.010 học sinh (99,16%) được phân bổ vào các trường đại học, 17 học sinh (0,84%) vào học các trường cao đẳng.
Các điều kiện bảo đảm bồi dưỡng dự bị đại học được quan tâm, chú trọng. Các chế độ, chính sách cho học sinh và nhà giáo, cán bộ quản lý ở trường dự bị đại học được thực hiện khá nghiêm túc. Qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả các hoạt động giáo dục của nhà trường.
Tuy nhiên, trên thực tế, quy mô tuyển sinh dự bị đại học ngày càng giảm, chất lượng tuyển sinh chưa đồng đều giữa các trường, có nơi đầu vào còn thấp. Công tác tuyển sinh, bồi dưỡng, phân bổ học sinh dự bị vào đại học, cao đẳng chưa thật sự phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực trong mỗi ngành, nghề, lĩnh vực của các địa phương trong tương lai. Chất lượng bồi dưỡng DBĐH ở một số trường còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo của các trường đại học. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ở các trường DBĐH dân tộc được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn “Chương trình hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc ít người và vùng còn nhiều khó khăn” trong giai đoạn 2001-2005, một số công trình đã xuống cấp, thiếu đồ dùng học dạy học và một số thiết bị đã hư hỏng…
Đề xuất giải pháp trong thời gian tới, ông Lê Như Xuyên cho rằng cần thực hiện việc rà soát, sắp xếp tinh giản bộ máy tổ chức, bố trí việc làm phù hợp cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở bồi dưỡng dự bị đại học; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ.
Bên cạnh đó là việc xây dựng và ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường dự bị đại học phù hợp với tình hình mới. Xây dựng mới khung chương trình, nội dung bồi dưỡng DBĐH phù hợp theo hướng phát triển năng lực người học, tăng cường giáo dục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, công tác hướng nghiệp, bước đầu rèn luyện các kỹ năng học tập ở bậc đại học.
Ông Xuyên cũng cho rằng cần phải thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực của các địa phương, tăng cường sự gắn kết giữa địa phương - cơ sở giáo dục DBĐH - cơ sở giáo dục đại học làm căn cứ để tuyển sinh và xác định quy mô của các trường DBĐH. Đồng thời với đó là việc tăng cường đầu tư, bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm đáp ứng nhiệm vụ của các nhà trường; tham mưu ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung chế độ chính sách cho người dạy và người học trong các trường dự bị đại học.