Hội thảo do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy Sơn La và Liên Minh HTX Việt Nam đã phối hợp tổ chức. Đồng chí Tòng Thị Phóng - Phó Chủ tịch Quốc hội cùng lãnh đạo nhiều Bộ, Ngành, chính quyền các địa phương tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giải pháp căn cơ và bền vững là phải phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm ¾ diện tích tự nhiên cả nước, có vị trí chiến lược quan trọng về KT-XH, đối ngoại, đặc biệt là quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, đời sống của đại đa số đồng bào ở các khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế kém phát triển. Để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giải pháp căn cơ và bền vững là phải phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực này.
Những năm vừa qua, chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc, miền núi tuy có cải thiện nhưng cơ bản còn thấp so với các khu vực khác. Tỷ lệ nhân lực trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo còn rất thấp, trung bình mới chỉ đạt 6,2%, bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình của cả nước.
Một số nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở mức dưới 2%, thậm chí có những nhóm dân tộc thiểu số gần 100% lao động chưa qua đào tạo. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số có trình độ đại học trở lên mới chỉ đạt 3,3% (tỷ lệ chung toàn quốc là 9,3%). Đây là rào cản rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.
“Để giải bài toán này một cách căn cơ, bền vững, tôi cho rằng phải xuất phát từ quan hệ cung - cầu về nguồn nhân lực, mà trước hết phải là từ phía “cầu”. Các tỉnh trong vùng cần rà soát kỹ thực trạng nhân lực của từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực để xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân lực của tỉnh. Trên cơ sở đó, xác định xem từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực thừa/thiếu những nhân lực gì để có giải pháp tối ưu cho từng nhóm đối tượng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, có 3 nhóm giải pháp chính để giải quyết vấn đề trên. Thứ nhất, thông qua chính sách “cử tuyển”. Đây là giải pháp “truyền thống”, là một trong những chính sách quan trọng để phát triển nguồn nhân lực chất lương cao cho các vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Cũng theo Bộ trưởng, cử tuyển là cần thiết, tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của chính sách này, tránh gây lãng phí nguồn lực và ngân sách nhà nước, đối tượng cử tuyển cần được lựa chọn, giám sát chặt chẽ và chỉ nên thực hiện với con em vùng đồng bào dân tộc rất ít người, đồng thời phải gắn liền với việc bố trí công việc sau khi tốt nghiệp cho người học.
Giải pháp thứ hai là: Thông qua “đặt hàng” đào tạo, đào tạo lại. Đây sẽ là giải pháp căn cơ, hiệu quả. Những năm qua, ngành Giáo dục đã thực hiện nhiều chính sách ưu tiên trong tuyển sinh đại học cho học sinh các vùng dân tộc, miền núi như xét tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên khi tham gia tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Điều này đã tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc, miền núi có cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh trong vùng.
“Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các tỉnh trong vùng cần quan tâm tới việc đặt hàng đào tạo, đào tạo lại cho các cơ sở giáo dục đại học, trước hết là đối với các trường trong vùng. Các trường đại học trong vùng như Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Tây Bắc, Trường Đại học Tân Trào, Trường Đại học Hùng Vương có bề dày truyền thống, đa dạng ngành nghề đào tạo, trong đó có thế mạnh về đào tạo nông lâm, y dược, sư phạm, kỹ thuật… với chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao.
Các địa phương cần tính toán cụ thể nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn cụ thể và các yêu cầu đầu ra phải đạt được. Trên cơ sở đó các trường sẽ tiến hành đào tạo, đào tạo lại nhân lực cho địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động phối hợp với các trường trong quá trình đào tạo, nhất là việc tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập và làm quen với công việc của địa phương”, Bộ trưởng cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm trong vùng nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc tạo điều kiện để các trường tham gia vào Đề án như: Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025; Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT giai đoạn 2019-2030; Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”.
Bộ trưởng cho biết, các tỉnh trong vùng không nên đặt vấn đề thành lập trường đại học tại địa phương vì hiệu quả không cao, khó thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ cao. Thay vào đó, nên có các giải pháp hỗ trợ để củng cố, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học hiện có trong vùng.
Đồng thời, Bộ sẽ xem xét cho phép thành lập một số Phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở nâng cấp các trường cao đẳng sư phạm tại địa phương để đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các địa phương, trước hết là đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của các tỉnh.
Giải pháp thứ ba đó là: Thông qua việc “tạo nguồn” đào tạo có chất lượng cho các trường đại học, cao đẳng. Để thực hiện giải pháp này, các địa phương cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường trung học phổ thông chuyên của tỉnh.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 mà Quốc hội đã phê duyệt, Bộ GD&ĐT được giao chủ trì thực hiện Dự án 5 “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”.
Để thực hiện dự án này, Bộ đã hoàn thiện việc xây dựng đề án chi tiết các hạng mục hỗ trợ để đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; đầu tư bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường chưa đạt chuẩn quốc gia để đảm bảo tốt việc tổ chức dạy - học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, nội trú.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển và nâng cao chất lượng các trường trung học phổ thông chuyên ở các tỉnh miền núi, tạo nguồn đầu vào có chất lượng cho các cơ sở giáo dục đại học.
Chương trình giáo dục trong trường THPT chuyên được xây dựng từng bước theo hướng hiện đại, tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện, chuyên sâu một lĩnh vực, giỏi tin học và ngoại ngữ; phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; kỹ năng thực hành, tăng khả năng hoạt động thực tiễn.
Trường THPT chuyên của các tỉnh không chỉ phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục của địa phương, mà còn góp phần lựa chọn những học sinh có năng khiếu nổi bật vào học các chương trình đào tạo chất lượng cao của các trường đại học. Qua đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương.