Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Khuyến khích liên kết đào tạo trong nước và quốc tế

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường đại học nước ngoài liên kết đào tạo với các trường đại học trong nước và thu hút các trường đại học của nước ngoài mở chi nhánh hoặc đầu tư ở Việt Nam - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu vấn đề khi phát biểu tại Hội thảo “Chính sách giáo dục trực tuyến và nâng cao số hóa trong giáo dục” (Online and Digitally Enhanced Learning (DEL) Policy Roundtable”).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thế Đại
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thế Đại

Phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến

Đánh giá cao sáng kiến về chủ đề và phương thức tổ chức hội thảo, Bộ trưởng trao đổi, Việt Nam đang trong quá trình đổi mới kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế sâu rộng, vì vậy rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Nhu cầu này tạo ra áp lực lớn, nhưng cũng đồng thời là cơ hội để giáo dục đại học Việt Nam đổi mới và phát triển.

Để đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT Việt Nam chú trọng đầu tư phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao, một số trường đại học có điều kiện phát triển tốt ở trong nước và tham mưu cho Chính phủ thành lập các trường đại học xuất sắc hợp tác với một số nước phát triển.

Đồng thời, Bộ cũng khuyến khích các trường đại học nước ngoài liên kết đào tạo với các trường đại học trong nước và thu hút các trường đại học của nước ngoài mở chi nhánh hoặc đầu tư ở Việt Nam, trong đó có Trường Đại học RMIT Vietnam.

Với các chính sách này, những năm gần đây giáo dục đại học của Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá về chất lượng và được ghi nhận trên trường quốc tế.

Việt Nam đã có 3 cơ sở giáo dục đại học được ghi nhận trong danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế uy tín nhất; 8 cơ sở giáo dục đại học thuộc nhóm 500 trường đại học hàng đầu châu Á; trên 500 chương trình đào tạo quốc tế và liên kết quốc tế; 35 chương trình tiên tiến; giáo dục đại học Việt Nam nói chung được đánh giá xếp hạng thứ 68 trên tổng số gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Sinh viên Trường ĐH RMIT. Ảnh: Website của trường
Sinh viên Trường ĐH RMIT. Ảnh: Website của trường

Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Giáo dục

Theo Bộ trưởng, để đạt được các thành quả trên có nhiều nguyên nhân, nhiều nỗ lực của các bên, trong đó có sự đóng góp tích cực của Trường Đại học RMIT Vietnam.

RMIT Vietnam đã đào tạo gần 15.000 sinh viên tốt nghiệp, đóng góp vào nguồn nhân lực cao của Việt Nam và thế giới. Sinh viên của RMIT đến từ 34 quốc gia khác nhau, góp phần tác động lan tỏa và thể hiện sức hút ngày càng lớn của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

“Với kinh nghiệm hợp tác đào tạo với nhiều cơ sở giáo dục trong và ngoài nước, trong đào tạo trực tuyến, tôi hy vọng RMIT Vietnam sẽ tiếp tục đóng góp mạnh mẽ và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học của Việt Nam” – Bộ trưởng đề xuất, đồng thời gửi lời chúc mừng Trường Đại học RMIT với 20 năm phát triển thành công tại Việt Nam và cảm ơn sự đóng góp của nhà trường vào sự đổi mới và phát triển của giáo dục đại học Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều tiềm ẩn khó lường, hình thức dạy và học trực tuyến sẽ tiếp tục được áp dụng rộng rãi trong các cơ sở giáo dục Việt Nam.

Bộ GD&ĐT Việt Nam đã và đang ban hành các chính sách cần thiết để khuyến khích dạy và học trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Giáo dục.

“Nền giáo dục của Australia đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đào tạo trực tuyến, trực tuyến kết hợp trực tiếp, đạt chuẩn quốc tế. Tôi mong muốn Australia và Trường Đại học RMIT nói riêng sẽ tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác, hỗ trợ về học liệu, kết nối các bên liên quan để phát triển hình thức đào tạo này ở các cơ sở giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng ở Việt Nam” –Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, Hội thảo này là cơ hội tốt để các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục thông qua hình thức đào tạo ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số với sự đóng góp từ các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ khẳng định mục tiêu phù hợp của Việt Nam khi thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục, từ đó tiếp cận nhanh và bền vững với những tiến bộ, xu thế mới nhất trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam và thế giới.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.