Cân bằng trắc nghiệm, tự luận

GD&TĐ - Kiểm tra, đánh giá là khâu quan trọng, tác động lớn đến quá trình nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Trong các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập học sinh, đề kiểm tra vẫn là công cụ phổ biến.

Liên quan đến biên soạn đề kiểm tra, năm 2010, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 8773/BGDĐT-GDTrH, trong đó nêu rõ quy trình, cách thức xây dựng ma trận và các hình thức câu hỏi kiểm tra đánh giá theo các cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; giúp cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức được yêu cầu của đề kiểm tra không phải là ghi nhớ kiến thức mà để đánh giá các mức độ năng lực học sinh.

Năm 2020, trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, Bộ GD&ĐT yêu cầu các tổ chuyên môn xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá định kỳ của các môn học ở từng khối lớp với ngân hàng câu hỏi tự luận và câu hỏi trắc nghiệm khách quan.

Triển khai Chương trình GDPT 2018, đánh giá học sinh được thực hiện theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT. Trong đó quy định đánh giá định kỳ (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ, được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Đối với bài kiểm tra đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình GDPT.

Có thể thấy, nếu như các bài kiểm tra, đánh giá trước đây thường đặt nặng trọng số vào ghi nhớ nội dung kiến thức thì nay hướng dẫn thiết kế ma trận đề kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã đưa ra đủ cấp độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng bậc cao. Việc xác định tỷ lệ câu hỏi, bài tập theo các cấp độ trên sẽ căn cứ vào mức độ phát triển năng lực của học sinh. Bộ GD&ĐT cũng lưu ý kết hợp hợp lý giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và thực hành trong các bài kiểm tra...

Tuy nhiên, trên thực tế, đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT với các bài thi đều theo hình thức trắc nghiệm (trừ Ngữ văn), đề kiểm tra của nhà trường cũng dần ưu tiên theo hướng này nhằm giúp học sinh làm quen, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi quan trọng. Thực tiễn tập huấn triển khai kiểm tra, đánh giá theo Chương trình GDPT 2018 cũng chủ yếu tập trung vào thiết kế ma trận, đề thi, viết câu hỏi trắc nghiệm

Bên cạnh đó, sự phát triển của lý thuyết khảo thí hiện đại, tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin cũng khiến các dạng thi trắc nghiệm chiếm ưu thế hẳn so với thi tự luận trong kỳ thi quy mô lớn… Bởi vậy, học sinh cùng với việc hình thành thói quen, kỹ năng với đề trắc nghiệm, khó tránh khỏi ảnh hưởng đến kỹ năng làm bài tự luận.

Có lẽ bởi vậy, Bộ GD&ĐT đưa ra ma trận đề kiểm tra định kỳ (mang tính chất tham khảo) trong Công văn 7991/BGDĐT-GDTrH ngày 17/12/2024 với 2 phần: Trắc nghiệm khách quan (chiếm 7/10 điểm) và tự luận (chiếm 3/10 điểm). Ma trận này nhận được sự đồng tình của giáo viên, nhà trường, bởi hình thức tự luận và trắc nghiệm đều có ưu/nhược điểm riêng cần phát huy/khắc phục. Các nhà trường cũng sẵn sàng triển khai ma trận đề kiểm tra mới từ học kỳ II năm học này.

Cũng cần lưu ý rằng, quan điểm của Bộ GD&ĐT là trao quyền tự chủ, tăng quyền chủ động nhiều hơn nữa cho giáo viên, trong đó có việc ra đề kiểm tra định kỳ; nên vận dụng thiết nghĩ cần linh hoạt, tránh rập khuôn, máy móc.

Việc quan trọng cần làm của nhà trường, ngành Giáo dục là tổ chức biên soạn các ngân hàng câu hỏi, đề thi, nhiệm vụ học tập và những công cụ đánh giá có chất lượng; cung cấp tài liệu, tài nguyên hỗ trợ cho giáo viên để thực hiện các phương pháp kiểm tra, đánh giá đa dạng, bao gồm ví dụ về các bài tập, bài kiểm tra mẫu...

Từ đó, thực hiện thành công sự chuyển dịch mục đích, nguyên tắc đánh giá, từ phân loại chính xác kết quả học tập sang đánh giá sự tiến bộ, vì sự tiến bộ của học sinh về phẩm chất, năng lực theo Chương trình GDPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ