Kiểm tra, đánh giá học sinh: Công khai quy chế từ đầu năm học

GD&TĐ - Công tác xây dựng quy chế kiểm tra, đánh giá học sinh được trường học tại TPHCM xây dựng, triển khai từ đầu năm học với đa đạng hình thức.

Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp). Ảnh: M.A
Tiết học của học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp). Ảnh: M.A

Đa dạng hình thức

Từ đầu tháng 9/2024, Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức) công khai quy chế kiểm tra, đánh giá học sinh trên cổng thông tin điện tử. Ban giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm triển khai phổ biến các quy định, quy chế kiểm tra, đánh giá, cung cấp các thông tin về việc kiểm tra, đánh giá cho phụ huynh nắm trong buổi họp đầu năm, đồng thời thông tin cho học sinh trong các buổi tập trung. Ngoài ra, thầy cô thông tin bằng văn bản cho phụ huynh thông qua nhóm Zalo của lớp.

Cô Vũ Thị Minh Hiếu - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Định Của cho biết, từ tháng 8/2024, nhà trường xây dựng kế hoạch tổ chức kho dữ liệu câu hỏi, hướng đến việc tổ chức các cuộc thi online trên hệ thống K12Online nhằm tạo cho học sinh sân chơi đồng thời củng cố kiến thức. Trong năm học này, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, quản lý.

“Nhà trường bước đầu triển khai hệ thống quản lý hồ sơ, văn bản điện tử, quản lý thư viện, quản lý thiết bị... đồng bộ trên hệ thống trường học số. Cùng đó, trường tiếp tục thực hiện bài giảng điện tử kết hợp với giảng dạy trực tiếp. Đặc biệt, giáo viên tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra trên hệ thống K12Online”, cô Hiếu cho hay.

Trước khi bước vào năm học 2024 - 2025, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) đã ban hành quy chế kiểm tra, đánh giá dựa trên hướng dẫn của Sở GD&ĐT TPHCM và Thông tư 22/2021 của Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT. Dù hình thức và số lần kiểm tra theo tinh thần Thông tư 22 nhưng riêng bố cục, định dạng đề kiểm tra được bám theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Theo cô Phó Hiệu trưởng Trần Thị Minh Đức, việc làm này giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề mới từ lớp 10 để đến thời điểm cuối cấp học, các em sẽ không bỡ ngỡ. Trước đó, trong dịp hè, nhà trường biên soạn đề cương, tài liệu bám theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Giáo viên lên kế hoạch kiểm tra bao nhiêu phần trắc nghiệm, tự luận cụ thể. Nhà trường cũng xác định giai đoạn đầu sẽ gặp phải khó khăn nhất định nhưng thầy cô đều đồng lòng và nỗ lực thực hiện.

Năm học 2024 - 2025 là năm đánh dấu cho thế hệ đầu tiên thi chuyển cấp vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới. Do đó, thầy Võ Minh Nghĩa - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10) nhìn nhận, việc định hướng ôn tập và xây dựng, thiết kế các đề kiểm tra, đánh giá ngay trong lớp học là yêu cầu cấp thiết mà giáo viên phải hiểu thật rõ để hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập.

“Với lớp 12, Bộ GD&ĐT đã ban hành đề minh họa cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, giúp người học và dạy định hướng được việc ra đề kiểm tra. Do đó, giáo viên nên giúp các em làm quen với cấu trúc mới, tất nhiên hoạt động này phải được tổ chức một thời gian, không gian hợp lý hơn như các buổi ôn tập, thi thử…”, thầy Nghĩa chia sẻ và cho rằng:

Chủ trương linh hoạt trong các kỳ đánh giá thường xuyên hiện nay là đúng đắn. Đa dạng hình thức kiểm tra thường xuyên là dịp để học sinh trau dồi thêm nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, dựng video, sáng tác… Tuy nhiên, khi thực hiện việc này đừng nên “quá đà” dẫn đến quá tải cho các em và hơn hết gây áp lực không đáng có.

kiem-tra-danh-gia-hoc-sinh-2-247.jpg
Tiết học của học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Quận 10). Ảnh: M.A

Không so sánh giữa học sinh

Đối với cấp tiểu học, các trường đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh mà không theo bất kỳ “công thức” hay khuôn mẫu nào. Theo tinh thần Thông tư 27/2020 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học, việc này đã và đang được giáo viên áp dụng linh hoạt, từ đó tạo nên môi trường học tập hào hứng, sáng tạo, phát huy vai trò trung tâm của học sinh.

Thầy Nguyễn Văn Tới - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) chia sẻ: “Giáo viên đều hài lòng với sự linh hoạt trong đánh giá thường xuyên theo tinh thần Thông tư 27. Bởi thầy, cô có thể sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá, nhưng chủ yếu thông qua lời nói, dùng sự mềm mỏng để chỉ ra cho học sinh chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa.

Ngoài ra trong quá trình giảng dạy, giáo viên thực hiện đánh giá thường bằng lời hoặc ghi nhận xét vào vở hằng ngày, không cho điểm. Quan điểm của nhà trường là thầy cô đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, không so sánh em này với em khác”.

Giáo viên cần coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh. Qua đó, các em được phát huy tất cả khả năng, đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan; không so sánh học sinh này với học sinh khác, không tạo áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh. Nhấn mạnh yêu cầu, ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: Giáo viên cần nhận thức được việc đánh giá toàn diện thông qua mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng và một số biểu hiện năng lực, phẩm chất của học sinh.

Đánh giá kết quả giáo dục học sinh được kết hợp cả định kỳ và thường xuyên. Giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kỹ năng để đánh giá định kỳ về kết quả học tập một cách chính xác, công bằng, khách quan đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo 4 mức độ: Hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành; từ đó ghi nhận và coi trọng quá trình tiến bộ của từng học sinh.

Trong đánh giá học sinh, giáo viên cần tăng cường việc đánh giá thường xuyên qua lời nói, nhận xét tập vở, sản phẩm học tập, thông tin trao đổi với cha mẹ học sinh bằng các hình thức phù hợp… để có biện pháp giúp đỡ, động viên học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện và phát triển năng lực, phẩm chất. Từ đó, hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời, thúc đẩy sự tiến bộ của học trò theo mục tiêu giáo dục.

Trong hướng dẫn các trường về tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh từ năm học 2024 - 2025 ban hành giữa tháng 8/2024, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu hiệu trưởng có trách nhiệm phổ biến thông tư, quy định, quy chế kiểm tra, đánh giá và cung cấp thông tin về việc kiểm tra, đánh giá cho học sinh, phụ huynh.

Các thông tin về kiểm tra, đánh giá học sinh công khai trên cổng thông tin điện tử của nhà trường từ đầu năm học. Trong đó công khai cho học sinh biết số lần, hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm máy tính trong tổ chức, quản lý và thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh phải được thực hiện công bằng, minh bạch và đúng quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ