Cảm phục những nữ giáo viên cắm bản nơi lũ dữ

GD&TĐ - Cô và trò ở điểm trường Sa Ná, Cha Khót, Ché Lầu... xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) đang hối hả chuẩn bị đón ngày khai giảng. Cùng với bộn bề khó khăn của vùng khó, đội ngũ nữ giáo viên cắm bản ở đây luôn đối mặt với bao gian nan, vất vả.

Dân bản khiêng xe qua suối giúp cô giáo Vi Thị Chuyên và Hà Thị Hằng. Ảnh: T.g
Dân bản khiêng xe qua suối giúp cô giáo Vi Thị Chuyên và Hà Thị Hằng. Ảnh: T.g

10 năm chờ… biên chế

Nằm sâu hun hút giữa núi rừng bạt ngàn, lại bị ngăn cách bởi dòng sông Luồng, điểm trường Son – Sa Ná, xã Na Mèo, huyện vùng cao biên giới Quan Sơn vừa trải qua một trận “đại hồng thủy”. Điểm trường kiên cố bị dòng nước lũ hung dữ xô sập, tan tành khiến cô và học trò nơi đây phải học tạm trong những căn phòng lắp ghép và đang phải “gồng mình lên” chống chọi với bao khó khăn, vất vả để đón năm học mới.

Đến Sa Ná, nghe nhiều người nhắc đến thân phận của những nữ giáo viên “cắm bản”, khiến tôi không thể ngồi yên. Người đầu tiên tôi gặp, đó là cô giáo Nguyễn Thị Tiếm (34 tuổi), ở điểm trường Tiểu học bản Son - Sa Ná. Gặp cô giáo Tiếm trong lúc ra điểm tiếp nhận hàng cứu trợ ở đầu bản Sa Ná. Gương mặt sạm đen, đôi mắt thâm quầng, ánh nhìn xa xăm… khiến cô già hơn tuổi 30 của mình.

Nhắc đến chuyện đời, chuyện nghề, cô Tiếm không kìm nén được nỗi xúc động chứa đựng trong lòng mình. Cô kể: Trận lũ kinh hoàng xảy ra ngày 3/8 đã cướp mất đứa con trai chưa đầy 3 tháng tuổi. Chồng cô – anh Hoàng Xuân Luyến (45 tuổi) bị nước lũ cuốn đi, quăng quật đến nỗi gãy xương sườn và dập cả thận. Còn ngôi nhà, tài sản hai vợ chồng tích cóp bao năm trời, với bao mồ hôi, công sức cũng bị dòng lũ dữ cuốn đi.

Cô giáo Vi Thị Chuyên ân cần chỉ dạy cho học sinh của mình ở lớp học tại bản Cha Khót. Ảnh: T.G
 Cô giáo Vi Thị Chuyên ân cần chỉ dạy cho học sinh của mình ở lớp học tại bản Cha Khót. Ảnh: T.G

“Hôm ấy, khi nước lũ tràn về, tôi vội bế đứa con lớn 18 tháng tuổi chạy lên đồi cao, còn chị dâu là Lò Thị Quản chạy lên gác nhà sàn để bế con trai thứ hai của tôi. Thế nhưng, cả hai chưa kịp ra ngoài thì nước ập xuống, cuốn phăng cả ngôi nhà lẫn hai bác cháu đi. Cùng thời điểm ấy, anh Luyến cũng đang dọn đồ đạc ở trên gác để chạy ra, nhưng không kịp. Anh bị nước lũ cuốn trôi ra sông Luồng. Khi đến địa phận bản Bo Hiềng, mới được bà con cứu vớt. Đến bây giờ, tôi cũng chưa biết con trai bé bỏng của mình ở đâu. Còn thi thể chị dâu đã tìm thấy”, vừa kể, cô Tiếm vừa khóc nghẹn.

Nước rút, chị ôm đứa con gái 18 tháng tuổi trở về, toàn bộ ngôi nhà của hai vợ chồng chỉ còn lại cái nền trơ trọi. Tài sản của hai mẹ con là bộ quần áo đang mặc trên người. Mất con, mất người thân, nhà cửa khiến người phụ nữ ấy như rơi vào vô định, quỵ ngã.

Nữ giáo viên thứ hai chúng tôi tìm gặp là cô giáo Lương Thị Long. May mắn hơn cô giáo Tiếm, trận lũ không cướp đi người thân, nhưng mọi tài sản của gia đình cô Long đã hòa vào dòng nước dữ.

Chia sẻ về nỗi truân chuyên trong những năm công tác ở điểm trường Sa Ná, cô Long bảo: “Hai chị em chúng tôi (cô Tiếm và cô Long) cùng dạy ở điểm trường Sa Ná từ năm 2010 đến nay. Dù công tác trong ngành ngót nghét chục năm trời, mà vẫn chưa được xét vào biên chế. Vì thế, mỗi tháng lương của hai chị em chỉ được mỗi người hai triệu đồng. Cuộc sống vô cùng khó khăn”.

Năm 2010 - 2012, cô giáo Nguyễn Thị Tiếm và Lương Thị Long được Trường Tiểu học Na Mèo nhận vào dạy hợp đồng. Từ cuối năm 2012 - 2016, hai cô được UBND huyện Quan Sơn ký hợp đồng, với mức lương 1,86% và ăn lương theo hệ số bậc, ngạch. Thế nhưng, từ cuối năm 2016 đến nay, cả hai cô bị huyện cắt hợp đồng và quay về dạy hợp đồng với nhà trường. “Mong cấp trên quan tâm, xem xét, tạo điều kiện cho hai chị em được ưu tiên xét tuyển vào biên chế, để mỗi tháng có đồng lương trang trải cuộc sống”- cô giáo Tiếm đề nghị.

Chập chùng “gieo chữ” vùng cao

Cô giáo Nguyễn Thị Tiếm không cầm được nước mắt khi kể chuyện của mình. Ảnh: T.G
Cô giáo Nguyễn Thị Tiếm không cầm được nước mắt khi kể chuyện của mình. Ảnh: T.G

Dù không bị lũ quét như ở Sa Ná, nhưng bản Cha Khót, xã Na Mèo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt mưa lũ vừa qua, khiến cô và trò vất vả ngược xuôi chuẩn bị cho ngày khai giảng sắp tới. Tại điểm trường này, có hai nữ giáo viên cắm bản. Đó là cô giáo Vi Thị Chuyên và Hà Thị Hằng. Từ điểm trường chính (xã Na Mèo) đến bản Cha Khót gần 20km. Những ngày nắng ráo còn đỡ vất vả, ngày mưa hai cô giáo như đánh vật với bùn đất, lầy lội trên cung đường rừng ấy.

Thầy giáo Chung Trường Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo, cho biết: “Năm học mới này, điểm trường Cha Khót có 25 học sinh chia thành 2 lớp, gồm 1 lớp 2 trình độ (lớp 1 - 3) và 1 lớp 3 trình độ (lớp 2 - 4 và 5). Cha Khót là điểm trường xa xôi, hẻo lánh, đường đi lại khó khăn, nên việc hai giáo viên nữ phải vào cắm bản lại càng thêm vất vả. Dẫu biết rằng, nếu có giáo viên nam vào cắm bản thì đỡ nhọc nhằn hơn cho các cô giáo. Thế nhưng, nhà trường đang thiếu giáo viên so với định biên của trường chuẩn quốc gia, nên ban giám hiệu phải bố trí giáo viên nữ vào khu lẻ như vậy. Cũng may, phụ huynh học sinh ở các điểm trường lẻ đều quý mến thầy, cô nên sẵn sàng giúp đỡ GV cắm bản”.

Được biết, nhà cô Chuyên và cô Hà cách điểm trường này gần trăm cây số. Vì thế, hàng tuần, nếu trời không mưa gió thì hai cô tranh thủ về với tổ ấm của mình vào cuối tuần. Còn gặp thời tiết không thuận, có đợt các cô phải ở lại điểm trường cả tháng.

“Đợt mưa lũ vừa rồi, phòng ở bị thấm dột. Hai chị em phải nhờ phụ huynh học sinh đến sửa sang, che chắn lại mới có nơi ngủ. Nhưng khổ nhất là không có nước sinh hoạt, do mưa lũ làm cho bể nước của trường bị hỏng. Hằng ngày, hai chị em phải dùng can đi xách nước về sử dụng. Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, vấn đề vệ sinh cũng khốn khổ. Do điểm trường Cha Khót chưa có nhà vệ sinh cho giáo viên và học sinh. Vì thế, cả cô giáo lẫn học trò phải đi nhờ nhà vệ sinh tại nhà văn hóa bản” - cô Chuyên trải lòng.

“Dù biết rằng khó khăn, vất vả nhưng hai chị em chúng tôi vẫn luôn tự động viên, bảo ban nhau cùng cố gắng. Đợt mưa lũ vừa qua, con đường vào bản bị sạt lở nặng nề, hai chị em phải nhờ bà con dân bản đưa xe qua suối giúp. Khi vào được đến trường, chúng tôi cũng phải nhờ phụ huynh của học sinh ra giúp đỡ dọn dẹp lớp học và cả phòng ở của hai chị em” - cô Chuyên tâm sự.

Trước đây, cô Chuyên và cô Hà đều dạy ở Trường Tiểu học Trung Hạ, sau đó được điều động lên công tác ở Trường Tiểu học Na Mèo và vào phụ trách khu Cha Khót. Hơn 2 năm trôi qua, cô giáo Vi Thị Chuyên và Hà Thị Hằng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để gieo chữ ở vùng xa xôi, hẻo lánh ấy. Với họ, mỗi lần lên lớp truyền đạt kiến thức cho học trò là một lần vượt qua thử thách. Bởi, ở Cha Khót hiện nay đến sóng điện thoại cũng chập chờn, chứ chưa nói đến các điều kiện khác.

Đem chuyện thân phận của những nữ giáo viên cắm bản ở Na Mèo kể với ông Vũ Văn Đạt – Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn. Ông nói: Trường hợp của những nữ giáo viên cắm bản ở Na Mèo, đặc biệt là hai cô giáo Nguyễn Thị Tiếm và Lương Thị Long, huyện đã nắm được thông tin.

“Sau khi trận lũ lịch sử quét qua bản Sa Ná, chúng tôi mới biết về hoàn cảnh cô giáo Nguyễn Thị Tiếm vô cùng bi đát. Lũ tràn qua cuốn trôi mất con trai, chị dâu, nhà cửa và tài sản, còn chồng thì bị gãy xương sườn, dập thận đang phải điều trị. Trong khi đó, cô giáo Tiếm và cô Long là hai nữ giáo viên đã dạy ở điểm trường Sa Ná từ năm 2010. Hiện nay, hai cô giáo này đang phải dạy hợp đồng cho nhà trường, nên đồng lương mỗi tháng chỉ có 2 triệu/người. Trước những hoàn cảnh, điều kiện thực tế như vậy, tới đây UBND huyện sẽ ưu tiên cho hai cô giáo tham gia vào đợt xét tuyển viên chức của ngành Giáo dục huyện, để các cô có thể yên tâm gắn bó với nghề và dần ổn định cuộc sống”, chủ tịch huyện thông tin.

Chia tay với các cô giáo cắm bản ở Sa Ná và Cha Khót, tôi cảm thấy ấm lòng hơn, khi nghe thông tin từ vị chủ tịch UBND huyện Quan Sơn. Bởi lẽ,  người đứng đầu chính quyền địa phương đã và đang quan tâm đến thân phận, đời sống của những nữ giáo viên cắm bản. Và, tôi hy vọng, với sự quan tâm của chính quyền địa phương như lời tâm sự của Chủ tịch Vũ Văn Đạt, trong thời gian tới, cô giáo Tiếm, cô giáo Long và nhiều giáo viên khác nữa sẽ được huyện ưu tiên xét tuyển, để họ yên tâm cống hiến sức lực, trí tuệ cho ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.