Trăm sự đều nhờ cô giáo
Đi ngược huyện miền núi Thanh Sơn khoảng 30 km, men theo con đường mòn xuyên qua những quả đồi là đến Tân Minh - xã đặc biệt khó khăn với hơn 90% là người dân tộc Mường, hơn 60 % là hộ nghèo. Con đường đến với cánh cửa tri thức của học sinh nơi đây chưa rộng mở vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Công tác tại ngôi trường ở xã đặc biệt khó khăn, công việc của cô Thu và đồng nghiệp không chỉ đơn thuần là lên lớp dạy học, chấm bài, giáo án... Câu chuyện của cô giáo trẻ còn rất nhiều những trăn trở, thương trò đến day dứt bởi bố mẹ các em còn vất vả với cuộc sống mưu sinh, rất ít quan tâm, chăm lo đến việc học tập của các em.
Cô Thu kể: Nhiều phụ huynh khi được hỏi không biết con mình học lớp nào; nhiều em đến lớp, sách vở, đồ dùng không đầy đủ. Mỗi lần đi tập huấn dưới huyện, nhìn học sinh ở những trường hạ huyện, thấy thương hơn học sinh của mình. Sáng đến trường, nhiều em nhịn ăn sáng, không phải vì các em không thích ăn mà vì không có gì để ăn.
Từ trải nghiệm tuổi thơ đầy khó khăn, sự nung nấu phải học để thoát nghèo, để thành cô giáo giúp đỡ những đứa trẻ có tuổi thơ đồng cảnh, cô giáo cắm bản luôn tìm mọi cách giữ học sinh đến trường. Hơn 10 năm trong nghề, khó nhớ hết những chuyến đi của cô Thu đến tận nhà học sinh để vận động các em đến với lớp, tiếp tục học con chữ. Trong những chuyến đi đó, tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của học trò, cô càng quyết tâm hơn, gắn bó với trò nghèo hơn.
“Cuối năm học 2016-2017, khi đến vận động học trò trong khu lẻ đi học, trong cái nắng 36-37 độ giữa mùa hè, tôi thấy mẹ, bà học sinh vẫn dùng quạt nan. Hỏi sao không cắm quạt điện cho mát, bà bảo: Nhà không có quạt điện cô ạ. Rồi mùa đông, những hôm trời lạnh 10 độ C, nhiều học sinh vẫn chân trần đến lớp.
Khó khăn vậy, nên việc học tập của các em “trăm sự nhờ cô giáo”. Cũng giống như nhiều trường vùng cao khác, học sinh tiểu học Tân Minh rất rụt rè, nhút nhát, khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động của lớp, của trường.
Rồi một số em nghỉ học nhiều, là giáo viên chủ nhiệm, ngoài việc giảng dạy ở trường còn thường xuyên đến gia đình để động viên, khuyên khích các em đi học. Trong quá trình giảng dạy, vốn từ của học sinh còn ít, khó khăn trong giao tiếp và truyền thụ kiến thức” – cô Minh Thu chia sẻ.
Thuận lợi ít, khó khăn nhiều, cô Thu cho biết đôi lúc cũng cảm thấy nản. Nhưng, suy nghĩ đó chỉ thoáng qua; bởi chỉ cần nhìn ánh mắt thơ ngây của học sinh, nghĩ đến nụ cười vô tư, hồn nhiên của các em mỗi khi được đến trường; nghĩ đến những phút giây hạnh phúc khi các em biết đọc, biết viết, biết làm toán, cô lại tự hứa mình phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để đem đến nhiều niềm vui hơn cho các em.
Hạnh phúc là “Giáo viên trẻ cắm bản tiêu biểu”
Tâm sự về nghề, cô Thu nhớ lại tuổi thơ đầy nước mắt, nhiều mùa đông không đủ chăn để đắp, không đủ áo để mặc; nhiều bữa mâm cơm chỉ có bát canh rau với muối trắng; cuộc sống gắn liền với nương dãy, với núi rừng nhiều hơn là trường lớp, thầy cô, bạn bè. Ước mơ làm cô giáo được ấp ủ trong những năm tháng khó khăn, vất vả đó.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Hùng Vương, cô Tạ Thị Sơn Minh Thu được điều động về nhận công tác tại Trường tiểu học Tân Minh.
Cô nhớ lại: Bạn bè ai cũng mừng cho tôi: “Bạn sướng nhé, được về dạy trường nhà”. Câu nói đó vừa động viên, vừa để lại trong tôi rất nhiều trăn trở. Làm sao dạy tốt được đây? Làm sao để các em học sinh và phụ huynh tin tưởng, quý mến? Làm sao để giúp các em học sinh khó khăn có một tuổi thơ trọn vẹn hơn?
Những trăn trở này được cô giáo trẻ biến thành hành động cụ thể, với yêu cầu khắt khe cô tự đặt ra cho bản thân: Người giáo viên tốt phải hội tụ đủ 4 chữ “Tâm - Đức - Tài - Nhẫn”.
Nữ giáo viên cắm bản cho rằng: Chữ “Tâm” với nghề giáo là không thể thiếu. Người thầy tâm huyết với nghề mới có hứng thú, say mê chăm chút từng bài giảng, từng nội dung tiết giảng; mới thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung nội dung và phương pháp giảng dạy để đem lại hiệu quả cao nhất cho học sinh.
Chữ “Tài” thể hiện tài năng về trí tuệ và tài năng nghiệp vụ sư phạm. Chữ “Đức” thể hiện ở sự hi sinh vô tư “tất cả vì học sinh thân yêu”, giúp đỡ người học một cách chân thành, không vụ lợi, không phân biệt đối xử; giúp đỡ không có nghĩa là cho thành tích cao, dễ dãi đối với người học trong học tập…
Còn “Nhẫn” là một trong những bài học răn dạy con người tu tâm dưỡng tính. Và có lẽ, nhà giáo là người cần trau dồi nhiều hơn chữ “nhẫn” để giữ nghề, tồn tại với nghề.
Với những điều nằm lòng ấy, 12 năm, từ buổi bỡ ngỡ khi đứng trên bục giảng, cô Tạ Thị Sơn Minh Thu đã trở thành một giáo viên uy tín, giàu năng lực. Lớp do cô chủ nhiệm luôn đi đầu trong trường về chất lượng, các hoạt động và phong trào thi đua. Sau 3 lần đoạt giải giáo viên dạy giỏi cấp huyện, năm học 2015 – 2016, cô mang về giải đặc biệt xuất sắc trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp tỉnh. Năm 2016, cô được Hội liên hiệp thanh niên tỉnh Phú Thọ tặng danh hiệu “Giáo viên trẻ cắm bản tiêu biểu’’.
Nhưng, không phải giải thưởng, thành quả lớn nhất trong 12 năm qua của cô giáo miền núi là sự tin tưởng, quý mến của học sinh và phụ huynh; là ước mơ, lý tưởng từ thuở ấu thơ đã trở thành hiện thực.