(GD&TĐ) - Những ngày giáp tết, xung quanh những khu vực có nhiều sinh viên như đường Láng, đường Hồ Tùng Mậu, đường Bạch Mai... người ta có thể dễ dàng gặp sự nhộn nhịp của những hiệu cầm đồ với sự góp mặt của rất nhiều sinh viên chuẩn bị về quê ăn Tết.
Các hiệu cầm đồ mọc san sát trên đường Láng |
Trước khi về nghỉ Tết, nhiều sinh viên ngoại tỉnh rất khó khăn để tìm chỗ để gửi đồ. Mang về quê thì cồng kềnh, để ở nhà trọ hoặc kí túc xá thì lo trộm, gửi nhà bạn bè, người quen cũng không ổn vì nhiều người không muốn tiếp nhận những thứ đồ lỉnh kỉnh đó, nhất là dịp năm mới. Nhiều sinh viên ngoại tỉnh đã phải chọn phương án gửi những đồ đạc có giá trị như máy tính, xe đạp, xe máy ở hiệu cầm đồ, vừa có chỗ gửi đồ, lại vừa có tiền tiêu tết.
Dọc đường Láng dài hơn 4km, có tới hàng trăm hiệu cầm đồ lớn nhỏ với những quảng cáo hấp dẫn: thủ tục nhanh, lãi suất thấp, uy tín. Đây có lẽ là đoạn đường có nhiều hiệu cầm đồ nhất tại Hà Nội thời điểm hiện tại. Một chủ một hiệu cầm đồ ở đây cho biết: Gần Tết, sinh viên đến cầm đồ, thực chất là họ gửi đồ rất đông. Lãi suất dành cho sinh viên chỉ 0,3-0,4%, tức là nếu lấy 1 triệu đồng, thì mỗi ngày trả lãi 4.000 đồng. Nếu quá thời hạn không đến lấy đồ và không liên lạc xin gia hạn thì chủ hiệu sẽ thanh lý món đồ đó.
Hiện nay, vật để cầm đồ của sinh viên đa phần là xe máy, xe đạp, máy tính và điện thoại di động. Cũng có nhiều sinh viên cắm các loại giấy tờ tùy thân chứng minh thư, giấy phép lái xe, thẻ SV nhưng không nhiều và giá trị cầm đồ cũng không cao. Tuy nhiên, cũng có người cắm cả những giấy tờ thiết yếu đó bởi chỉ cần trên dưới 100.000 đ thì cũng đủ để họ mua được vé tàu xe về quê.
Nhiều "mặt hàng" cầm đồ liên quan mật thiết đến sinh viên như xe đạp, điện thoại, máy tính, laptop... |
Hiện nay, nhiều cửa hàng cầm đồ đã thêm chữ "lịch sự" vào sau biển hiệu, có nghĩa là họ khẳng định đồ đạc của người gửi sẽ được giữ nguyên, không bị thay đổi hay thay thế phụ tùng, và thanh toán sòng phẳng, đúng hẹn. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp các bạn sinh viên sau khi lấy đồ mới phát hiện ra rằng đồ đạc của mình, nhất là xe máy và máy tính đã bị thay thế nhiều chi tiết đáng giá. Tuy trưng biển “Cầm đồ lãi suất thấp, thủ tục nhanh” nhưng những ngày này các chủ hàng tự động tăng giá lãi suất lên gấp nhiều lần so với ngày thường.
Những ngày giáp tết, lượng khách sinh viên đi cầm đồ tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Ngày thường thì chỉ những bạn sinh viên có máu mặt, quen cầm cố đồ đạc để tiêu xài mới có gan chui vào những hiệu cầm đồ. Còn đến ngày tết, những bạn sinh viên khác mới dám gửi những vật dụng gắn bó với mình vào trong hiệu cầm đồ để không mất công mang vác xa xôi. Chị Thủy, chủ một hiệu cầm đồ cho biết, cũng thời điểm này năm ngoái, hiệu nhà chị phải đóng cửa sớm không dám nhận thêm đồ quá chật chội không biết để đâu cho vừa.
Kim Anh