“Em không nói anh sai, nhưng cũng không khẳng định anh đúng. Anh có quan điểm của anh, em cũng có góc nhìn của em. Nhưng em không đồng ý cách anh mắng em như vậy”.
Thanh Nguyễn (25 tuổi, nhân viên truyền thông) nhớ lại những dòng chữ gay gắt gửi đến sếp. Cô tức giận vì bị nói "làm việc không ra gì, thua cả mấy đứa mới vào làm".
Viết những dòng này khi ngồi trong công ty, Thanh tự nghĩ đây có lẽ là lần gõ phím mạnh nhất từ khi cô biết dùng máy tính. Những tiếng cộc cộc liên tục vang lên giữa văn phòng im ắng bỗng chói tai đến lạ thường.
Gương mặt cô cũng không tốt hơn là bao. "Liệu sau những dòng chữ tranh cãi như này, mình có bị đuổi việc hay không", cô nhân viên truyền thông tự nghĩ.
Quyết định xin nghỉ buổi làm việc chiều, Thanh tắt máy, đi về.
Từ trải nghiệm của chính mình và chia sẻ của bạn bè, cô biết phần lớn nhân viên sau khi cãi nhau với sếp đều không biết giải quyết thế nào.
Tuy nhiên, Thanh đồng ý với việc sau khi "bật lại", cô cảm thấy thoải mái hơn nhiều so với việc im lặng ôm cục tức.
Để làm gì?
Trên đường về, Thanh tranh thủ tấp vào cửa hàng xách tay mua vài lọ mỹ phẩm. Tới nhà, cô tranh thủ dọn dẹp, hẹn hò “đám cạ cứng” đi pub thư giãn.
Đống hồ sơ khách hàng chưa xử lý xong, cô không quan tâm. Bài PR sửa còn dang dở - nguyên nhân châm ngòi “chiến tranh lạnh” giữa cô và sếp - dẹp qua một bên.
Thế nhưng, 12h đêm, sau khi thỏa cơn giận, Thanh mới biết “sợ” và cảm thấy lời nói, hành động của mình lúc chiều có gì đó không đúng lắm.
Tắt wifi (vì sợ sếp biết mình đã xem), cô bấm vào phần tin nhắn. Thanh “choáng” vì những dòng chữ dày đặc được gửi đến, cô đếm phải gần 20 dòng.
Khác với suy nghĩ của Thanh, sếp không gắt gỏng.
"À có! Gắt gỏng trong những câu nói thâm sâu, khó lường", Thanh kể.
Cãi nhau, đấu khẩu với sếp, đến cuối cùng người thiệt vẫn là mình. Ảnh: Observer.
“Anh là người đi trước, chưa chắc anh đúng 100%, nhưng chắc là anh nắm tâm lý khách hàng rõ hơn em, biết họ cần gì”.
“Em còn trẻ, nên lắng nghe nhiều hơn là nói cho ‘đã nư’ (giải quyết cơn giận)”.
“Lúc đấy, mình muốn trình bày rõ hơn với sếp nhưng lại thiếu can đảm. Mình cũng không biết làm gì sau đó", cô bạn nói.
Cuối cùng, cô lấy hết dũng cảm, trả lời.
Sau vài tin nhắn qua lại, hai người tạm xem như giải hòa.
Sau đó thì sao? Cô cũng phải giải quyết lại đống công việc theo ý sếp.
“Khi trải qua cảm giác cãi nhau với sếp, mình mới nhận ra một điều: Đến cuối cùng, bạn cũng phải thực hiện theo ý cấp trên. Cãi nhau ư? Để làm gì? Gặp sếp tốt, họ không để bụng và tiếp tục đồng ý làm việc với bạn. Nhưng nếu ngược lại? Chuyện bị làm khó hoàn toàn có thể xảy ra”, Thanh nói.
Không có ý xấu, nhưng thích cãi và lý luận
“Thánh cãi”, “Cãi giỏi số 2 không ai dám nhận số 1” là biệt danh đồng nghiệp dành cho Minh Toàn (28 tuổi, designer, TP.HCM).
Toàn vào làm việc ở công ty quảng cáo được 4 năm. Hiện anh lead team đồ họa, dưới quyền anh có 4 nhân viên, chưa kể đội ngũ cộng tác viên làm việc online anh tìm được ở các trường đại học.
Đối với đồng nghiệp và cấp trên, Toàn được xem là "thánh cãi".
“Mỗi chiều thứ hai hàng tuần với tôi như cực hình. Vào trong đấy, tôi vừa phải đối mặt với các leader của phòng nội dung, team truyền thông. Ngoài ra, vừa phải trả lời hàng tá câu chất vấn của sếp lớn. Muốn hiền, không cãi cũng không được”, Toàn nói.
Toàn cho rằng, đặc thù của designer giống như làm dâu trăm họ. Nhiều lúc, brief qua loa, không đủ ý, đến khi ra sản phẩm lại chê thiết kế không đúng, hình ảnh thiếu chân thực…
Đến khi Toàn bật lại, anh liền bị label là "thánh cãi".
Đối mặt với nhiều định kiến là điều bạn sẽ gặp phải sau khi bật cấp trên. Ảnh: McKinsey.
“Thử nghĩ xem, đứa con tinh thần vừa đẻ ra lại bị chỉnh lại từ đầu. Thiết kế không đơn giản, chỉnh một chi tiết, nếu đặt không đúng chỗ nó sẽ ảnh hưởng đến bố cục. Chỉnh "một chút" chẳng khác gì sửa lại toàn bộ. Ai làm design sẽ hiểu điều này”, Toàn nói.
Có lần, anh nói thẳng trong cuộc họp đông người: “Lần sau muốn gì nhờ các bên nói rõ, thẳng thắn trong một lần giúp em. Không ai rảnh chỉnh đi chỉnh lại một bản thiết kế đến 4-5 lần”.
Anh biết mình lỡ lời khi trước đó trưởng phòng nhân sự vừa kêu anh chỉnh lại bản thiết kế tuyển dụng sau 3 lần không vừa ý.
“Thánh cãi hay thứ gì đó mình không quan tâm lắm. Mình cũng không có ý xấu, vẫn sẵn lòng chỉnh sửa. Nhưng phải rõ ràng, đây là tranh luận chứ không phải cãi vã gì”, Toàn khẳng định.
Hãy bảo vệ mình trước
Tiến sĩ Annie McKee, giảng viên cao cấp ĐH Pennsylvania (Mỹ), tác giả của loạt sách nổi tiếng về tư duy chiến lược, xây dựng văn hóa cộng đồng như Làm thế nào để hạnh phúc trong công việc, Lãnh đạo nguyên thủy, Lãnh đạo cộng hưởng đã đưa ra quan điểm về việc cãi nhau với sếp.
Theo lời nữ tiến sĩ, khi cãi nhau hay tranh luận, trước hết hãy tự bảo vệ mình.
"Những xung đột dẫn đến việc cãi nhau thường bị phản tác dụng. Bạn phải thừa nhận rằng, trong cuộc chiến không cân sức này, người yếu thế hơn sẽ thua ngay từ khi bắt đầu", Annie McKee nói.
Bà Annie nói thêm, việc xung đột, cãi nhau với đồng nghiệp hay cấp trên đều khiến người khác khó chịu. Điều này có thể làm tinh thần làm việc của bạn sụt giảm nghiêm trọng.
Hãy tự bảo vệ mình trước khi cãi nhau với sếp. Ảnh: Inc.
Trong chúng ta, ai cũng có lý do để gắn bó với công việc hiện tại. Nếu còn yêu công việc và thực sự muốn làm hòa với sếp, dưới đây là cách mà tiến sĩ Annie McKee đưa ra.
Trước hết, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc tự nhận thức mình là ai, đang ở đâu. Đây là nền tảng của việc điều khiển cảm xúc giúp bạn hiểu nên làm gì trong lúc tức giận.
Thứ hai, bạn phải biết cách quản lý cảm xúc. Xung đột thường xảy ra khi bạn không thể kiềm chế cảm xúc. Chúng ta hoàn toàn kiểm soát được điều này và có thể tránh dùng lời lẽ xúc phạm, cũng như dùng lời lẽ khôn ngoan để tự bảo vệ mình.
Cuối cùng, cả bạn hay sếp nên đặt mình vào vị trí của người khác, dùng tình cảm để giải quyết mọi chuyện theo hướng ôn hòa.
"Rõ ràng, "chiến đấu" với sếp không mang lại cho bạn sức khỏe, hạnh phúc hay thành công. Vậy, bạn làm những điều đó để làm gì?", Annie McKee nói.
Muốn cãi lại, lên làm cấp trên thử đi
Mỗi khi bị cấp trên mắng, Hồng Quyên (24 tuổi, nhân viên marketing) thường tỉ tê với đồng nghiệp.
“Chán quá mày ơi, bị mắng hoài mệt quá”.
“Lại chuẩn bị mắng nữa rồi, áp lực quá”.
“Như vậy cũng chưa vừa ý nữa sao? Cũng phải có tháng này, tháng khác chứ. Thôi ráng vậy”.
Cuộc hội thoại của các thành viên chung team chỉ quanh quẩn việc đối phó với sếp, không hoàn thành KPI, tháng sau phải làm thế nào để không bị sếp mắng.
Nhưng để một lần lên tiếng mạnh mẽ hay phản kháng, bản thân Hồng Quyên không thể. Đồng nghiệp của cô cũng chưa bao giờ bật lại sếp.
Bật lại sếp là hành động thiếu khôn ngoan. Ảnh: Getty.
Với cô, việc bị sếp mắng, nhắc nhở là điều tất yếu, dù ở môi trường nào cũng có. Hành động bật lại cũng thiếu khôn ngoan.
“Mình hoàn toàn có thể cãi lại, nhưng chưa chắc sếp hiểu và thông cảm. Cách tốt nhất là hoàn thành công việc. Muốn cãi lại? Lên làm cấp trên hãy tính đến chuyện đấy”, Quyên nói.
Khi 9X nói ra điều này, đồng nghiệp nói cô “thiếu bản lĩnh, dở”. Nhưng để hỏi có ai thực sự dám bật lại sếp, số người này đếm trên đầu ngón tay.
“Dù muốn dù không, cãi hay không cãi, đến cuối cùng, lệnh của sếp vẫn là trên hết, đó là hiển nhiên. Vậy thì cãi sếp để làm gì?”, 9X khẳng định.