Bài thơ về chiến tranh, viết dưới làn bom giặc nhưng thấm đẫm chất nhân văn, làm sáng lên vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong thời chống Mỹ.
Tổ quốc lâm nguy, biết bao thế hệ lên đường ra trận. Trong muôn nghìn những người con đất Việt có sức trẻ của những cô gái thanh niên xung phong. Họ đã trở thành tượng đài bình dị mà thiêng liêng nơi thẳm sâu trong nỗi nhớ và lòng biết ơn sâu nặng của mỗi người. Bài thơ “Khoảng trời – hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ như một nén tâm nhang dành cho các chị - cô gái mở đường trong những ngày khói lửa chiến tranh.
Chuyện kể rằng em cô gái mở đường
Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc mình thắp lên ngọn lửa
Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom
Bài thơ mở đầu bằng lời tự sự chân thành: “Chuyện kể rằng em cô gái mở đường”… Và bắt đầu Lâm Thị Mỹ Dạ lắng lòng – xúc động kể cho ta nghe một câu chuyện có thật mà đẹp như một huyền thoại. Em – những cô gái tuổi mười tám đôi mươi xinh đẹp sẵn sàng ra đi cứu nước. Tuổi thanh xuân của em gắn liền chiến trường, tuyến đường nắng gió với khói lửa đạn bom. Xung phong, vượt qua tất cả “để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương. Cho đoàn xe kịp giờ ra trận”. Chiến trường ác liệt, bom giật, bom rung, mưa rơi xối xả, vách núi cheo leo… hiểm nguy biết mấy… Vậy mà có quản chi đâu, bởi “Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa”, “để đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom”.
Đã mấy mươi năm trôi qua, nói về hoàn cảnh ra đời của bài thơ, Lâm Thị Mỹ Dạ vẫn vẹn nguyên niềm xúc động. Đó là năm 1970, trong một chuyến thực tế ở đường 10, khi ấy đang rất ác liệt. Chị gặp một đội thanh niên xung phong đang làm đường, trong đó có một cô đã lớn tuổi. Hỏi ra mới hay cô ấy người Quảng Ninh đã được giải ngũ 3 năm trước nhưng về đến nhà thì cả gia đình đã bị bom Mĩ giết chết. Ngôi nhà thân yêu của chị chỉ còn lại cái hố bom sâu hoắm và những mảnh bát vỡ vung vãi. Sau mấy ngày ở nhờ nhà bà con, chị lại khoác ba lô vào chiến trường… Câu chuyện trở thành nỗi ám ảnh trong lòng nhà thơ.
Năm 1972, sau ngày có lệnh ngừng bắn, Lâm Thị Mỹ Dạ có dịp trở lại con đường đó, hỏi đến đơn vị của chị thì không ai biết nữa. Không biết ai còn, ai mất. Chỉ còn những hố bom đọng nước với những khoảng trời vời vợi. Sau chuyến đi trở về nhà được mấy ngày, nhà thơ ra sông giặt áo và bỗng sững sờ gặp lại hình ảnh khoảng trời trong xanh lung linh đáy nước. Những ám ảnh về cái hố bom trỗi dậy. Chị bỏ quên cả quần áo giặt dở, chạy về nhà để viết Bài thơ “Khoảng trời và hố bom”.
Ngọn lửa tuổi thanh xuân dẻo dai, bền bỉ rực sáng, ngọn lửa được thắp lên từ tình yêu Tổ quốc. Các chị đã đánh lạc hướng thù để rồi riêng mình lại phải “hứng lấy luồng bom”. Vậy là các chị đã làm được điều mà mình ước: Cho đoàn xe kịp giờ ra trận. Em đã ra đi khi chưa kịp thấy đất nước thanh bình. Chuyện của em – chuyện của cô gái mở đường gây bao niềm xúc động cho lớp người tiếp bước sau em.
Đơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời nằm yên trong đất
Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói lung linh
“Em nằm dưới đất sâu” – câu thơ lắng xuống, chững lại, nghẹn ngào. Vậy là người nữ thanh niên xung phong xông pha dưới làn mưa bom đã hy sinh. Các chị lặng lẽ trở về đất mẹ khi tuổi xuân chớm nở, mái tóc xanh con gái đang ước nguyện lời thề. Họ ra đi không một lời từ biệt, chưa kịp một dòng nhắn nhủ, không một kỷ vật trao tay. Cái khoảng trời con gái mở đường giữa mịt mùng nắng đốt – mưa tuôn xối xả sá chi gian khổ! “Khoảng trời em” vẫn còn vẹn nguyên, và vì thế nằm dưới đất sâu – em đã trở thành “khoảng trời xanh vĩnh hằng” để rồi “đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng. Những vì sao ngời chói lung linh”. Sống xứng đáng, chết vinh quang, máu của các chị, các cô thấm sâu vào lòng đất cho bốn mùa đất Việt mãi là xuân.
Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời chói lung linh
Có phải thịt da em mềm mại trắng trong
Đã hóa thành những vầng mây trắng
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Đi qua khoảng trời em
Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài
Qua hố bom sâu thẳm, tàn bạo – nơi những nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh – nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ không nén được nỗi lòng. Từ niềm cảm kích, nỗi đau và cái nhìn ngưỡng mộ, nữ sĩ đã có những liên tưởng đẹp và vô cùng ý nghĩa. Nhìn những ánh sao lung linh dưới đáy nước hố bom, nhà thơ thấy đó chính là tâm hồn các chị tỏa sáng. Những vầng mây trắng kia chính là da thịt mềm mại của các chị hóa thành. Và mặt trời chính là trái tim hồng, tấm lòng son của các chị soi đường cho ta đi tiếp. Nghĩa là người con gái ấy không chết mà đã hóa thành thiên thần, đã trở thành khoảng trời quê hương. Khoảng trời trong trắng, thánh thiện, mãnh liệt một sức sống thanh xuân.
Vượt ra khỏi một con người, xác thịt – tâm hồn cô gái Trường Sơn mới đẹp làm sao! Đêm về không còn lo tối vì có em làm vì sao lung linh tỏa rạng. Cái chết hóa thành bất tử bởi em là ngôi sao, là vầng mây trắng hòa bình, là ánh dương bình minh nơi một khoảng trời ngập nắng… Cảm xúc sâu, lời thơ mới đẹp làm sao! Đạn bom của kẻ thù, sự dã man của quân xâm lược không giết được em. Các chị, các cô sống mãi với tuổi thanh xuân, bất tử trong đồng đội: “Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực/ Soi cho tôi ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài”. Chính tâm hồn trong sáng mộng mơ, tinh thần dũng cảm, dù gian khổ, hiểm nguy mà luôn lạc quan, trẻ trung… đã trở thành sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng, của hùng thiêng dân tộc. Vâng, những nữ thanh niên xung phong không của một thời mà của muôn đời, hóa thân vào quê hương đất nước trong sự vĩnh hằng của thiên nhiên và trong cuộc đời của những người đang sống
Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình vào trong cuộc sống của em
Gương mặt em bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng
Bài thơ là câu chuyện. Một câu chuyện được kể lại bằng giọng thơ tâm tình thiết tha cảm động. Nhà thơ hóa thân vào nhân vật để thủ thỉ, bộc bạch. Câu thơ tự nhiên, được cất lên từ nỗi đau, từ niềm xúc động và từ thái độ ngưỡng mộ, tôn kính, tự hào. Đặc biệt, Lâm Thị Mỹ Dạ xây dựng những hình ảnh giàu sức liên tưởng tuyệt đẹp, so sánh nối tiếp nhau, bổ sung nhau nhằm vừa bày tỏ cảm xúc vừa tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn, khát vọng, lý tưởng của sức trẻ tuổi thanh xuân. Nỗi đau và niềm khâm phục, nghĩ suy về sự sống và cái chết… đan quyện vào nhau làm nên tứ thơ vừa lắng sâu, vừa bay bổng. Cái chết ấy hóa thành bất tử, soi sáng để thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước.