Bài thơ về Mẹ được phổ biến rộng rãi nhất

GD&TĐ - Trong số các bài thơ được khơi nguồn cảm hứng từ tình cảm gia đình, bài thơ “Mẹ” của tác giả Trần Quốc Minh có lẽ được phổ biến rộng rãi nhất.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lặng rồi cả tiếng con ve

Con ve cũng mệt vì hè nắng oi

Nhà em vẫn tiếng ạ ời

Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru

Lời ru có gió mùa thu

Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về

Những ngôi sao thức ngoài kia

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con

Đêm nay con ngủ giấc tròn

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.

Trần Quốc Minh (1972)

Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

Phổ biến không chỉ bởi bài thơ được đưa vào chương trình dạy ở tiểu học, mà cái chính là lời thơ mộc mạc, đằm thắm đã nói lên tình yêu thương và sự chăm sóc chu đáo đến quên mình của người mẹ dành cho đứa con thơ.

Theo tác giả tâm sự: Bài thơ này ra đời trong hoàn cảnh: Ngày 16/4/1972, giặc Mỹ đánh phá ác liệt thành phố Hải Phòng. Tôi theo gia đình em gái - bác sĩ Trần Thị Hồng, sơ tán sang Bệnh viện An Hải.

Tôi nhớ rất rõ khi đó cô Hồng mới sinh cháu Nguyễn Đức Thiện (nay đã là doanh nhân thành đạt). Đêm ấy trời nóng, còi báo động, bom nổ rung trời, cháu Thiện khóc ngằn ngặt. Cô Hồng thương con, mắc võng vào hai thân cây, dùng chân đạp võng, tay quạt cho con.

Cô quạt đến khi hai mẹ con thiếp đi thì cũng là lúc câu thơ đầu tiên hình thành trong đầu tôi: Lặng rồi cả tiếng con ve/ Con ve cũng mệt vì hè nắng oi… Sáng ra, cô sang bệnh viện, tôi ở nhà cùng bố cháu Thiện. Tôi viết rất nhanh bài thơ “Ngọn gió của con”, sau này in SGK Tiếng Việt lớp 2 - tập 1 tôi đổi lại đầu đề là “Mẹ”.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã khéo dùng nghệ thuật đảo ngữ và ẩn dụ nhân hóa nhằm thể hiện được cái nóng khắc nghiệt của trưa hè. Khi đó, tiếng ru của người mẹ cất lên hòa cùng nhịp võng đưa “Nhà em vẫn tiếng ạ ời/ Kẽo cà tiếng võng mẹ ngồi mẹ ru”.

Tiếng ru của mẹ hôm nay cũng giống như mọi ngày khác, âm thanh êm đềm ấy đưa bé em vào giấc ngủ say. Trong bài, hay nhất là những câu: “Lời ru có gió mùa thu/ Bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về/ Những ngôi sao thức ngoài kia/ Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con”.

Nghệ thuật ngắt nhịp lẻ 3/5 (ở câu 3) khác với lối ngắt nhịp chẵn thông thường của thơ lục bát, lối dùng điệp ngữ cuối và đầu ở các câu thơ 4 và 5 kết hợp với lối điệp ngắt quãng ở câu thơ 6 có tác dụng gợi tả sinh động. Giữa không gian trưa hè oi bức ấy, vạn vật đều chìm đi trong tĩnh lặng, duy chỉ có lời ru của mẹ là vẫn thức khi lên bổng lúc xuống trầm.

Hình ảnh người mẹ dường như lớn lao, kỳ vĩ hơn cả không gian kia. Tác giả thật sáng tạo khi dùng ẩn dụ kép: “Gió mùa thu/bàn tay mẹ” gợi cho ta suy nghĩ mẹ không chỉ quạt cho con bằng tay, mà là bằng tình thương dạt dào của lòng mẹ. Mẹ không chỉ ru con bằng ngôn từ, mà bằng tấm lòng yêu con vô bờ bến.

Sức mạnh của tình mẹ thiêng liêng, song rất đỗi bình dị dồn cả trong lời hát ru dịu ngọt và đôi tay mẹ quạt trở thành luồng “gió mùa thu” mát mẻ xua đi cái nóng hè oi ả cho giấc ngủ của con được say nồng.

Có mấy ai trong chúng ta lại không lớn lên từ lời ru của bà và nhất là của mẹ? Vậy nên mỗi khi đi xa, ta nhớ tới mẹ, nhớ tới tâm hồn trong sáng và những cử chỉ dịu dàng, âu yếm mẹ dành trọn cho con.

“Có ai trên đời dịu dàng bằng mẹ” - Đoàn Thị Lam Luyến. Bền bỉ cùng thời gian, song hành với thời gian và không gian chính là lòng mẹ yêu con. Có biết bao trưa hè như thế mẹ ngồi đưa võng quạt và ru cho con ngủ.

Vậy nhưng mẹ chẳng kêu ca mệt mỏi một lời nào, mỗi khi đêm về mẹ lại thức quạt và ru để giấc ngủ con được an lành: “Những ngôi sao thức ngoài kia/ Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con/ Đêm nay con ngủ giấc tròn/ Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”.

Thủ pháp nghệ thuật nhân hóa “ngôi sao thức” làm cho hình ảnh thơ trở nên đẹp lung linh kỳ ảo lạ thường. Cùng với phép so sánh “chẳng bằng mẹ” khiến cho ý thơ đã nâng tầm bà mẹ trở nên cao thượng, đẹp đẽ hơn cả những vì tinh tú. Mẹ mãi bất tử trong lòng con. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.