Cách thể hiện tình yêu thương với con trẻ không chỉ bằng lời nói

GD&TĐ - Điều quan trọng nhất đối với một đứa trẻ là khi chúng được phát triển dưới sự dìu dắt và đồng hành từ cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Các thành viên trong gia đình nên dành khoảng thời gian chất lượng bên nhau. Ảnh minh họa.
Các thành viên trong gia đình nên dành khoảng thời gian chất lượng bên nhau. Ảnh minh họa.

Trẻ học về thế giới xung quanh thông qua mối quan hệ tích cực với cha mẹ.

Thuyết gắn bó

Hầu hết, các phụ huynh ngày nay đều biết rằng, hành động ấm áp, yêu thương, quan tâm đến con là rất quan trọng. Trong nhiều nghiên cứu, các tác giả đã đề cập đến khái niệm ấm áp với trẻ.

Thông thường, sự chăm sóc nồng nhiệt là khi cha mẹ/người chăm sóc hành động theo cách yêu thương, trìu mến, quan tâm và tích cực đối với một đứa trẻ. Đồng thời, chú ý và phản ứng theo cách quan tâm đối với cảm xúc, cũng như trải nghiệm của trẻ em hoặc thanh thiếu niên. Đôi khi, hành động này còn được gọi là phản ứng nhanh hoặc nhạy cảm.

Vào cuối những năm 1960, sau vài thập kỷ nghiên cứu về các thực hành cụ thể của cha mẹ (chẳng hạn như đánh đòn và khen ngợi), một nhà tâm lý học tên là Diana Baumrind đã xác định được hai khía cạnh của việc nuôi dạy con. Trong đó, một khía cạnh được bà gọi là “sự đáp ứng”. Khía cạnh khác được bà gọi là “sự đòi hỏi”.

Baumrind định nghĩa khả năng đáp ứng là mức độ mà cha mẹ “đáp ứng nhu cầu của con theo cách hỗ trợ và chấp nhận”. Mức độ đáp ứng cao hơn đã được lý thuyết hóa để dẫn đến cảm xúc tốt hơn ở người trẻ. Trong khi đó, nhà tâm lý học Baumrind định nghĩa, sự đòi hỏi là mức độ mà cha mẹ mong muốn con mình hành động theo những cách tích cực. Mức độ đòi hỏi cao hơn cũng được cho là dẫn đến cảm xúc tốt hơn ở trẻ em.

Mức độ về các khía cạnh của khả năng đáp ứng và yêu cầu được sử dụng để xác định bốn phong cách nuôi dạy con. Cụ thể, khả năng đáp ứng và yêu cầu cao được coi là cách nuôi dạy con có thẩm quyền. Khả năng đáp ứng và đòi hỏi thấp được xác định là do cha mẹ thờ ơ. Khả năng đáp ứng cao và yêu cầu thấp được xác định là cách nuôi dạy con dễ dãi.

Cuối cùng, khả năng đáp ứng thấp và yêu cầu cao được xác định là cách nuôi dạy con độc đoán. Cách nuôi dạy con có thẩm quyền được lý thuyết hóa là tích cực đối với những người trẻ tuổi. Trong khi đó, cách nuôi dạy con độc đoán được lý thuyết hóa là tiêu cực đối với những người trẻ tuổi.

Cùng thời gian đó, một nhà tâm lý học khác là John Bowlby đã nghiên cứu sức khỏe tâm thần của những đứa trẻ vô gia cư bị tách khỏi cha mẹ trong Thế chiến 2. Năm 1951, ông xuất bản một chuyên đề cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong đó, ông khuyến nghị rằng, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần trải qua một mối quan hệ ấm áp, thân mật và liên tục với mẹ của mình. Bởi, điều đó mang lại sự hài lòng và thích thú cho trẻ.

Trong hai thập kỷ tiếp theo, Bowlby tiếp tục phát triển cái mà ông gọi là “thuyết gắn bó”. Trong đó, ông đề xuất rằng, trẻ em được sinh ra để kết nối với cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ nên hành động theo những cách ấm áp và hỗ trợ để tạo điều kiện cho sự kết nối này. Đặc biệt, sự gắn bó đó cũng vô cùng cần thiết cho sức khỏe tâm lý và sự phát triển của trẻ.

Sau đó, nhà nghiên cứu Mary Ainsworth đã phát triển một lý thuyết về “phong cách gắn bó” giữa cha mẹ và con. Đó là mối liên hệ giữa cha mẹ và con, đặc biệt là vào thời điểm trẻ bị căng thẳng hoặc gặp thử thách.

Bà Ainsworth đã quan sát cách trẻ em tương tác với cha mẹ khi có người lạ vào phòng. Từ đó, phân loại trẻ em có phong cách gắn bó “an toàn” hay “lo lắng/tránh né” cha mẹ chúng. Nhà nghiên cứu Ainsworth đề xuất rằng, những đứa trẻ luôn được cha mẹ yêu thương và trấn an sẽ “gắn bó an toàn”. Điều này sẽ mang lại những kết quả tích cực hơn về lâu dài cho trẻ.

Khi lớn lên và phát triển, trẻ em có xu hướng nhìn vào cha mẹ mình. Từ đó, trẻ sẽ xác định xem mình có an toàn, được bảo vệ và yêu thương hay không. Đó cũng là nền tảng để trẻ học cách xây dựng các mối quan hệ trong tương lai.

Do đó, các phụ huynh có thể xây dựng mối quan hệ cha mẹ và con một cách tích cực thông qua việc ở bên trẻ. Đồng thời, dành thời gian chất lượng bên nhau và tạo ra một môi trường nơi trẻ cảm thấy thoải mái để khám phá thế giới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thể hiện tình yêu

Hành động và việc thể hiện tình cảm yêu thương là cần thiết ở mọi giai đoạn trong cuộc đời của chúng ta. Đó đồng thời là điều cần thiết để con người phát triển lành mạnh về cảm xúc và hệ thần kinh. Điều đó cũng có nghĩa là trẻ cần nhận được sự đụng chạm nhẹ nhàng, yêu thương (như những cái ôm) từ cha mẹ nhiều lần trong ngày.

Các phụ huynh hãy coi mọi tương tác như một cơ hội để kết nối với con mình. Thể hiện cho trẻ thấy những biểu hiện ấm áp, giao tiếp bằng mắt, mỉm cười và khuyến khích sự tương tác giữa hai phía.

Nói yêu thường xuyên

Nhiều phụ huynh thường thể hiện tình yêu với con một cách ẩn ý. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cha mẹ không nên “ngại” nói yêu con hằng ngày, bất kể trẻ ở độ tuổi nào.

Ngay cả khi trẻ đang gặp khó khăn hoặc làm điều mà phụ huynh không thích, đó cũng có thể là một cơ hội tuyệt vời để nhắc nhở rằng, cha mẹ yêu con vô điều kiện. Một câu “Mẹ yêu con” đơn giản có thể tác động lớn đến mối quan hệ giữa phụ huynh và con.

Thiết lập ranh giới, quy tắc và hậu quả

Trẻ em cần sống trong môi trường có quy định cũng như hướng dẫn. Một môi trường có nguyên tắc sẽ giúp trẻ phát triển lành mạnh khi tìm hiểu về thế giới xung quanh.

Phụ huynh cần nói chuyện với trẻ về những gì cha mẹ mong đợi ở chúng. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng trẻ hiểu. Khi các quy tắc bị phá vỡ, hãy đảm bảo sẽ áp dụng những hậu quả phù hợp với lứa tuổi trẻ. Điều cha mẹ cần nhớ là luôn nhất quán trong các quy tắc.

Lắng nghe và đồng cảm

Sự kết nối thường được bắt đầu từ việc lắng nghe. Do đó, cha mẹ cần thừa nhận cảm xúc của trẻ. Đồng thời, cho trẻ thấy rằng, cha mẹ hiểu cảm xúc của con. Sau đó, phụ huynh hãy trấn an chúng rằng, cha mẹ luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu con cần bất cứ điều gì.

Cố gắng nhìn mọi thứ từ quan điểm của con mình. Bằng cách lắng nghe và đồng cảm, cha mẹ sẽ dần nuôi dưỡng sự tôn trọng lẫn nhau trong mối quan hệ với con.

Chơi cùng nhau

Vui chơi rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Đó là công cụ mà qua đó, trẻ em có thể phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, thể hiện cảm xúc. Đồng thời, thúc đẩy sự sáng tạo và học hỏi về các kỹ năng xã hội.

Ngoài ra, đó là một cách thú vị để cha mẹ củng cố mối quan hệ với con mình. Không quan trọng là cha mẹ và trẻ tổ chức trò chơi gì. Thực tế, điều quan trọng là các thành viên trong gia đình cần tận hưởng khoảnh khắc đó. Cha mẹ cũng hãy dành hoàn toàn sự chú ý của mình về phía trẻ.

Không bị phân tâm

Các phụ huynh hãy dành ra 10 phút mỗi ngày để nói chuyện với trẻ. Đặc biệt, không nên để bị phân tâm trong cuộc trò chuyện đó. Điều đó có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc thiết lập thói quen giao tiếp tốt.

Các cha mẹ hãy tắt tivi, thiết bị điện tử và dành thời gian chất lượng cho trẻ. Bởi, trẻ cần biết rằng, cha mẹ luôn coi con là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, dù phụ huynh luôn bận rộn với công việc và cảm thấy căng thẳng.

Ăn tối cùng nhau

Dành thời gian cho bữa tối cùng nhau được coi là khoảng thời gian gắn kết các thành viên trong gia đình. Bởi, bữa tối thường là lúc mọi người có thể có những cuộc trò chuyện tuyệt vời. Khi đó, cha mẹ và trẻ cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để chia sẻ về những điều đã xảy ra trong ngày.

Trong bữa tối, các thành viên nên cất điện thoại hoặc thiết bị điện tử sang một bên và tận hưởng bầu không khí ấm áp. Giờ ăn cũng là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ dạy con về tầm quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Bởi, đó là điều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Hiểu được giá trị bản thân

Nếu có nhiều hơn một con, các phụ huynh hãy cố gắng dành thời gian riêng cho từng trẻ. Một lần gặp riêng với con có thể củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ. Đồng thời, xây dựng lòng tự trọng của trẻ và cho con biết rằng, chúng đặc biệt cũng như vô giá.

Cha mẹ có thể lên kế hoạch cho những “đêm hẹn hò” đặc biệt với con. Từ đó, tạo ra cơ hội có “một không hai” để gắn kết hơn với trẻ. Một số hoạt động có thể bao gồm đi dạo quanh khu phố, sang thăm nhà hàng xóm.

Không có cuốn sổ tay bí mật hay cách tiếp cận đảm bảo nào để có được mối quan hệ cha mẹ và con hoàn hảo. Thậm chí, các phụ huynh có thể sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu luôn nỗ lực xây dựng mối quan hệ, tình cảm giữa cha mẹ và con chắc chắn sẽ luôn tốt đẹp. Các chuyên gia đã liệt kê tám phương pháp nuôi dạy con tích cực. Từ đó, có thể giúp củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và con.

Theo Family Service

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ