Cha mẹ cãi nhau tác động nghiêm trọng đến tâm lý con trẻ

GD&TĐ - Nếu các bậc phụ huynh liên tục cãi nhau trước mặt con sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Phụ huynh cần xin lỗi nếu để con chứng kiến mình cãi nhau. Ảnh minh họa.
Phụ huynh cần xin lỗi nếu để con chứng kiến mình cãi nhau. Ảnh minh họa.

Xung đột, mâu thuẫn trong gia đình là điều khó tránh khỏi và được xem như một phần không thể thiếu đối với đời sống hôn nhân. Tuy nhiên, nếu các bậc phụ huynh liên tục cãi nhau trước mặt con sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực, đồng thời, khiến trẻ nhỏ phải gánh chịu nhiều tổn thương về mặt tinh thần.

Khi thường xuyên chứng kiến cuộc cãi vã, bạo lực của cha mẹ, trẻ lớn lên sẽ có xu hướng đánh bạn, làm tổn thương người xung quanh, giống như cách người lớn đã đối xử với nhau.

Hệ lụy khó lường

Hầu hết các bậc phụ huynh đều có ý thức rằng việc cãi nhau, to tiếng với nhau trước mặt con cái là điều không nên. Tuy nhiên, khi giận dữ, mâu thuẫn thì họ dần mất kiểm soát và không thể khống chế được cảm xúc của bản thân. Đôi lúc, những tranh luận, mâu thuẫn xảy ra trong gia đình sẽ giúp các thành viên thấu hiểu và thông cảm cho nhau nhiều hơn, nếu được giải quyết tốt.

Ngược lại, nếu các xung đột không sớm được khắc phục, điều đó sẽ dễ gây ra các ảnh hưởng tiêu cực. Từ đó, ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng và đặc biệt là tâm lý của trẻ nhỏ.

Nhiều phụ huynh cho rằng, những đứa trẻ còn nhỏ chưa đủ nhận thức nên sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều nếu chứng kiến cảnh bố mẹ tranh cãi. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc cha mẹ cãi nhau trước mặt con sẽ gây tác động rất lớn tới trẻ. Kể cả những trẻ chỉ mới 6 tháng tuổi cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tâm lý, cảm xúc, tình cảm. Điều đó làm cản trở đến tương lai, sự phát triển tự nhiên của trẻ.

Hơn thế, dựa vào kết quả một số nghiên cứu chuyên khoa khác, những trẻ ở độ tuổi vị thành niên, cũng như dưới 19 tuổi tuy đã có đủ nhận thức để đánh giá sự việc nhưng vẫn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều nếu liên tục chứng kiến cảnh cha mẹ cãi vã, đánh nhau. Tâm lý của độ tuổi cũng bị tác động một cách nghiêm trọng, thậm chí làm gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Do đó, theo các chuyên gia, ở độ tuổi nào, dù là trẻ sơ sinh hay khi trẻ đã bước vào độ tuổi trưởng thành thì cũng sẽ bị tác động nhiều về mặt tâm lý nếu cha mẹ thường xuyên mâu thuẫn.

Hơn thế, việc cha mẹ cãi nhau trước mặt con sẽ dần khiến mối quan hệ giữa hai bên trở nên rạn nứt. Khi đó, trẻ có xu hướng không muốn gần gũi hay chia sẻ bất kỳ điều gì với cha mẹ.

Trẻ có xu hướng coi việc cãi vã, bạo lực là bình thường, nếu cha mẹ thường xuyên làm vậy trước mặt con. Ảnh minh họa.

Trẻ có xu hướng coi việc cãi vã, bạo lực là bình thường, nếu cha mẹ thường xuyên làm vậy trước mặt con. Ảnh minh họa.

Một nghiên cứu của Trường Đại học York (Anh) cũng chỉ ra rằng, nhiều trẻ đã bị tổn thương bởi những cuộc cãi vã xảy ra trước khi cha mẹ ly dị. Sự tổn thương đó nhiều hơn chính việc chia tay của bố mẹ. Phát hiện này cho thấy, sự nguy hại của việc cha mẹ cãi nhau trước sự chứng kiến của con trẻ.

Qua nghiên cứu được thực hiện trên 19 nghìn trẻ sinh ở Vương quốc Anh năm 2000, các nhà khoa học nhận thấy, việc chứng kiến những cuộc xung đột tại nhà của cha mẹ trước khi ly dị khiến trẻ có nguy cơ tăng 30% vấn đề hành vi. Những cuộc xung đột của cha mẹ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, sự phát triển các kỹ năng xã hội và tâm lý của trẻ cũng như thành tích học tập. Thậm chí, tình trạng đó còn ảnh hưởng đến khả năng hình thành những mối quan hệ trong tương lai của trẻ.

Việc cha mẹ cãi nhau còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của trẻ, kéo dài suốt thời kỳ trẻ phát triển, trưởng thành. Thậm chí, những hệ lụy đó còn ảnh hưởng đến cả thế hệ con của trẻ. Đặc biệt, việc cha mẹ cãi nhau tác động đến trẻ từ khi bé còn rất nhỏ.

Cũng theo nhiều nghiên cứu, những em bé mới sáu tháng tuổi khi chứng kiến cha mẹ cãi nhau đã có biểu hiện sinh lý thể hiện sự đau đớn. Một trong số đó là nhịp tim của trẻ tăng cao hơn so với lúc chứng kiến cảnh mâu thuẫn của người lớn mà không phải là cha mẹ mình.

Việc chứng kiến cha mẹ cãi nhau sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới trẻ. Ảnh minh họa.

Việc chứng kiến cha mẹ cãi nhau sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới trẻ. Ảnh minh họa.

Tiến gần hơn về phía con

Theo TS Trần Quốc Phúc, Chủ tịch Công ty Cho bạn Cho con CBCC, việc trẻ chứng kiến cảnh cha mẹ cãi nhau, đánh nhau và không hạnh phúc là một trong những tổn thương về mặt tâm trí. Trẻ lớn lên sẽ có xu hướng đánh bạn, làm tổn thương người xung quanh, giống như cách người lớn đã đối xử với nhau, và chúng thường trở nên cọc cằn, nóng tính. Điều đó xuất phát từ một gia đình cha mẹ không hạnh phúc.

Theo TS Trần Quốc Phúc, phụ huynh cần ứng dụng một số phương pháp để xoa dịu trẻ, trong trường hợp con chứng kiến cha mẹ cãi nhau. Thực tế, khi trẻ chứng kiến cách người lớn ứng xử không tốt với nhau, con chưa phân biệt được đúng sai. Tiềm thức hay ký ức của trẻ sẽ tự động ghi nhận trường hợp như vậy.

Sau này khi lớn lên, trẻ sẽ làm theo bản năng. Bởi, trẻ sẽ xem hành động đó giống như điều nên làm trong cuộc sống. Như vậy, nếu cha mẹ đánh nhau, cãi nhau và lỡ để trẻ chứng kiến, khiến con buồn, lúc đó, phụ huynh phải tiến gần hơn đến con mình. Đồng thời, cha mẹ phải thật sự là người hối lỗi.

“Hãy tiến gần đến con và nói: Thực sự là, hôm nay cha mẹ cảm thấy mình rất tệ. Cha mẹ làm điều không bao giờ nên làm, đó là cãi nhau và làm tổn thương nhau. Đây cũng chính là điều mà cha mẹ không thích ở bản thân mình. Cha mẹ cảm thấy rất buồn và mong rằng, con hãy tha lỗi cho cha mẹ. Cha mẹ mong rằng, sau này con không làm điều đó giống cha mẹ. Đây là trường hợp làm cha mẹ bị tổn thương. Cha mẹ không cưỡng lại được chính mình, con đừng bao giờ làm điều như vậy. Và cũng đừng bao giờ chấp nhận người đàn ông hay bạn đời nào có những hành vi giống cha mẹ. Cha mẹ là trường hợp bị tổn thương, nên hãy nhớ rằng, đây là điều không tốt”, chuyên gia Trần Quốc Phúc gợi ý.

TS Phúc dẫn chứng, trường hợp này cũng tương tự khi phụ huynh cùng trẻ tham gia giao thông. Ví dụ, cha mẹ vượt đèn đỏ. Nếu phụ huynh thực hiện hành vi đó và cảm thấy vô cùng bình thường, thì khi trẻ lớn lên, con cũng nghĩ đó không phải là điều xấu. Bởi, trẻ đã quá quen với điều đó.

Trong khi đó, nếu cha mẹ làm sai và để con chứng kiến, phụ huynh cần xin lỗi trẻ. “Cha xin lỗi, lúc đó quá vội nên đã vượt đèn đỏ. Điều này không tốt chút nào. Do đó, con hãy nhớ rằng, sau này đừng bắt chước cha. Đó là lỗi của cha, con đừng nên giống như vậy”, TS Phúc gợi ý.

Phụ huynh phải thật lòng nói với con mình rằng, đó là điều không tốt. Bởi, nếu cha mẹ không nói, sau này, trẻ sẽ có xu hướng làm giống phụ huynh. TS Phúc dẫn chứng một câu chuyện kể rằng, có hai đứa trẻ sinh ra trong gia đình mà người cha ngày nào cũng rượu chè, cờ bạc, gây tổn thương, cãi nhau, đánh vợ. Bất ngờ là, khi lớn lên, hai người con có hai cuộc đời hoàn toàn khác nhau. Một người có cuộc đời giống ông bố, cờ bạc, rượu chè, đánh vợ con. Trong khi đó, đứa trẻ còn lại khi lớn lên trở thành một người rất thành công, có ích cho cuộc đời và được trọng vọng.

Khi được hỏi, cả hai người đều có một câu trả lời giống nhau. Người đầu tiên nói rằng, vì bố tôi thường xuyên rượu chè, cờ bạc nên tôi học theo. Tôi trở thành người giống thế và bố tôi đã ảnh hưởng đến cuộc đời tôi. Trong khi đó, người thứ hai nói rằng, bố tôi là người cờ bạc, rượu chè. Do đó, khi lớn lên, tôi nhận ra rằng, đó là điều không tốt. Vì cuộc đời cha mẹ tôi đã quá khổ như vậy rồi, tôi không muốn sống cuộc đời như vậy. Tôi sẽ làm ngược lại như vậy, vì tôi không chấp nhận cách cha tôi đối xử với mẹ như vậy. Do đó, chắc chắn, tôi phải trở thành người tuyệt vời.

“Đó là khi đứa trẻ lớn lên và ra quyết định. Câu chuyện này cũng giống như trong cuộc sống, phụ huynh phải nói cho con biết rằng, đó là điều không tốt và con phải làm ngược lại. Khi đó, trẻ sẽ trở thành người tuyệt vời, từ những sai lầm của cha mẹ”, TS Trần Quốc Phúc chia sẻ.

“Có những sự không hạnh phúc diễn ra trước mặt con. Trẻ chứng kiến và tạo thành những nỗi ám ảnh, từ sự vô tình hoặc cố ý của cha mẹ. Nếu đang trong tình huống này, các phụ huynh cần rút ra bài học, không bao giờ tái phạm”, TS Trần Quốc Phúc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ICBM Yars của Nga

Tướng Mỹ nhận định về ICBM Yars

GD&TĐ -Một tướng quân đội Mỹ mới đây đã đưa ra những nhận định liên quan đến hệ thống tên lửa đạn đạo (ICBM) Yars của Nga.

Các cô giáo, cán bộ, nhân viên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học khẩn trương khắc phục thiệt hại sau mưa lũ.

Phút 'sinh tử' trong lũ dữ

GD&TĐ - Ngày 10/9, nước dâng nhanh và chảy xiết đổ vào Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái).