Bạo hành gia đình với con trẻ không chỉ là đòn roi

GD&TĐ - Một mái nhà không chỉ là nơi có đủ cả cha mẹ, mà ở đó trẻ phải cảm nhận được tình yêu thương, được chăm sóc, bảo vệ và không có bạo hành.

Các bậc cha mẹ cần chú ý đến vun đắp hạnh phúc cho trẻ. Ảnh minh họa INT
Các bậc cha mẹ cần chú ý đến vun đắp hạnh phúc cho trẻ. Ảnh minh họa INT

Bạo hành từ… người thân

Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, nhà trường và trong cộng đồng của mình. Tuy nhiên, theo thống kê, có rất nhiều trẻ em từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình.

Gần đây, trên mạng xã hội không ít vụ bạo hành trẻ em gia tăng. Đặc biệt là thời gian giãn cách xã hội phòng chống Covid-19. Những ức chế, lo lắng về dịch bệnh, mất việc, giảm thu nhập… khiến người lớn dễ sinh cáu gắt. Không ít cha mẹ cảm thấy bí bách khi suốt ngày ở trong nhà và con trẻ có thể là đối tượng bị trút giận nhất.

Có người cho rằng, quát hoặc đánh con thì chúng mới sợ mà làm theo, tập trung hơn. Tuy nhiên, chuyên gia lại cho rằng, đó chỉ là giây phút tức thời của trẻ để cho qua chuyện. Thậm chí, những đứa trẻ này sẽ phát triển lệch lạc và tương lai cũng sẽ trở thành ông bố, bà mẹ như chúng đã chứng kiến thuở nhỏ.

Hơn nữa, cuộc sống chứng kiến bạo lực còn khiến trẻ suy giảm khả năng nhận thức, có nhiều cảm xúc tiêu cực, rối loạn tiêu hóa do chán ăn hoặc ăn quá nhiều, tâm trạng bồn chồn, lo lắng… Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thể chất cũng như tinh thần dẫn đến kết quả học tập sa sút.

Nhiều em bé đã rơi vào trạng thái tự kỷ, phát triển không bình thường, diễn biến tâm lý lệch lạc hay thậm chí dẫn đến tự tử. Vì vậy, nếu dạy con học bằng bạo lực thì không thể có được kết quả như mong muốn.

Ngoài nỗi đau về thể xác thì vết thương tâm lý bên trong của trẻ vẫn còn đó, có khi là ám ảnh cả cuộc đời. Nhiều trẻ em không thể quên được những trận đòn roi mà mình phải chịu đựng. Đặc biệt, những đau khổ đó lại do chính người thân của mình gây ra.

Thậm chí, dù không cố tình nhưng nhiều bậc cha mẹ đánh con vì cho rằng “yêu cho roi cho vọt”. Họ thản nhiên làm cho những đứa trẻ phải chịu tổn thương nặng nề.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết, số vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng trong thời gian qua.

“Thống kê của Bộ Công an, năm 2021, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em thì hầu hết là do chính người thân trong gia đình gây ra. Thống kê từ Tổng đài bảo vệ trẻ em, 70% cuộc gọi là những vụ việc do người thân trong gia đình gây ra”, bà Thủy thông tin.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay, nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, cha mẹ ly hôn, ly thân. Từ đó, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế và những người chồng hờ, mẹ hờ của cha mẹ các cháu. Đáng lên án là nhiều vụ bạo hành được dung túng bởi chính những người ruột thịt. Vậy nên nhiều em phải chịu nỗi đau cả trên cơ thể lẫn trong tâm hồn. Thương tâm hơn là nhiều em bị bạo hành mà vĩnh viễn mất đi cuộc sống.

Đặc điểm của bạo lực gia đình là xảy ra trong chính ngôi nhà của các em, do đó rất khó phát hiện. Hơn thế, nạn nhân bị bạo hành là trẻ em nên khó có khả năng phản ánh, phản ứng.

Thống nhất trong cách giáo dục

Cô Nguyễn Thị Hà, Trường THPT Lương Tài (Bắc Ninh), cho rằng, cần cho vào quy định về hành vi bạo lực gia đình, quy định hành vi phát tán hình ảnh, thông tin, tài liệu riêng tư của thành viên gia đình khi chưa được sự đồng ý của người đó. Trường hợp là trẻ em thì phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ là hành vi bạo lực gia đình.

Theo cô Hà, trong thời đại công nghệ 4.0, với sự đa dạng các nền tảng xã hội cùng nhu cầu chia sẻ thông tin, sẽ có nhiều trường hợp người thân trong gia đình chia sẻ những hình ảnh mà không hỏi ý kiến tất cả các thành viên trong gia đình.

“Hiện, chúng ta sẽ thấy những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau. Đây cũng là bạo lực và bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình”, cô Hà nói.

Bên cạnh đó, cô Hà đề nghị cần có các giải pháp hỗ trợ đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình và bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình. Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu hỗ trợ về y tế, tâm lý, pháp lý, chúng ta nên quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em. Mục đích nhằm bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.

“Một gia đình thường xuyên có mâu thuẫn, lâu ngày cũng sẽ dẫn đến bạo lực, rồi thành bi kịch. Một đứa trẻ sống với người bố có xu hướng bạo lực, người mẹ thường xuyên quát mắng khi lớn lên sẽ có hành vi lệch lạc về thái độ sống cũng như ứng xử với người xung quanh. Ở mọi lứa tuổi, từ sơ sinh đến khi lớn lên, luôn bị ảnh hưởng bởi cách cha mẹ giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân”, cô Hà nói.

Việc không thống nhất được quan điểm dạy dỗ đôi khi khiến người “yếu thế” hơn cảm thấy bất lực rồi… mặc kệ. Bởi họ bế tắc và không làm cách nào khác được, khi bản thân họ cũng không có “trọng lượng” đối với người kia. Cuối cùng, vẫn là con trẻ phải chịu thiệt thòi.

Vì vậy, cha mẹ cho con một mái nhà nghĩa là cần cho con đủ tình yêu thương trọn vẹn và cách chăm sóc, dạy dỗ phù hợp nhất. Đặc biệt là sự thống nhất quan điểm của bố mẹ để con có điều kiện phát triển tốt nhất.

UNICEF cho biết, ở nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực gia đình tăng từ 30% - 300%. Tại Việt Nam, 21 triệu trẻ em không đến trường và cách ly ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Hiện thực mới này tác động trực tiếp đến sự chăm sóc, bảo vệ và an toàn của trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ