Vì thế, nếu không thể cho con mái nhà trọn vẹn thì cần bàn bạc, thỏa thuận để chăm sóc con cái sau khi ly hôn.
Dễ tổn thương và hoảng sợ
Thực tế, trong nhiều gia đình hậu ly hôn, trẻ em gặp rủi ro cao hơn các vấn đề liên quan đến bạo lực và xâm hại.
Ly hôn gây tác hại trước hết cho con cái, làm căng thẳng các mối quan hệ cha mẹ và con trẻ. Dù nhiều hay ít, dù biểu hiện bằng cách này hay cách khác thì những đứa trẻ này đều bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh gia đình của mình. Bởi điều mất mát lớn nhất từ sự ly hôn của cha mẹ đối với con cái là chúng mất đi một điều kiện cơ bản để phát triển. Đó là một cơ cấu gia đình đầy đủ.
Chuyên gia tâm lý tư vấn hôn nhân và gia đình Nguyễn Thị Hoài (Công ty Luật Việt) cho biết, sau khi cha mẹ ly hôn, phản ứng tức thời của trẻ là sự hoảng sợ, cảm thấy không phải cha mẹ từ bỏ nhau mà là từ bỏ chính chúng. Mức độ phản ứng này phụ thuộc vào việc đứa trẻ sống trong một gia đình như thế nào. Sau đó, trẻ gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng tâm lý - xã hội. Đó là khó khăn trong học tập, thích ứng với hoàn cảnh sống mới, các mối quan hệ xã hội…
Nếu như sự thay đổi hoàn cảnh sống sau ly hôn tác động lớn đến trẻ nhỏ thì ở trẻ lớn hơn, khó khăn đối với chúng lại thường xuất hiện trong các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ bạn bè. Các em sinh ra tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc, có xu hướng co mình.
“Một trong những hậu quả lâu dài mà việc ly hôn của cha mẹ để lại cho trẻ trai là xu hướng sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ gia đình sau này. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, nhóm trẻ trai này có tỷ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và có nguy cơ xuất hiện các rối nhiễu tâm lý cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thường”, chuyên gia Hoài cho biết.
Trước khi ly dị, đứa trẻ càng được yêu thương và chăm sóc đầy đủ bao nhiêu thì khi cha mẹ ly dị, chúng càng cảm thấy bị tổn thương và hoảng sợ bấy nhiêu.
Có không ít trường hợp, khi ly dị, cha mẹ cố tình lôi kéo con cái về phía mình, lấy con cái làm “bia đỡ đạn” hay xem con cái như một thứ vũ khí để trừng phạt người vợ hoặc người chồng... Vì vậy, khi buộc phải ủng hộ một phía nào đó, con cái cảm thấy như đang phản bội lại cha hoặc mẹ mình.
Bên cạnh đó, sau khi cha mẹ ly hôn, trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành có thể phải sống trong hoàn cảnh không có cha, không có mẹ, hoặc không có cả cha lẫn mẹ, sống với ông bà, dì ghẻ hoặc bố dượng.
Nhiều em rơi vào hoàn cảnh lang thang đường phố để kiếm sống, lao động sớm. Hoặc rơi vào tình trạng nghiện hút, bị lạm dụng tình dục, mất mát những quan hệ thiêng liêng như mẹ con, quan hệ huyết thống trong một gia đình truyền thống.
Chuẩn bị tâm lý
Trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ, chị Nguyễn Vân Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) hiểu rõ nỗi buồn của con sau khi bố mẹ ly hôn. Chị chia sẻ, một gia đình hạnh phúc là điều mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mong ước. Tuy nhiên, khi có một người chồng, một người cha không xứng đáng, chị đành chọn cách chia tay.
Hậu ly hôn, chị Vân Anh cho rằng, dù cảm xúc của người lớn có buồn đến đâu thì cũng vẫn phải chăm lo, để ý đến con cái nhiều hơn, nhất là với những người được nuôi con. Hãy âu yếm con và dành thời gian chất lượng cho con. Những điều này sẽ mang lại cảm giác bình thường trong cuộc sống của một đứa trẻ.
Khi bố mẹ ly hôn, các con luôn có nguy cơ gặp rủi ro cao hơn cả về tinh thần và thể chất, có suy nghĩ, hành động tiêu cực... Do vậy, người lớn dù có quyết định như thế nào trong cuộc hôn nhân của mình thì cũng cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ đối mặt với vấn đề.
Chuyên gia Nguyễn Thị Hoài lưu ý, cha mẹ hãy cho trẻ biết rằng bố và mẹ đã quyết định ra ở riêng và việc này hoàn toàn không phải là lỗi của chúng. Đừng hạ thấp và đổ lỗi cho đối phương về cuộc ly hôn này, cũng như giữ lời nói thân thiện với trẻ.
Theo nhiều nghiên cứu, những đứa trẻ có bố mẹ ly hôn sẽ tốt hơn khi cha mẹ tiếp tục tham gia vào việc nuôi dạy chúng. Dù cho đã ly hôn, hãy đảm bảo bạn sẽ cùng con kỷ niệm tất cả các sự kiện quan trọng của gia đình, đặc biệt là sinh nhật của của con. Tiếp tục nuôi dạy con bạn với tư cách là cha mẹ để con có một tuổi thơ lành mạnh.
Bên cạnh đó, việc tranh chấp quyền nuôi con là một cuộc tranh chấp pháp lý không mấy vui vẻ giữa các cặp đôi. Tranh chấp này được giải quyết tại tòa án và có thể kéo dài rất lâu nếu không có được sự đồng thuận. Con trẻ có thể cảm thấy căng thẳng nếu tòa án gây áp lực cho trẻ, bằng cách yêu cầu trẻ chọn sống cùng bố hoặc mẹ.
Để ngăn chặn sự đau đớn cho con, hãy giữ chúng không tham gia vào bất kỳ thủ tục pháp lý nào.
Đồng thời, nếu giành được quyền nuôi con, thì đừng hạn chế hoặc ngăn cản đứa con mình gặp bố hoặc mẹ của chúng. Khi trẻ em được ở cạnh với cả bố và mẹ, chúng có một tuổi thơ bình thường, ngay cả khi bố mẹ không cùng chung sống dưới một mái nhà, chúng cũng sẽ bớt cô đơn hơn.
Trong số những vụ bạo hành trẻ em gần đây, không ít vụ việc đau lòng xảy ra do cha mẹ ly hôn, khiến dư luận phẫn nộ. Những vụ việc đau lòng này phần nào cho thấy hậu quả của những cuộc hôn nhân đổ vỡ để lại là sự thiệt thòi của con trẻ. Đặc biệt, có những người bố, người mẹ vì hạnh phúc riêng mà làm tổn thương các con.