(GD&TĐ) - Hiện đang là thời điểm các xóm làng, khối phố bước vào “mùa” bình xét, tôn vinh các gia đình văn hóa dịp cuối năm. Và có nhiều chuyện để bàn xung quanh việc bình xét này.
Có thể nhận thấy, việc bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa nếu được tiến hành nghiêm túc, khách quan theo các tiêu chuẩn đã quy định sẽ góp phần tích cực trong việc hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, việc bình xét, công nhận danh hiệu này ở một số nơi còn mang nặng tính hình thức, hiệu quả mang lại chưa cao.
Theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, có bốn tiêu chuẩn chính để xem xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, gồm: “Gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ, khỏe mạnh và hạnh phúc; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư”.
Quy định là vậy, tuy nhiên trên thực tế, nhiều nơi chưa căn cứ, bám sát vào những tiêu chuẩn này trong quá trình thực hiện. Tỉ lệ gia đình văn hóa đạt cao nhưng chưa phản ánh đúng thực chất. Vì thành tích của địa phương, một số nơi đã “sáng tạo” trong việc vận dụng các tiêu chí theo hướng “mềm dẻo” và “linh hoạt” nhằm “đưa” tỉ lệ gia đình văn hóa lên cao. Có nơi, tỉ lệ gia đình được bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa lên tới 95 hoặc xấp xỉ 100%.
Trong khi đó, ở những nơi này, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội còn có những diễn biến phức tạp. Trong quá trình bình xét, người dân và ngay cả những người chủ trì cuộc họp vẫn còn có tâm lí cả nể, xuề xòa. Do có những mối quan hệ trong dòng họ, xóm làng ràng buộc nên những người tham dự cuộc bình xét chưa thực sự mạnh dạn trong việc chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục của từng gia đình.
Những tồn tại, bất cập nêu trên khiến cho giá trị của tờ giấy công nhận danh hiệu gia đình văn hóa có phần bị giảm sút.
Để việc bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa được tiến hành nghiêm túc, nền nếp, có hiệu quả, phản ánh đúng thực chất, cần khắc phục triệt để tình trạng bình chọn hình thức, chạy theo số lượng như đã xảy ra bấy lâu nay ở nhiều địa phương. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, ban cán sự các xóm làng, khối phố là hết sức quan trọng. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần tạo ra phong trào thi đua thường xuyên, liên tục, có chế độ khen thưởng hợp lí đối với những gia đình tiêu biểu, mẫu mực.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn bình xét theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và nhất là phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng địa phương. Điều quan trọng là, việc bình xét, tôn vinh danh hiệu gia đình văn hóa phải được gắn liền với hiệu quả phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn khu dân cư.
Bùi Minh Tuấn