Cảm thụ văn học:

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Nhà thơ Thanh Thảo mở đầu tập thơ “Khối vuông Rubic” từng viết:“Câu thơ hay không phải mục đích bài thơ, như một năm sống không phải mục đích cả đời người. Nhưng anh thử không sống một năm xem?”.

Thật vậy, độc giả nhiều khi đọc một bài thơ nhưng họ chỉ nhớ đến vài câu, thậm chí một câu thơ độc đáo, thần tình. Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?

Điểm sáng nghệ thuật

Không thể đi vào chiều sâu, hồn cốt và sự huyền diệu của tư tưởng nếu bỏ qua nó. Đó là những từ ngữ cho phép sử dụng hai thao tác cơ bản: Lựa chọn (trên trục hệ hình) và kết hợp (trên trục tuyến tính) để chỉ ra giá trị không thể thay thế của chúng.

Cái khó là làm thế nào để khỏi sa vào lối giải thích từ ngữ hoặc làm vỡ vụn câu thơ? Với câu thơ “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” của Quang Dũng mà chỉ giải thích từ ngữ thì sẽ trả lời cho những câu hỏi ngô nghê: “Hoa về” là thế nào? “Đêm hơi” là đêm ra sao? Còn nếu tự ý sắp xếp lại câu thơ ấy cho dễ hiểu hơn, chẳng hạn: “Mường Lát đêm về hoa đưa hơi (hương)” thì sẽ biến câu thơ đầy ắp cảm giác của Quang Dũng thành một câu văn xuôi miêu tả loại xoàng.

Ai cũng biết ngôn ngữ thơ đặc trưng ở chỗ không chỉ gợi hình mà phải truyền cảm. Cảm, trên cả cảm xúc là cảm giác. Những từ ngữ “hoa về”, “đêm hơi” không vẽ ra một cảnh gì rõ rệt, hữu hình mà truyền đến người đọc cái cảm giác về một đêm Mường Lát ngờm ngợp hương hoa, dâng ngập tâm hồn những người lính trẻ.

Gặp những câu thơ mà từ ngữ nào cũng đáng bình giá, để tránh lối diễn xuôi thì vấn đề lại là sự lựa chọn trình tự phân tích. Với câu thơ “Quanh năm buôn bán ở mom sông” của Trần Tế Xương, có lẽ nên bắt đầu từ hai chữ “buôn bán” ở giữa câu để thấy sự hi sinh của bà Tú, vốn dòng trâm anh thế phiệt mà phải dấn thân vào chốn eo sèo mặc cả thị phi.

Kế đó là nói đến hai chữ “mom sông” ở cuối câu để thấy cái không gian khó nhọc hiểm nguy trong công việc làm ăn của bà Tú. Và cuối cùng mới đem đặt tất cả vào cái thời gian “quanh năm” ở đầu câu: Nỗi vất vả, khó nhọc của bà Tú không phải theo mùa, theo thời mà bám riết, đeo đẳng. Trình tự phân tích như vậy sẽ làm nổi bật được ba tầng bậc tăng dần trong nỗi vất vả của bà Tú, cũng là ba tầng bậc trong cách ghi công, tri ân của ông Tú.

Cũng có khi, cái hay của câu thơ không nằm trong bản thân ngữ nghĩa của câu chữ. Câu Kiều: “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” trong Thiên phú biệt li “Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều” là một ví dụ điển hình. Để thấy hết cái hay của câu thơ, cần phải giải mã tín hiệu thẩm mĩ được khai thác từ kho tàng Đường thi vô tận: “màu quan san”.

Đây là cái màu không định hình vì không thể nhận biết bằng thị giác. Nó nói đến cái vô biên, cái không tới được của nỗi nhớ nhung. Theo Lê Bảo1, “rừng phong” chỉ là một khách thể bị động, một không gian bị chiếm lĩnh. Còn chủ thể chiếm lĩnh là mùa Thu với lá phong màu đỏ thẫm kia.

Cũng như vậy, sự vuông tròn hạnh phúc ấm êm của Thúc Sinh và Thúy Kiều đâu phải do hai người quyết định. Tất cả là ở Hoạn Thư (mà sâu xa hơn là ở sự tàn nhẫn của cuộc đời dâu bể). Bao nhiêu cảm thức mà câu Kiều này gợi lên trong ta chủ yếu là ở phần ngôn ngoại.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Cảm nhận bằng trực cảm

Nhà thơ Hoàng Cầm từng nhấn mạnh: “Phải cảm bài thơ đã, rồi mới hiểu”. Trực cảm của người đọc được đánh thức bởi kiểu tổ chức ngữ âm đặc biệt của lời thơ.

Trước hết nhà thơ cần chú ý tới phối thanh trong câu thơ, đoạn thơ, bài thơ. Phối thanh là một yếu tố tiết tấu quan trọng bậc nhất của câu thơ. Sức âm vang, dư ba của câu thơ có được là nhờ yếu tố này. Câu thơ “Sao anh không về chơi thôn Vĩ” bình thường về câu chữ nhưng chứa đựng được bảy tầng ý nghĩa. Tầng ý nghĩa thứ nhất được gợi ra từ âm điệu.

Âm điệu của câu thơ đọc lên nghe mênh mang tha thiết với sáu thanh bằng liên tiếp nhau, chỉ có một thanh trắc ở cuối câu, làm cho giọng thơ hơi cong lên, vừa đủ để tạo thành ngữ điệu hỏi. Hỏi là để trách cứ, trách cứ mà như mời mọc, mời mọc trong một tâm trạng nhớ mong vời vợi.

Không ít những câu thơ sử dụng toàn thanh bằng. Nhưng câu thơ mở đầu bài thơ “Tống biệt hành” của Thâm Tâm cũng toàn thanh bằng mà lại khác hẳn:

“Đưa người ta không đưa qua sông”

Giữa những phù bình thanh liên tiếp nhau, tác giả đặt một chữ “người” trầm bình thanh trước vị ngắt nhịp, làm cho giọng thơ trầm hẳn xuống, bâng khuâng, xao xuyến như chính nỗi niềm li biệt.

Câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” vừa thể hiện ý chí cương quyết dứt khoát ra đi, vừa đầy ắp nỗi niềm. Ý chí ấy được thể hiện trong những từ ngữ rường cột của câu thơ nằm ở mỗi vị trí ngắt nhịp: “đi” - “không” - “lại”, gợi cái mô-típ có tính vĩnh cửu về những cuộc ra đi vì nghĩa lớn.

Còn nỗi niềm thầm kín ưu tư ở trong lòng thì chủ yếu được gợi ra từ thanh điệu. Khác với những câu thơ ra đi có âm điệu hào sảng vút lên từ những thanh trắc khứ thanh: “Chiến trường đi chẳng tiếc…”, “Tráng sĩ nhất khứ bất…”, câu thơ của Nguyễn Đình Thi sử dụng năm thanh bằng đi liền nhau rồi hạ thấp dần về phía cuối với hai thanh trắc âm vực thấp, lắng sâu một nỗi lòng buồn. Không buồn lòng sao được khi mà mỗi bước chân ra đi là bước qua hàng hàng kỷ niệm.

Người chuộng sự du dương như là một đặc tính của thơ sẽ khó nghe câu thơ này của Quang Dũng trong bài “Tây Tiến”:

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”

Các thanh trắc được sử dụng ở mật độ cao (5/7) đã cực tả cái hùng vĩ rợn ngợp của núi rừng, cũng là để nói tới cái gian nan của cuộc hành quân Tây Tiến. Nghe trong thơ như có hơi thở nặng nhọc của người lính trèo đèo, vượt dốc. Người ta hay nói đến chất thơ của đời sống, chất thơ trong những cái tưởng chừng như chẳng có gì nên thơ là như vậy.

Nhạc điệu của câu thơ còn được tạo bởi vần. Lối dùng vần buông bắt, nhặt khoan của Xuân Diệu trải dài trên khắp hai câu thơ đầu của bài “Đây mùa thu tới” đã tạo ra được một hiệu quả ngữ âm đặc biệt:

“Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”

Hai câu thơ 14 chữ mà có đến 10 chữ mang vần, dắt díu níu kéo nhau không rời, như một nỗi buồn thu miên man, không dứt. Vần còn bắc cầu qua cả những chỗ ngắt nhịp, làm nhòa đi cái vết rạch dứt khoát của câu thơ thất ngôn.

Hoặc như hai câu thơ mở đầu trong bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng:

“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Hai tiếng “chơi vơi” hiệp vần với âm “ơi” ở câu trên đã tạo nên sức lan tỏa, ngân dài của câu thơ. Nó như tiếng vang bật ra từ cõi nhớ, như tiếng vọng vào vách đá mà phản âm lại, như dao động của những con sóng kế tiếp nhau vỗ bờ, vỗ vào miền ký ức, làm bật ra hoài niệm.

Ngoài thanh điệu và vần điệu, còn có nhiều yếu tố khác làm nên tiết tấu của thơ như lượng thơ và bước thơ, phép điệp và phép đối. Điệp là một yếu tố tiết tấu rất dễ nhận biết. Nói chung, phép điệp đã làm cho câu thơ tăng cường thêm chất nhạc và độ sâu cảm xúc.

Câu thơ: “Gió theo lối gió, mây đường mây” của Hàn Mặc Tử là một ví dụ điển hình về tác dụng của phép điệp. Lối điệp từ “gió lối gió”, “mây đường mây” làm cho hai vế thơ cuốn tròn lại: gió đi về với gió, mây cuộn tròn trong mây, không còn cùng đường chung lối bên nhau như tự thưở nào nữa. Giới hạn của điều không thể, ý nghĩ về tình yêu không toại nguyện hụt hẫng chủ yếu được gợi ra từ phép điệp tài tình đó. Tiếp đến là đối. Nguyên tắc đối xứng của thi pháp Đường thi và hiện tượng tiểu đối trong thơ hiện đại là những yếu tố giàu ý nghĩa biểu đạt. Hai câu thực của bài thơ “Độc Tiểu Thanh Kí”:

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư”

Vừa đối xứng theo chiều dọc, vừa đối lập theo chiều ngang. Theo chiều dọc là sự cặp đôi, song hành của hai đối tượng: “son phấn” và “văn chương”, hai phẩm chất của tuổi trẻ, hai vẻ đẹp nhân sinh, cũng là giai nhân và tài tử – hai hạng người đáng kể trong thiên hạ. Theo chiều ngang là những bất công phi lý của cuộc đời: Làm đẹp cho đời, làm say lòng người, đánh thức ở con người tình yêu và khát vọng mà nhận lại về mình bao khổ đau, bất hạnh. Thói đời dèm pha, ghen ghét, đố kỵ được gợi ra từ phép đối ấy.

Thẩm bình phép so sánh đối chiếu

Đây cũng là cách mở rộng liên tưởng, tìm ra “cái khác biệt, cái đối lập tạo nên giá trị” (F. Saussure).

Đã từng có biết bao chiếc lá vàng rơi vào trang thơ mùa Thu nhưng mấy ai thấy lá vàng rơi đang dệt áo cho thu như Xuân Diệu: “Với áo mơ phai dệt lá vàng”. Mùa Thu đến nhuộm vàng cả đất trời hay chính đất trời đang kết dệt nên một chiếc áo màu mơ phai khoác lên mình thu, tạo cho mùa Thu một vẻ đẹp lộng lẫy, diễm ảo, cao sang.

Cảm nhận ánh trăng trong “Đây thôn Vĩ Dạ” sẽ sâu sắc hơn nếu so sánh với những câu thơ khác nói về ánh trăng của chính Hàn Mặc Tử. Trăng trong thơ Hàn Mặc tử có lúc táo bạo tân kỳ, có lúc hư huyền, ma quái, còn trong “Đây thôn Vĩ Dạ” là cả một dòng sông trăng mộng ảo. Phải là người trong mộng thì mới thấy sông là “sông trăng” và mới mong con thuyền chở người du khách đặc biệt là “trăng” về bến bên này cho kịp giờ hội ngộ.

Những câu thơ hay thường chỉ định cái vô định làm vô định cái được chỉ định. Trong “Đàn ghi ta của Lor-ca”, nhà thơ Thanh Thảo chuyển hóa các phạm trù, coi cái vô hình như là hữu hình:

- “đi lang thang về miền đơn độc”

- “chàng ném trái tim mình vào lặng yên bất chợt”.

Các nhà thơ lãng mạn theo trường phái tượng trưng thường ít chú trọng mô tả một thế giới cụ thể, rõ rệt, hữu hình mà cố gắng diễn tả những biến thái mong manh, tinh vi, huyền diệu của vũ trụ và lòng người. Hai câu thơ: “Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu/ Lả lả cành hoang nắng trở chiều” của Xuân Diệu là một trường hợp như vậy.

Hoặc trong bài “Đây mùa thu tới”, cảnh vật hiện ra cụ thể mà mơ hồ, xác định mà vô định. Trăng, non, bến đò, cánh chim, thiếu nữ là cụ thể, xác định. Nhưng trăng đã hóa ngẩn ngơ, núi đã phủ mờ sương, gió đã trở rét, đò đã vắng người, chim đã bay đi, còn thiếu nữ thì đứng tựa cửa nhìn ra xa xăm trong một mùa Thu buồn đầy thương nhớ…

Tất cả đều trở nên mông lung, mơ hồ, vô định.

*

* *

Trở lên, chúng tôi đã thử nêu lên một vài phương diện trong việc cảm nhận câu thơ hay, như là một nỗ lực thao tác hóa những cảm nhận cảm tính của mình.

Sự thật thì cái hay của thơ nhiều khi không ở câu thơ mà ở đoạn thơ, như không phải ở từng nét vẽ mà ở từng mảng màu trong hội họa. Cái hay của chữ nhiều khi nương tựa vào chỗ không-chữ, cái hay của nghĩa nhiều khi nằm trong chỗ tưởng chừng như vô nghĩa, nằm trong những không gian rỗng, những tập mờ.

Tính mơ hồ tạo tiềm năng cho người đọc đồng tưởng tượng, bổ sung, suy đoán. Mà đã đồng sáng tạo thì tác phẩm không thể tự đồng nhất vào chính nó. Nhà thi thoại đời Minh là Tạ Trăn cho rằng: “Thơ có chỗ khả giải, bất khả giải, bất tất giải, giống như hoa dưới nước, trăng trong gương, không cần câu nệ tới dấu tích”.

Cái khó của việc cảm nhận câu thơ hay đúng như nhà thơ Vương Sĩ Trinh đã nói, “không giải thích được thì thơ vô vị, mà giải thích được thì hết vị”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ