Cảm thụ văn học: Hồn quê trong 'Chợ Tết' của Nguyễn Minh Châu

GD&TĐ - Đọc “Chợ Tết” ta bắt gặp hồn quê với vẻ đẹp truyền thống của dân tộc, được nhà văn thổi vào trong từng câu chữ...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Với cốt truyện đơn giản, bằng giọng văn nhẹ nhàng, đậm chất trữ tình, truyện ngắn “Chợ Tết” của Nguyễn Minh Châu là một “lát cắt” về cuộc sống của người dân ở một làng ven biển vào ngày Ba mươi Tết.

1.

Truyện được mở đầu bằng một cảnh tượng lạ lùng: Ngọn roi bằng đuôi cá đuối quất vun vút vào không khí, phía trên đầu đám người đang họp chợ, cùng những lời quát tháo “- Hai, bốn, sáu... Quân tuyệt tự tuyệt nọc… tám, mười...”; “- Mày còn chửi à? Mày là đứa nào?”.

Cứ thế, “ngọn roi quật xuống một nhát trên chóp một cái nón mê xỉn một màu đang lúi húi xuống những cái mẹt cá”, lập tức “một cái mặt đàn bà ngẩng lên, một mớ váy, yếm cũ rách phấp phới bật vùng dậy, giật phắt lấy thanh roi trên tay lão già, mặt đỏ gay, mắt trắng dã”.Lão đàn ông phải “đâm quàng bỏ chạy”.

Đây chính là cảnh tượng mà Định - nhân vật kể chuyện đã chứng kiến khi “khoác ba lô đứng bên chiếc cầu gãy” trong một lần về làng. Trong chốc lát, Định kịp nhận ra người đàn ông cầm trên tay ngọn roi đuôi cá đuối ấy chính là bác Đất - người anh họ của Định, đang làm quản chợ.

Gặp Định rồi, ông anh họ một tay quắp lấy tay chú em, tay kia cắp ngọn roi cá đuối vào bên nách, cả hai đi giữa hai hàng nón vẫn cúi gập xuống, lúi húi bên những mẹt, những thúng cá. Lão Đất giắt Định len bàn chân vào được đến đâu lại tiếng quát thét đến đấy: “Vào trong chợ. Vào trong chợ hết, không thì chết”, nhưng “chẳng ai thèm nhúc nhích”.

Mấy lần lão đã toan rút roi ra, nhưng lão ngại có Định bên cạnh nên lại chỉ “khuỳnh khuỳnh cánh tay rộng hơn để thị oai”. Đi qua mẹt cá, lão lại lấy bàn chân đá nhẹ một cái, gọi tên từng người mà bảo: “Vào trong chợ. Vào trong chợ mà họp, không thì chết”.

Trước khi rời chỗ đám đông lão còn “quay hẳn người về phía sau, rút chiếc roi kẹp trong nách, quắc mắt, dứ dứ về phía chiếc cầu gỗ dài chưa đầy chục thước đứng cao chênh vênh giữa trời đã bị tàu bay Mĩ cắt làm đôi”, nhắc lại cái câu ban nãy bằng giọng hăm dọa tợn tạo hơn.

Khi “đường lối hòa bình” không đạt hiệu quả, lão Đất quyết định thay đổi bằng “thái độ bạo lực”. Trở lại chợ cá, cái roi đuôi cá đuối trong tay lão đã phát lực, chân lão đá tung những mẹt cá, “cả đám đàn bà, kẻ buôn người bán xô nhau chạy một mạch vào trong chợ”.

Thừa thắng, lão vác thanh roi đi giải tỏa các chợ lẻ khác. Cánh hàng quà, hàng hương, đám người bán hoa giả, hoa thật cũng chỉ sợ hỏng mất hàng, khi nghe sự kiện xảy ra ở chợ cá đã “ngoan ngoãn gồng gánh vào chợ”. Và thế là, “một cái chợ chết đi sáu,bảy năm đang sống lại” nhờ vào ngọn roi đuôi cá đuối của lão Đất.

Trên nền đất “lồi lõm, mấp mô” của những hố bom, những đường giao thông hào nối liền ba ụ pháo cao to, sừng sững như quả núi, một ụ nằm tận sát ngoài bến đò chợ, “hai chiếc lều bằng nứa, lợp phên tranh” “mới dựng lên chơ vơ”. Đây là nơi chợ mới sẽ được nhóm họp sau sáu, bảy năm giải tỏa do chiến tranh. Lão Đất - người quản chợ được “ủy thác trọng trách” này, và “chỉ có bàn tay lão mới làm nổi”. Lão làm công việc được giao phó bằng tất cả sự “tận tụy và đầy hứng thú” và cũng vì cái “máu mê” thích nhoi lên làm người cầm đầu, thích “uy quyền” như tâm lí của bao người dân quê khác.

Ở phần đầu này, hình ảnh “chiếc cầu gãy”, chiếc cầu gỗ “đã bị tàu bay Mĩ cắt làm đôi” là những chi tiết nghệ thuật đóng vai trò tạo dựng bối cảnh của tác phẩm - cuộc sống của con người thời hậu chiến. Hiện thực này cũng đã được nhà văn Nguyễn Minh Châu khai thác thành công trong nhiều thiên truyện như “Miền cháy”, “Lửa từ những ngôi nhà”, “Chiếc thuyền ngoài xa”…

Cùng với đó là hình ảnh ngọn roi bằng đuôi cá đuối. Ngọn roi này từng xuất hiện trong các câu chuyện kể của tù nhân chính trị ở nhà tù Phú Quốc, Côn Đảo thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ. Khi đưa hình ảnh này vào trong sáng tác của mình, phải chăng nhà văn Nguyễn Minh Châu đang muốn phản ánh hiện thực về một cuộc chiến khác - cũng khốc liệt không kém chiến tranh, đó là cuộc chiến với sự trì trệ, bế tắc trong cuộc sống xã hội Việt Nam thời hậu chiến.

Cảnh tượng hỗn độn ở phiên chợ cá cũng đã phơi bày cái nghèo đói, ngưng đọng của một làng quê ven biển, nhưng đó cũng là bức tranh chung của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu.

2.

Truyện ngắn “Chợ Tết” được kể ở ngôi thứ nhất, qua cái nhìn của Định, một người sống “ở ngoài Hà Nội”, “trên mười năm nay mới đảo qua làng vài lần, mà lần nào cũng vội vội vàng vàng y như cái lần cuối năm này”. Ở làng, Định có họ hàng, có“nhà thờ họ”, có hai ngôi mộ của những người thân sinh ra anh và còn có cả kí ức của tình yêu thời trai trẻ, với Tề - một cô gái trong làng, hiện vẫn sống ở làng.

Vừa đặt chân đến đầu làng, Định đã không khỏi ngỡ ngàng khi đứng lặng chứng kiến từ đầu đến cuối cảnh lão Đất đang dùng ngọn roi đuôi cá đuối để dẹp các chợ lẻ. Ngay sau đó, lão Đất dẫn Định về nhà, anh “ngơ ngác” trước những đổi thay của quê hương. Dòng sông chảy giữa làng, “hai bờ sông nhầy nhụa bùn nước mặn”, dòng sông “như khúc lòng lợn lượn vòng vèo dưới chân cầu” chảy qua một cái bến lát đá Thanh trước cổng ngôi đền làng.

“Ngôi đền làng không còn”, “những lũy cây um tùm đầy huyền bí không còn”. Chỉ còn “những hàng ván bia gỗ dựng xen với hàng rào nứa chạy dài ôm bọc suốt cả bốn mặt ngôi đền linh thiêng như những dãy hàng rào chống thú”. Trên cái “ngôi cổng đền sụp đổ” chỉ còn mấy chữ “Công ty ngoại thương hải sản” và hàng chữ kẻ nguệch ngoạc trên một tấm gỗ mộc.

Trước quang cảnh u sầm, nghèo đói của làng quê, Định thấy “ngơ ngẩn”. Trong anh những miền kí ức kéo về đẹp đẽ nhưng xa xôi . Ở đó, có mối tình của anh và Tề - cô gái cùng làng. Định vẫn còn nhớ rõ bóng dáng của cô gái với “tà áo dài trắng có rây vài vết mực tím từ trong dãy phố chợ đi ra giữa hai hàng cây chè tàu”. Bố Tề làm nghề cắt thuốc bắc, Tề vẫn hay dúi cho Định “những quả táo tàu cất trong cặp sách”.

Ở cái bến làng bên dòng sông nước mặn, Định còn nhớ “hai đứa có lần rủ nhau tụt xuống ngồi tận hàng bậc đá cuối cùng, vừa ăn những quả táo tàu, vừa nhìn ra những chiếc thuyền chở vôi, chở nước mắm đều gác mái chèo, chỉ chống sào để khỏi làm kinh động ngôi đền”. Nếu “không có họ với nhau” thì Định đã lấy Tề.

Bằng giọng văn nhẹ nhàng, trầm lắng, cất dấu trong từng kỉ niệm của Định có tình cảm thiết tha của một người đi xa dành cho đất quê. Hồn cốt dân tộc được neo đậu, được níu giữ trong từng khoảnh khắc êm đềm ấy. Đất quê, với Định và với tất cả chúng ta chính là cái gốc, là miền không gian yên bình để con người tìm về giữa dòng đời xuôi ngược, đổi thay. Đó cũng chính là thông điệp mà tác giả gửi gắm sau những dòng cảm xúc của nhân vật người kể chuyện.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

3.

Sau khi giải tỏa được các chợ lẻ, “trên mảnh đất bom đạn và chiến tranh đã nhào nặn đến biến dạng”, chợ Tết được nhóm họp đúng địa điểm mà nó từng đóng trước đây sáu, bảy năm. Theo lời của lão Đất “lều quán đã dựng xong, đàng hoàng, to đẹp”, nhưng trên đó, người ta mới thấy “một cái sạp sách của cửa hàng quốc doanh”, “tận góc khuất một ngôi lều khác là một lão thầy bói mặc áo Tôn Trung Sơn màu xám, mắt kính đen ôm nửa mặt, hai bàn tay rờ rờ trên mặt chiếc tráp bằng hòm đạn”. Thêm vào đó, lác đác vài hàng xén, vài hàng cá, một tay có vẻ dân “cà lơ” và một lão thợ rèn vừa đến đặt lò bệ bên cạnh lão thầy bói.

Nhưng đến quãng quá trưa thì khu chợ đã đông nghịt người, “không khí của nó đã ra dáng một phiên chợ Tết”. Ngôi lều đầu chợ,“mặt hàng chủ yếu được bày là những bức tranh cá chép, tranh mâm ngũ quả cùng mấy bộ liễn”. Những gì quen thuộc với trẻ thơ cũng đã được bày ra: “những con lợn đất sơn đỏ, những chiếc kèn cũng bằng đất vắt hình con gà trống, những nhánh hoa thờ với những bông hoa bằng giấy kim tuyến lỗ chỗ vết kim châm”.

Chen lấn giữa đám con nít đang bâu quanh một chiếc bàn, “một anh chàng đội mũ phớt tàng, mặt rỗ hoa đang vắt con giống”. Dãy bán miếng chín quen thuộc, với bánh mướt, bánh xèo… cũng được bày bán. Các dãy hàng cá, hàng gạo, hàng vôi, hàng nồi đất “ai ngồi đâu lại ngồi đấy, tự sắp xếp như sáu, bảy năm về trước, y như tự nó cuộc sống đã có một thứ kí ức đầy chuẩn xác”.

Phiên chợ Ba mươi Tết trong trang văn của Nguyễn Minh Châu đã làm hiện lên một cách sinh động hồn quê bao đời của người Việt. Tết đến trước hết bằng không khí tấp nập, rộn ràng. Tết đến bằng niềm náo nức của con trẻ với các trò chơi truyền thống. Tết đến bằng sự hiện diện của những vật phẩm thuộc tín ngưỡng thờ cúng, trong mỗi gia đình. Phần hồn cốt ấy có thể ví như bảo tàng tinh thần, lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc qua bao thăng trầm của thời cuộc.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

4.

Ở truyện ngắn “Chợ Tết”, Nguyễn Minh Châu đã bắt được cái nhộn nhịp của khu chợ mới sống lại sau sáu, bảy năm vào phiên chiều Ba mươi Tết. Phiên chợ Tết, đối với Định là sự quen thuộc, một nếp sống quen thuộc đã có từ lâu đời, làm anh “say mê và rưng rưng cảm động”, nhưng chính trong phiên chợ anh lại “buồn rầu” nhận ra: “Mặc dầu mặt đất bị xáo trộn nhưng cuộc sống con người lại ngưng đọng, như một sự lặp lại”. Nó làm Định đến phải phát mệt, “Định tưởng mình cùng với cả một đám đông đang sục sôi đến chóng mặt trong một cái guồng quay đầy luẩn quẩn”.

Dạo quanh một vòng phiên chợ, Định về lại cửa hàng ngay trước cửa ra vào. Đó là cửa hàng bán tranh của Kim - con gái của Tề. Trước những lời mời mọc nhiệt tình của cô gái, Định“cầm lên một bức cá gáy vượt Vũ Môn, ngó qua” rồi hỏi thăm về mẹ của Kim. Định rời phiên chợ Tết với “một đôi câu đối”, “một ít bánh” rồi lên đò sang sông.

Bên kia đò, “một dải chi chít những mái tranh nằm kề những nại muối vào mùa Đông vắng tanh và giát những trại bãi đất phẳng lì mênh mông, không một bóng cây”, ở đó có nhà Tề. Định đã bắt gặp Tề vào sáng nay, ở bến đò trong bộ dạng xộc xệch “mớ váy yếm cũ rách”, “cái nón mê đã bật vành”, cô gái đã “cắm đầu chạy”. Giờ đây, Định muốn sang gặp Tề nhưng lại “sợ Tề càng xấu hổ vì nhà cửa”.

Tần ngần bên bến đò, “mấy lần ông kéo đò khoát tay giục nhưng Định vẫn đứng đó”. Rồi Định gặp lại Kim khi bắt gặp “bóng thiếu nữ vừa chớm nhớn vận chiếc áo cánh trắng duyên dáng chạy vụt xuống bến đò như một làn ánh sáng khiến Định lầm tưởng cô em họ ba mươi năm về trước”. Định đã không lên đò, anh chỉ kịp “trao vào tay Kim gói quà, lại cả câu đối Tết”. Năm mới đã cận kề, nhưng cuộc sống của con người vẫn bị bủa vây bởi đói nghèo, bởi “cái guồng quay số phận” quẩn quanh, nặng nề trong không gian tù đọng của một vùng quê.

Nhưng phiên chợ Tết vẫn chưa được khép lại, khi còn đó dư âm của tiếng trống trong chiều Ba mươi. Thực hiện ý kiến của ông anh trưởng ở ngoài Hà Nội - một nhà khoa học trong quân đội đã đi ra nước ngoài nhiều, khi về hưu đóng đến cấp đại tá, “kì này mấy anh em sẽ cúng vào nhà thờ họ một chiếc trống”, “phải là một cái trống cái” để “đánh lên trong ngày Tết nghe oai linh biết bao, mấy anh em Định không có mặt mà cũng như có mặt”.

Định cùng lão Đất sang hàng trống. Họ “đứng dưới mái lều nghe tiếng trống các loại cứ rộn lên ở đâu đó ngoài khu chợ”. Với lão Đất, “từ đời tổ tông để lại, trong đáy lòng lão, cùng với tiếng trống là giặc giã, là giặc lụt, là sự hiện về của ông bà, thần linh”. Lão không giám ra roi với đám hàng trống. Khi đặt chân đến hàng trống, thái độ của lão cũng “hòa nhã hẳn”. Cuối cùng, lão Đất và Định cũng đặt được một cái trống cho nhà thờ họ. Theo yêu cầu của lão Đất, gã bán trống hẹn “ra Giêng cha con tui vào trong cầu Bùng mua khiêng ra”.

Tiếng trống trong phiên chợ chiều Ba mươi, tiếng trống trong miền kí ức của lão Đất, tiếng trống báo hiệu hiện diện của con cháu nơi xa, ở nhà thờ họ… đó là âm thanh của Tết - âm thanh đồng vọng của hiện thực cuộc sống và thế giới tâm linh con người. Tiếng trống trong truyện ngắn “Chợ Tết” thực sự là thanh âm mang hồn quê.

Sự xuất hiện của tiếng trống ở phần cuối của tác phẩm như là khúc vĩ thanh vang lên trong lòng mỗi người, phá tan sự “ngưng đọng” nơi miền quê nghèo. Tiếng trống thúc dục con người kiếm tìm sự thay đổi. Trong âm thanh tiếng trống dường như có cả tiếng lòng mong muốn của nhà văn. Văn Nguyễn Minh Châu luôn hấp dẫn người đọc bằng chất tự sự - triết lí sâu lắng, giàu chất suy tư cũng bởi vậy.

Nguyễn Minh Châu “thuộc trong số những người mở đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc), là cây bút tiên phong của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Nằm trong xu hướng vận động của văn học Việt Nam sau 1975, tác phẩm của Nguyễn Minh Châu có sự đổi mới cách nhìn nhận, cách tiếp cận hiện thực cuộc sống, có hướng khám phá con người trong những mối quan hệ đa dạng và phức tạp, mang đến những phát hiện bất ngờ cho người đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ